Metaverse Keeper là game nhập vai với lối chơi khám phá hang động lấy yếu tố roguelike làm chủ đạo trong thiết kế gameplay. Đây là hướng đi của rất nhiều cái tên cùng thể loại trong những năm gần đây, nổi bật với hai gương mặt tiêu biểu Enter the Gungeon và The Binding of Isaac. Điểm khác biệt lớn nhất là tựa game của nhà phát triển Sparks Games lấy bối cảnh tương lai với phong cách đồ họa tươi sáng và nhiều màu sắc hơn. Tuy nhiên, trò chơi lại có vài vấn đề hiệu năng rất khó hiểu.
Metaverse Keeper kể về câu chuyện của Multiverse, nơi khai sinh ra sinh vật cổ đại tàn ác và đã biệt vô âm tín từ rất lâu. Thế rồi thời gian trôi qua, khi chẳng còn ai nhớ đến nữa thì thực thể đó bất ngờ tái xuất giang hồ và “làm giặc”, khiến chính quyền Multiverse phải cầu viện sự giúp đỡ của các anh hùng hảo hán từ khắp thiên hà. Từ những vũ trụ khác nhau, tứ đại anh hùng đáp lại lời kêu gọi với mục tiêu khám phá những bí mật của sinh vật nói trên và ngăn chặn nó bằng mọi giá. Bạn là một trong số đó!
So với nhiều tựa game cùng thể loại thường có xu hướng chọn phong cách hình ảnh pixel, có lẽ đồ họa tươi sáng với tạo hình nhân vật hài hước và bối cảnh tương lai có lẽ là điểm cộng lớn nhất của Metaverse Keeper. Thiết kế màn chơi với những sắc thái khác nhau cũng nhận được sự bổ trợ thú vị của phong cách đồ họa, tạo nên dấu ấn riêng của game. Tuy nhiên, đừng để những gam màu tươi vui đó đánh lừa. Càng về sau, màn chơi chuyển sang những gam màu tăm tối hơn trong khi kẻ thù cũng nguy hiểm hơn.
Hình dạng kẻ thù tương đối đa dạng theo phong cách dễ thương đáng yêu hơn là đáng ghét. Trong khi đó, boss hầu hết đều sở hữu tạo hình “cute phô mai que” chứ không đáng sợ. Tuy không đủ sức “family friendly”, nhưng phong cách đồ họa của game có phần trẻ con chứ không đẫm máu đến lạm dụng như Binding of Isaac. Những hình ảnh đầu tiên trong trải nghiệm rất dễ khiến người chơi bị đánh lừa, nhất là độ khó đầu trải nghiệm chỉ dừng ở mức yêu nhau lắm cắn nhau đau chứ chưa tới mức đau như… bò đá.
Lối chơi của Metaverse Keeper là đi vào các khu vực đánh quái chia thành từng cảnh thông nhau và được xây dựng bằng yếu tố roguelike. Người chơi bắt đầu với phần hướng dẫn cơ chế gameplay cơ bản và “khởi nghiệp” từ tàu vũ trụ. Nơi này được thiết kế như trung tâm hành động, cho phép bạn nâng cấp vũ khí, mua bán vật phẩm thiết yếu và đổi nhân vật điều khiển. Ban đầu, bạn chỉ được lựa chọn giữa hai nhân vật, còn các nhân vật khác thì chỉ được mở khóa khi trải nghiệm thỏa một số điều kiện nhất định.
Mỗi nhân vật đều có chỉ số, kỹ năng cũng như ưu và khuyết điểm riêng. Đơn cử như nhân vật đầu tiên có nhiều máu nhưng khả năng chiến đấu kém do không có kỹ năng cá nhân. Anne thì ít máu nhưng “chặt chém” mạnh tay hơn, sử dụng vũ khí ban đầu là con dao “chà bá lửa” mang đậm dấu ấn Châu Tinh Trì trong nhiều bộ phim. Cảm giác chiến đấu khá đã tay khi phần điều khiển rất nhạy nút, không có độ trễ thao tác khi bấm nút. Tuy nhiên, Multiverse còn để ngỏ rất nhiều cơ chế gameplay cho người chơi tự tìm hiểu.
Điều này có thể gây chút khó khăn với những ai lần đầu đến với thể loại này. Ngược lại, nếu đã trải nghiệm những tựa game như Enter the Gungeon hay Binding of Isaac, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt các cơ chế gameplay hơn. Metaverse Keeper chỉ có vài điểm khác biệt nhỏ là nhân vật có thêm màn chắn “thế mạng” cho máu. Màn chắn này được phục hồi hoàn toàn mỗi khi bạn hoàn thành chiến đấu và rời khỏi một cảnh trong game. Dù vậy, điểm khác biệt này không giúp trải nghiệm dễ dàng hơn như bạn lầm tưởng.
Về cơ bản, chiến đấu trong Metaverse Keeper thường thiên về tấn công cận chiến nhiều hơn. Bạn vẫn có thể sử dụng vũ khí tầm xa tương tự Enter the Gungeon, nhưng số lượng này không nhiều mà phần lớn vẫn là vũ khí cận chiến. Chính vì vậy mà nhân vật của người chơi dễ trúng đòn hơn, nhất là khi kẻ thù có xu hướng tấn công hội đồng, đúng kiểu công thủ toàn diện cả tầm xa lẫn tầm gần thay vì 1v1. Thậm chí boss cũng hiếm khi chiến đấu một mình mà thường xuyên kêu gọi bầy đàn ra trợ chiến như đúng rồi.
Chiến đấu thường thiên về việc quan sát và tìm ra bài tấn công của kẻ thù để phản công. Điều này áp dụng cho cả những trận đánh boss. Tiêu diệt kẻ thù và boss sẽ thưởng cho bạn đủ loại “tiền tệ”, từ tiền vàng nâng cấp vũ khí, energy dùng mua chip cho tới băng cassette để mua các nâng cấp vĩnh viễn cho nhân vật. Tất cả cũng chỉ nhằm mục đích giúp trải nghiệm những lần sau dễ hơn một chút. Thế nhưng, kẻ thù cũng chẳng hề nương tay, khiến tôi có cảm giác nâng cấp chỉ để bạn ngang cơ với kẻ thù là chính.
Trải nghiệm game cũng vì thế mà tập trung vào chiến đấu và lựa chọn vũ khí phù hợp với lối chơi của mỗi người hơn. Cảm giác như nó là phiên bản lite của Hades vậy. Đáng chú ý, Metaverse Keeper có rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên trong thiết kế gameplay, nhưng các loại chip dùng để buff cho nhân vật và vũ khí đều được thiết kế khá cân bằng. Khéo kết hợp chúng giúp bạn trở nên bá đạo trong trải nghiệm game nhưng ngược lại, lựa chọn sai lầm “cặp đôi hoàn hảo” sẽ gây nhiều khó khăn trong trải nghiệm về sau.
Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Metaverse Keeper là tôi thỉnh thoảng gặp tình trạng giật hình trong trải nghiệm chiến đấu, nhất là ở một số cảnh chiến đấu thực hiện challenge để thu thập thêm energy. Mặc dù nó chưa đến mức gây hậu quả nghiệm trọng nào nhưng đủ khiến tôi cực kỳ khó chịu. Đây là vấn đề hiệu năng vô cùng khó hiểu khi trò chơi sử dụng đồ họa 2D và các hiệu ứng chiêu thức ra đòn của kẻ thù không hề nặng tải. Nó không phải luôn xảy ra mà chỉ trong một số cảnh không rõ nguyên do.
Sau cuối, Metaverse Keeper mang đến một trải nghiệm nhập vai với lối chơi khám phá hang động khá hấp dẫn và sở hữu đồ họa dễ thương, nhiều màu sắc. Đặc biệt, đây là tựa game hiếm hoi thuộc thể loại này hỗ trợ co-op local lẫn online. Tuy nhiên, vấn đề hiệu năng của trò chơi có thể gây một số phiền nhiễu khi gặp phải ngẫu nhiên trong trải nghiệm. Ngoài vấn đề đó ra, dù không có nhiều ý tưởng sáng tạo so với nhiều tựa game cùng thể loại trên thị trường, nhưng đây vẫn là cái tên rất đáng cân nhắc.
Metaverse Keeper hiện có cho PC (Windows, macOS) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.