Metallic Child là game hành động kết hợp yếu tố nhập vai và roguelike trong xây dựng trải nghiệm. Tuy nhiên, so với nhiều cái tên khác cùng khai thác yếu tố roguelike, cơ chế phát sinh màn chơi ngẫu nhiên của trò chơi rất hạn chế và không đa dạng. Đây cũng là điểm trừ lớn nhất của game ở góc độ người chơi. Bù lại, nhà phát triển solo Studio HG làm rất tốt những khía cạnh khác. Đặc biệt, cơ chế phần thưởng và yếu tố rủi ro đầy hào hứng góp phần không nhỏ mang đến trải nghiệm game vô cùng thỏa mãn với mức độ thử thách không quá cao.
Metallic Child truyền tải câu chuyện kể thú vị với lời thoại hóm hĩnh, mang đến nhiều màu sắc cho trải nghiệm game. Trò chơi lấy bối cảnh khá hài hước khi nhân vật chính phát tín hiệu cầu cứu từ tàu vũ trụ LifeStream. Do sự cố trên phi thuyền, người máy Rona bị hư hỏng nặng và không thể tự hoạt động. Tình thế càng kịch tính hơn khi phi thuyền bị ai đó thiết lập để va vào trái đất. Thông qua cuộc hội ngộ bất ngờ giữa người chơi game và nhân vật chính, bạn là người duy nhất có thể cứu được nhân loại khỏi diệt vong.
Đáng chú ý, Metallic Child khiến tôi không tránh khỏi liên tưởng đến Mighty No. 9 do có nét tương đồng về tạo hình nhân vật. Thế nhưng, trải nghiệm vô cùng hào hứng chứ không để lại nhiều cảm nhận trái chiều như cái tên kể trên. Thậm chí, đứa con tinh thần của nhà phát triển solo Studio HG còn có nhiều ý tưởng thú vị trong thiết kế. Đặc biệt, lối chơi mang nhiều cảm giác như Mega Man X phiên bản khám phá hang động, tưởng không hay ai ngờ hay không tưởng. Người chơi cũng chọn boss để đối đầu và chiến đấu trong suốt màn chơi.
Khác biệt lớn nhất của Metallic Child so với series Mega Man là thay vì xây dựng trải nghiệm đi cảnh màn hình ngang quen thuộc, nhà phát triển Studio HG chọn góc nhìn chéo từ trên cao xuống. Nhân vật chính có thể trang bị và chuyển đổi giữa hai loại vũ khí trong mỗi lượt trải nghiệm. Vũ khí nào cũng có kỹ năng đặc biệt cùng ưu và khuyết điểm riêng. Ngoài ra, bạn còn có thể tìm và thu thập các loại vũ khí khác nhau trong trải nghiệm game. Kỳ thực, đó là những cơ chế gameplay quá thông dụng nên tôi không đề cập chi tiết.
Tương tự Mega Man, nhân vật chính trong Metallic Child cũng học được các kỹ năng đặc thù của boss sau khi tiêu diệt chúng. Những kỹ năng này giúp Rona có nhiều lợi thế hơn khi đối đầu với kẻ thù và các con boss khác trong trải nghiệm game về sau. Chưa kể các trận boss chiến cũng rất khác biệt, đòi hỏi người chơi phải có chiến thuật rõ ràng và nhận thức tình thế, biết khi nào tấn công cũng như lúc nào nên bỏ chạy. Chúng còn biết kích hoạt Second Gear và thay đổi bài tấn công hoàn toàn mới khi mất đi nửa thanh HP.
Thế nhưng trước khi đánh boss, hoàn thành mỗi màn chơi khá vất vả khi có không ít… micro-boss chờ bạn trong các gian phòng. Gọi là micro-boss nhưng nếu không cẩn thận, chúng dễ dàng cướp trắng thanh HP của Rona khiến bạn phải chơi lại từ đầu màn khá ức chế. Mỗi màn còn được chia thành nhiều tầng, cuối mỗi tầng là trận đánh mini-boss cũng hoành tráng không kém boss. Sau khi vượt qua cơ số mini-boss, người chơi mới diện kiến boss của màn chơi vừa vô cùng khổng lồ so với nhân vật chính Rona, vừa không kém phần thử thách.
Vấn đề lớn nhất của Metallic Child là thiết kế màn chơi không đa dạng trong khi kết cấu cứ hao hao nhau. Mặc dù vậy, tôi cũng phải có lời khen nhà phát triển solo Studio HG có cố gắng thay đổi phong cách nghệ thuật và chủ đề của mỗi màn, giảm bớt cảm giác lặp lại dù chưa thành công từ góc độ người chơi. Điểm trừ này càng trở nên khó chịu hơn khi kết hợp cùng thiết kế màn chơi chia thành nhiều tầng và khuyến khích bạn khám phá nhận thưởng. Những phần thưởng này còn được đặt ngay trước cửa vào nơi đánh mini-boss hoặc boss.
Tuy có nhiều cơ chế gameplay tương đồng với series Mega Man, nhưng Metallic Child cũng sở hữu ý tưởng sáng tạo và mang đậm dấu ấn riêng xoay quanh hệ thống Core. Về cơ bản, đây là những trang bị có tính tạm thời và sẽ biến mất khi hết năng lượng sau khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, bạn phải thường xuyên thu thập các mini-core để nâng cấp, cung cấp năng lượng bổ sung và duy trì khả năng hỗ trợ của chúng. Vấn đề ở chỗ, người chơi không thể biết công dụng của mỗi Core thu thập được trong trải nghiệm game.
Bạn chỉ biết khả năng hỗ trợ hoặc gây hại của Core một khi chúng được trang bị cho Rona. Kỳ thực, hệ thống Core là yếu tố rủi ro đầy hào hứng trong trải nghiệm Metallic Child. Chúng có thể giúp tăng khả năng chiến đấu hoặc cải thiện chỉ số cho nhân vật, nhưng nếu trúng phải Bugged Core cũng gây hại đến Rona không hề nhỏ. Nhẹ thì chỉ giảm chút sát thương trong chiến đấu hoặc làm biến mất một phần giao diện game, thậm chí hiện quảng cáo đầy màn hình làm cản trở tầm nhìn của người chơi trong trải nghiệm chiến đấu.
Ngược lại, Core cũng cải thiện không nhỏ cho khả năng chiến đấu của Rona. Chẳng hạn giúp gánh thêm một đòn tấn công của kẻ thù sau khi đã cạn thanh HP, vô cùng hữu dụng khi đánh boss. Có Core tăng HP mỗi khi bạn giải quyết xong toàn bộ kẻ thù ở mỗi gian phòng. Ngoài khả năng đỡ đòn và tấn công cơ bản, Rona còn có thể tóm lấy và ném kẻ thù vào tường hoặc đồng bọn của chúng, thậm chí ném vật thể vào chúng. Nó mở ra cơ hội cho người chơi dùng kỹ năng đặc biệt để giành lợi thế trước kẻ thù và thu thập mini-core hoặc Disk.
Disk là loại tiền tệ có được nhờ tiêu diệt kẻ thù và dùng để nâng cấp, mua trang bị, Core cũng như hồi máu cho nhân vật. Thú vị hơn hết, những Bugged Core tưởng chừng vô dụng lại là cơ hội để bạn mở khóa Super Core, giúp duy trì khả năng hỗ trợ trong suốt trải nghiệm. Khác với Core có năng lượng cạn dần theo thời gian nếu không được nâng cấp kịp thời bằng mini-core, các Super Core giống như những trang bị có khả năng hoạt động vĩnh cữu, không có tình trạng cạn năng lượng hay biến mất như những Core thông thường thu thập được.
Không chỉ cơ chế gameplay hấp dẫn, khía cạnh nghe nhìn của Metallic Child cũng mang đậm dấu ấn riêng. Phong cách đồ họa anime của trò chơi nhìn rất lạ và khác biệt. Soundtrack cực ổn với những bản nhạc techno sôi động. Dàn diễn viên lồng tiếng thật sự thổi hồn cho nhân vật, truyền những hỉ nộ ái ố của Rona đến người chơi. Các nhân vật khác cũng rất có cá tính và đáng nhớ. Điều khiển nhạy nút. Đặc biệt, bản Switch còn hỗ trợ tốc độ khung hình mượt mà 60fps hoặc 30fps tùy vào thiết lập Performance hay Graphics của người chơi.
Sau cuối, Metallic Child mang đến một trải nghiệm hành động hấp dẫn không chỉ gameplay mà cả cốt truyện. Tuy điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thiết kế màn chơi chưa tạo cảm giác đa dạng, nhưng những khía cạnh khác vừa được xây dựng rất tốt mà lại còn chăm chút cẩn thận. Nếu không ngại chút thử thách, đây chắc chắn là cái tên mà bạn không thể bỏ qua.
Metallic Child hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!