Martha is Dead là game phiêu lưu kinh dị tâm lý sở hữu lối chơi “mô phỏng đi bộ” ở góc nhìn thứ nhất. Trò chơi lấy bối cảnh vùng quê Tuscany nước Ý vào năm 1944 cuối Thế Chiến II. Trong lịch sử thế giới, đây là thời điểm đế chế độc tài phát xít của Benito Mussolini đang dần sụp đổ, tạo thành bối cảnh khá thú vị cho câu chuyện kể của trò chơi. Trải nghiệm game mang nặng tính cá nhân với những nút thắt bất ngờ thông qua lối kể chuyện độc thoại để lại nhiều cảm xúc của nhân vật chính. Đó còn là cảm giác tội lỗi và hơn thế nữa.
Giống như nhiều game phiêu lưu kinh dị như Visage và Amnesia: Rebirth, trải nghiệm Martha is Dead luôn khiến người chơi mông lung giữa nỗi ám ảnh và thực tại của nhân vật. Trò chơi khiến bạn phải đặt câu hỏi về mọi thứ được chứng kiến trong trải nghiệm game. Các sự kiện và bối cảnh chỉ làm công cụ tường thuật để truyền tải câu chuyện kể phức tạp và cuốn hút hơn. Kỳ thực, không chỉ đề tài mà cả cách nhà phát triển LKA đưa những chủ đề này vào trải nghiệm cũng khiến tôi cảm thấy kinh hoàng vì mức độ tăm tối của trò chơi.
Cái gọi là khái niệm về thực tại dường như bị che mờ đi trong trải nghiệm Martha is Dead. Những tình tiết tưởng chừng thực tại có khi chỉ là cơn ác mộng và ngược lại, gây nên cảm giác căng thẳng cho người chơi mỗi khi nhận ra. Đội ngũ phát triển dường như quá hiểu tâm lý phức tạp của con người, biến trải nghiệm thành cuộc khám phá tâm trí không giống bất kỳ tựa game nào mà tôi từng chơi. Đến mức những từ như nặng nề, khủng khiếp và tiêu cực có lẽ vẫn chưa đủ để mô tả chính xác cảm giác trải nghiệm của người viết.
Ở góc độ người chơi, có vài phân đoạn tương tác khiến tôi cảm thấy vừa ghê vừa sợ khi suy nghĩ thoáng qua về ý đồ thiết kế mà đội ngũ phát triển muốn hướng đến. Thậm chí, ngay cả những tình tiết tưởng chừng mang ý nghĩa vui vẻ cũng có cảm giác sai sai khó có thể diễn tả bằng lời. Đáng nói, Martha is Dead không có những cảnh hù dọa khiến bạn giật mình. Trò chơi không cần những thứ ấy để gieo cảm giác kinh hoàng vào tâm trí người chơi. Chỉ riêng bầu không khí căng thẳng tột độ lúc thăng lúc trầm đúng lúc là đủ cho vai trò đó.
Điểm cộng lớn nhất của Martha is Dead là khía cạnh câu chuyện kể. Biên kịch khá tài năng khi đẩy mọi thứ vượt qua ranh giới giữa thực tại và yếu tố siêu nhiên mang nhiều màu sắc tâm linh. Lằn ranh bị xóa nhòa khi những hình ảnh khiến người chơi khiếp sợ được sử dụng với mức độ tăng dần. Yếu tố kinh dị tâm lý được đội ngũ phát triển lồng ghép vào trải nghiệm rất nhịp nhàng, đủ để tạo cảm giác ghê sợ cho người chơi vì không biết đâu là ranh giới giữa thực và ảo. Nhiều cảm xúc không hề xa lạ nhưng cách khai thác dễ gây ám ảnh.
Martha is Dead đưa người chơi đến với cô gái trẻ Giulia đam mê về nghệ thuật nhiếp ảnh. Trong một lần cài đặt máy ảnh chụp hình trong rừng, cô gái phát hiện xác của người chị song sinh Martha và vô thức đeo sợi dây chuyền của chị lên người. Hành động này khiến mọi người nhầm lẫn Giulia chính là Martha. Với thân phận mới, Giulia bí mật điều tra kẻ đứng đằng sau cái chết của chị. Thế nhưng chuỗi ngày sau đó là những sự kiện không thể lý giải liên tục xảy ra, xen lẫn với cuộc chiến tang thương đang diễn ra ở nước Ý.
Bên cạnh đó, sự căng thẳng của nhân vật chính trước sự kiện bất ngờ, kết hợp cùng thân thế phải che giấu khi dần khám phá những điểm đáng ngờ xung quanh cái chết của Martha, khiến tâm trí của Giulia trở nên bất ổn và ngày càng chìm sâu vào tận cùng của điên loạn. Nó biến cô gái thành người dẫn truyện thiếu tin cậy và tác động cộng hưởng đến trải nghiệm của người chơi, khiến bạn gặp khó khăn trong việc phân định rạch ròi giữa cơn ác mộng và thực tại của nhân vật chính. Đó cũng là điểm cộng tâm lý của Martha is Dead.
Như đề cập ở trên, lối chơi của Martha is Dead là “mô phỏng đi bộ”. Người chơi chủ yếu di chuyển đến các địa điểm xung quanh khu đất của gia đình Giulia, dùng máy ảnh chụp hình hoặc tìm những cuộn phim và mang về rửa ảnh trong phòng tối dưới tầng hầm. Cơ chế này có lẽ vay mượn ý tưởng từ series Fatal Frame nhưng chỉ dành cho mục đích khám phá. Về cơ bản, Giulia có thể dùng các ống kính và đèn flash để bắt lấy những khoảnh khắc nhất định liên quan đến câu chuyện kể hay thậm chí chỉ đơn thuần vì cảnh đẹp khó hững hờ ở Tuscany.
Không những vậy, chụp ảnh còn là công cụ để nhà phát triển tiếp tục truyền bầu không khí đáng sợ vào tâm trí người chơi một cách tinh vi. Thông qua những bức ảnh chụp bằng ống kính hồng ngoại, người chơi có thể thu thập những thông điệp và hình ảnh ẩn. Đáng chú ý là khoảng thời gian chỉnh thủ công các thông số máy ảnh, chẳng hạn thời gian phơi sáng và khẩu độ ống kính trước khi chụp hình. Đó cũng là lúc Martha is Dead mang đến những hình ảnh và âm thanh gieo mầm sợ hãi. Cảm giác kính ngắm máy ảnh như cánh cửa linh giới vậy.
Kỳ thực, đó chỉ là một vài trong số nhiều thủ thuật kể chuyện trong trải nghiệm game. Phần còn lại tôi nghĩ tốt nhất để dành làm món quá bất ngờ khi bạn trải nghiệm thì hơn, nhất là khi chúng được xây dựng chặt chẽ vào cốt truyện của trò chơi. Đội ngũ phát triển khá tinh tế khi kết hợp câu chuyện mang màu sắc tâm linh, gắn kết các sự kiện trong câu chuyện kể vào thời khắc lịch sử kinh hoàng của Thế Chiến II. Từ đó khéo léo đan xen các chủ đề được khai thác để tạo cảm giác nặng nề trong từng khoảnh khắc trải nghiệm Martha is Dead.
Hậu thuẫn cho trải nghiệm căng thẳng nói trên là đồ họa ấn tượng với mức độ chi tiết đáng kinh ngạc khi xét Martha is Dead là game indie. Đội ngũ phát triển chăm chút đến từng chi tiết nhỏ, từ bối cảnh tới đường nét khuôn mặt của các nhân vật. Đơn cử đoạn quay cận cảnh khuôn mặt đầy sẹo của Giulia ở đầu trải nghiệm, nhìn phần da nguyên vẹn mềm mại đúng kiểu da con gái. Trong khi khu vực gần gò má của nhân vật ít phản chiếu ánh sáng nhưng khi nguồn sáng chiếu vào những vết sẹo, vùng da tổn thương lại nhìn vừa mịn vừa dễ hắt sáng hơn.
Các bối cảnh trong nhà cũng được nhà phát triển sự chăm chút kỹ lưỡng đến từng tiểu tiết. Điển hình như phòng ngủ chung của chị em Martha và Giulia sử dụng những gam màu trẻ trung nhưng vẫn để lại cảm giác ấm cúng từ góc nhìn người thứ nhất của trải nghiệm. Ngược lại, phòng tối để rửa ảnh ở tầng hầm và không gian xung quanh đó luôn mang đến cảm giác căng thẳng và rùng mình. Những đồ vật trong nhà cũng vậy. Sự xuất hiện của chúng luôn tạo cảm giác đều có mục đích nhất định thông qua lời kể của Giulia và cái nhìn của người chơi.
Không gian ngoài trời cũng không hề ngoại lệ với vòng lặp ngày đêm. Bước ra khỏi nhà vào ban ngày là ánh sáng rực rỡ tô điểm cho khung cảnh tuyệt đẹp của vùng nông thôn nước Ý. Cây cối khắp nơi che khuất ánh mặt trời và tầm nhìn của người chơi, khiến bạn khó khăn lắm mới phát hiện những chú chim bay lượn từ chân trời xa xăm. Khi màn đêm buông xuống, mọi thứ trở nên khác biệt nhưng không kèm phần rạng ngời với những ngọn đèn tỏa thứ ánh vàng bên cạnh cây cối rậm rạp hắt bóng. Đồ họa Martha is Dead đẹp và ấn tượng thế đó.
Một vấn đề mà tôi không thể không đề cập là mức độ táo bạo trong xây dựng hình ảnh trải nghiệm game, khiến Martha is Dead bị chỉnh sửa từ ngữ vài chỗ và nhiều cảnh báo hơn trên nền tảng PlayStation. Nghiêm trọng nhất là bị cắt cúp hình ảnh và một phần nhỏ tương tác theo yêu cầu của Sony. Ở góc độ người chơi, kỳ thực những phân đoạn được đề cập có thể gây cảm xúc không tốt cho người chơi vì mức độ đáng sợ không chỉ đối với người yếu tim. Thế nên nếu muốn trải nghiệm nguyên vẹn “Full HD không che”, bạn cứ chọn phiên bản PC và Xbox mà tiến.
Sau cuối, Martha is Dead mang đến một trải nghiệm phiêu lưu kinh dị tâm lý khá đặc sắc. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là lối kể chuyện độc thoại kết hợp lối chơi “mô phỏng đi bộ” và cái kết thiếu thuyết phục có thể không hợp lòng những người khó tính. Trừ khi bạn thuộc nhóm người chơi vừa đề cập, đây kỳ thực là cái tên vô cùng đáng cân nhắc với những ai yêu thích thể loại kinh dị tâm lý thiên về câu chuyện kể.
Martha is Dead hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game-box”]