Mega Man 11 là phần chơi mới nhất trong series game hành động đi cảnh kinh điển Mega Man sau tám năm dài chờ đợi.
Mega Man là phiên bản phát hành ở các nước phương tây được đổi tên từ tựa gốc Rockman tại thị trường Nhật do vấn đề pháp lý. Đây là một series khá dài hơi, trải dài trên nhiều thế hệ người chơi lẫn máy chơi game từ console đến handheld. Thế nhưng, khi người được mệnh danh là “cha đẻ” của Mega Man là ông Keiji rời khỏi Capcom để đi tìm hướng đi riêng với những cái tên mới như Mighty No. 9 hay ReCore, nhiều người chơi khá lo ngại cho số phận của series game về cậu người máy xanh dương này nhưng đó là một sự lo xa không cần thiết.
Kỳ thực, ông Keiji không phải là “cha đẻ” của Mega Man mà là Kitamura Akira, người đã đưa ra ý tưởng thiết kế cho nhân vật Mega Man. Ông Keiji chỉ là người hoàn thiện nửa công việc còn lại dưới vai trò là họa sĩ thiết kế. Thông tin này được chính ông Keiji xác nhận trong một cuộc phỏng vấn tại sự kiện Tokyo Game Show năm 2007. Khi Mega Man 11 được công bố, không ít người chơi đã khá nghi ngờ về chất lượng của game vì khoảng trống mà ông Keiji để lại. Thế nhưng điều này nhanh chóng bị dập tan khi trò chơi chính thức phát hành, thậm chí nó còn nhanh chóng trở thành top 5 game Mega Man mà tôi yêu thích nhất.
Có thể bạn không nhớ, nhưng Mega Man từng có một thời điểm thay đổi phong cách đồ họa sang 3D kiểu Chibi với phiên bản Mega Man Powered Up trên tảng PlayStation Portable. Nhà phát triển cho biết đây là ý tưởng thiết kế ban đầu của Mega Man mà ngày xưa do hạn chế phần cứng nên họ không thể sử dụng. Đáng tiếc, mặc dù là một tựa game hay và được giới chuyên môn đánh giá khá cao, nhưng người chơi vẫn không chấp nhận lời giải thích này và kết quả là Mega Man Powered Up thất bại. Sau đó thì chúng ta chẳng bao giờ còn thấy phiên bản Mega Man đó nữa. Tôi thì lại rất thích kiểu đồ họa dễ thương như vậy.
Mega Man 11 tuy không sử dụng phong cách đồ họa bị “fan dỗi” nói trên, nhưng ít nhiều tôi cũng thấy có sự pha trộn khá hài hòa giữa hình tượng Mega Man trong các phần chơi cũ và tựa game PSP nói trên. Thiết kế các nhân vật và không gian màn chơi tạo cảm giác nổi khối 3D rõ rệt, kết hợp với lối chơi đi cảnh màn hình ngang 2D quen thuộc, mang đến một cảm giác vừa lạ lại vừa quen. Thú vị nhất là Mega Man không chỉ thay đổi màu sắc khi sử dụng các vũ khí mới mà ngay cả vẻ bề ngoài và “nồi cơm điện” cũng được thiết kế khác biệt đi. Điều quan trọng mà tựa game này đã làm được chính là giữ lại cảm giác điều khiển rất quen thuộc, chỉ vào game là biết ngay đấy đích thực là một tựa game Mega Man không lẫn vào đâu được. Điểm cộng đầu tiên cho sự trở lại đáng chào đón của Mega Man.
Tuy nhiên, cũng có một vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát, đó là sức nặng của tay cầm trên các nền tảng mới nặng hơn khá nhiều so với cái thời NES, SNES hay Wii ngày xưa. Nó cũng tạo một chút cảm giác hơi khác biệt khi điều khiển nhân vật, nhưng điều này không gây tác động tiêu cực đến trò chơi. Điểm nhấn mới trong Mega Man 11 chính là hệ thống Double Gear với cơ chế Power Gear và Speed Gear, bổ sung thêm hai nút nhấn mới vào số lượng nút sử dụng rất ít ỏi của series này từ trước đến nay. Về cơ bản, có thể hiểu Double Gear như một hệ thống hỗ trợ chủ động mới, cho phép người chơi có thể bắn ra sát thương mạnh hơn và làm chậm thời gian giúp Mega Man dễ dàng né đạn của kẻ thù hoặc trong các tình huống nhất định.
Trong trường hợp cần kíp, bạn cũng có thể sử dụng kết hợp cả hai hỗ trợ này để tạo nên một Mega Man “bất khả chiến bại”, nhưng sẽ có cái giá phải trả sau đó. Hai cơ chế mới này cũng khiến cho thiết kế màn chơi thay đổi với độ khó cao hơn và thời lượng chơi mỗi màn cũng dài hơn. Đi kèm với đó còn có vô số hỗ trợ khác ở Dr. Light’s Lab mà người chơi có thể mua bằng tiền ốc vít kiếm được trong suốt thời gian trải nghiệm. Số lượng hỗ trợ này hết sức đa dạng, từ hồi năng lượng hoặc máu cho tới bảo vệ Mega Man khi bị rơi vào bãi chông hay thậm chí là lọt xuống vực. Tất nhiên là những hỗ trợ này không hề miễn phí và bạn phải “cày sâu cuốc bẫm” mới có thể đủ tiền ốc vít để mua các hỗ trợ này.
Nếu không muốn cày cuốc thì chỉ có một cách duy nhất là phải tự lực cánh sinh mà vượt qua. Đó cũng là lúc chúng ta quay lại với “trải nghiệm game cơ bản” của series này: đi cảnh và đánh boss. Cũng giống như các tựa game Mega Man trước đó, nhiệm vụ của người chơi là phải tiêu diệt các Robot Master để chiếm lấy vũ khí của chúng, rồi tấn công lâu đài của Dr Wily và lại tiếp tục đánh một loạt boss nữa để kết thúc trải nghiệm. Nghe có vẻ dễ nhưng kỳ thực ngược lại. Phần lớn độ khó của Mega Man 11 cũng như những phần chơi trước đó là bạn phải mày mò để tìm ra điểm yếu của các con boss. Thế nhưng, trước đó người chơi phải vượt qua những màn chơi với hàng loạt bẫy rập được thiết kế để chờ người chơi sập bẫy.
Cả hai vẫn luôn là yếu tố hấp dẫn nhất trong bao tựa game Mega Man trước đây và phần chơi mới nhất cũng không phải ngoại lệ. Ở thời điểm này, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm thấy thông tin chia sẻ từ nguồn ngoài về điểm yếu của các con boss, nhưng thiết kế màn chơi vẫn là một trở ngại không nhỏ với những ai lần đầu đến với tựa game này. Vấn đề ở chỗ, tôi không nghĩ hàng loạt những hỗ trợ mà bạn có thể mua bằng tiền ốc vít “cày cuốc” lại có thể giúp người chơi mới vượt qua những màn chơi khó của Mega Man 11 một cách nhẹ nhàng, hay ít nhất cũng giúp nó thân thiện với người chơi mới ngay cả ở độ khó thấp nhất.
Sở dĩ tôi đề cập đến yếu tố này là vì cốt truyện trong phần chơi này mang cảm giác như một bản khởi động (reboot) nhẹ của cả series Mega Man. Nội dung trong Mega Man 11 bắt nguồn từ “ân oán giang hồ” từ ngày xưa, lý do vừa đủ để làm một cuộc phiêu lưu mới cho Mega Man. Nếu bạn không nhớ thì series này từ trước đến nay vốn chưa bao giờ tập trung vào cốt truyện như series game Mega Man X hay ZX v.v…, mà chỉ ổn định với phong cách đi cảnh hành động kinh điển với đồ họa pixel art quen thuộc giống như những phiên bản thời kỳ đầu của nó.
Kỳ thực, chỉ đến Mega Man 11 mới có sự thay đổi ở cả đồ họa và soundtrack, giống như nhà phát triển đang xây dựng nền tảng vững chắc để chuẩn bị cho một thế hệ game Mega Man mới từ phiên bản này. Đó có lẽ là lý do mà bạn sẽ hiếm khi thấy được những nâng cấp mới về đồ họa, soundtrack từ series này như trường hợp của phần chơi Mega Man mới nhất. Vì nếu thay đổi quá nhiều sẽ biến nó thành giống như hai series Mega Man X hay Mega Man ZX rồi, không còn là Mega Man nữa. Vấn đề ở chỗ, đồ họa mới của Mega Man có thể mang đến cảm nhận trái chiều trong lòng người chơi.
Thế nhưng, tôi không nghĩ sự thay đổi trong soundtrack không còn dùng các bài nhạc chiptune là một ý tưởng hay. Có lẽ tôi đã quá quen với những giai điệu này trong các game Mega Man cũ và không cảm được cái hay trong soundtrack mới của Mega Man 11 hoặc đó là sự thật. Tuy nhiên, một yếu tố khiến tôi cảm thấy phiền lòng nhất là phần lồng tiếng Anh của trò chơi rất tệ. Các nhân vật nói chuyện không tạo chút cảm xúc gì, không thổi được cái hồn cho nhân vật. May mắn là bạn có thể chuyển sang phần lồng tiếng Nhật có hồn hơn nên tôi cũng không nỡ xem đây là một điểm trừ của trò chơi.
Bù lại, trò chơi có rất nhiều thử thách hấp dẫn chờ đón bạn trong menu Extra Modes, mang đến cho game một điểm cộng tuyệt vời. Với những chế độ quá quen thuộc như Time Attack hay Score Attack thì không có gì đáng nói, nhưng những chế độ chơi như Jump Saver hạn chế nhảy, Buster Breakdown hạn chế bắn hay bắn bong bóng trong Ballon Rush, thu thập huy hiệu trong Medal Collector đều khá thú vị, mang đến giá trị chơi lại cao cho Mega Man 11. Hấp dẫn nhất là chế độ chơi Dr. Light’s Trial “rất khoai” mà bạn chỉ có thể mở khóa sau khi hoàn thành phần chơi cốt truyện. Hoặc nếu yêu thích thử thách, độ khó Superhero của phần chơi cốt truyện cũng đang chờ bạn nữa đó.
Sau cuối, Mega Man 11 mang đến một trải nghiệm “đậm chất” Mega Man mà người chơi đã mong chờ từ rất lâu và họ không hề thất vọng. Nhà phát triển đã chọn bước đi an toàn khi tái sử dụng lại công thức đã làm nên thành công cho series này, kết hợp với một số cơ chế gameplay mới đáng chào đón để mang đến một trải nghiệm hấp dẫn hơn. Nếu yêu thích người máy xanh dương đáng yêu này thì chẳng có lý do gì để bạn bỏ qua tựa game này. Ngay cả khi lần đầu đến với trò chơi, hàng loạt các hỗ trợ cũng sẽ giúp bạn tiếp cận với game dễ dàng hơn, nhưng chỉ là đỡ “khổ tâm” hơn thôi chứ không có nghĩa là dễ đâu. Đặc biệt, nếu bạn sở hữu phiên bản Nintendo Switch thì amiibo Mega Man là một bất ngờ đầy thú vị cho những người chơi sở hữu hệ máy này.
Mega Man 11 được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!