Mainlining khiến tôi hoài niệm về những bộ phim “khoa học viễn vông” ngày xưa khi chứng kiến các tin tặc xâm nhập vào những hệ thống bảo mật hàng đầu thế giới chỉ trong vòng bảy nốt nhạc. Kỳ thực, đó là một trải nghiệm point and click mô phỏng làm tin tặc hấp dẫn và thú vị, nhưng quan trọng là bạn chơi trên nền tảng nào.
Trong game, nhân vật của người chơi là một điệp viên của tổ chức MI7 phải điều tra và bắt giữ tội phạm trong các vụ án mà cấp trên giao phó. Điều khá hài hước là trải nghiệm Mainlining được xây dựng vỏn vẹn quanh chiếc máy tính chạy hệ điều hành “bảy sắc cầu vồng” có giao diện gợi nhớ đến Windows XP thần thánh ngày xưa. Người chơi sẽ sử dụng các công cụ có sẵn trong hệ điều hành này để thực hiện các vụ xâm nhập vào máy chủ dịch vụ, thu thập dữ liệu, dùng chúng làm bằng chứng buộc tội và bắt giữ kẻ phạm tội.
Với mức độ cổ lỗ sĩ của hệ điều hành “bảy sắc cầu vồng” nói trên nếu xét ở khía cạnh “phiên bản gốc” của nó đã có tuổi đời gần hai thập kỷ, cảm giác khi làm tin tặc trong Mainlining lại khá thỏa mãn dù các yếu tố gameplay được xây dựng đơn giản như đang giỡn. Điểm quan trọng là bạn phải tìm được địa chỉ IP của máy chủ cần hack, sau đó sử dụng công cụ có sẵn để xâm nhập và tải dữ liệu về. Việc sử dụng dữ liệu này như thế nào để chứng minh hành vi phạm tội của kẻ tình nghi tùy thuộc vào bạn và nó không hề dễ dàng.
Để có đủ bằng chứng hành vi phạm tội, người chơi phải cung cấp được ba thông tin cần thiết cho lệnh bắt giữ là tên kẻ tình nghi, địa điểm và bằng chứng. Tuy nhiên, bạn cần phải chỉ ra chi tiết những dữ liệu này và không có bất kỳ sai sót nào. Đây cũng là điểm trừ của trò chơi khi yếu tố bằng chứng thường không rõ ràng, đặc biệt khi số lượng dữ liệu dùng làm chứng cứ buộc tội khá nhiều, dễ gây rối cho người chơi dẫn đến tình trạng thử và sai trong trải nghiệm. “Nhục mặt” nhất là nếu đưa bằng chứng sai, báo chí sẽ lên tít bài chế giễu sự vô dụng của cơ quan điều tra hay nói khác đi chính là bạn trong trường hợp này.
Mặc dù nghe có vẻ đơn giản nhưng kỳ thực, trải nghiệm Mainlining phức tạp hơn nhiều nếu bạn không hình dung được công việc phải làm tiếp theo là gì. Trò chơi tuy có phần gợi ý thể hiện qua lời thoại của các nhân vật, nhưng tính năng này thường không giúp ích gì mấy mà có khi còn làm gây hại thêm cho trải nghiệm của người chơi. Chưa kể, các vụ án cũng được đều đặn bổ sung thêm những yếu tố gameplay mới để làm mới trải nghiệm và như một cách thay cho yếu tố kể chuyện. Tuy nhiên, tựu chung lại thì mục tiêu của người chơi vẫn là thu thập các bằng chứng và tra soát dữ liệu để bắt giữ tội phạm nhằm kết thúc vụ án.
Không chỉ có gameplay hấp dẫn mà ngay cả các vụ án điều tra cũng rất thú vị, được xây dựng nội dung chặt chẽ để tận dụng các cơ chế gameplay của game. Dù vậy, do đặt niềm tin sai chỗ vào hệ thống gợi ý nói trên, không ít lần các vụ án này khiến tôi đau đầu vì thiếu những thông tin cần thiết hoặc mang tính đánh đố. Đơn cử như vụ án thứ hai, sau khi theo dõi “gói hàng Hare” thì bạn nhận được chỉ thị là tìm mọi thông tin về Interbucks ở Dexel và tất cả chỉ có thế. Nếu không thử gõ đại địa chỉ trang web để từ đó lần ra manh mối mới từ đây thì có lẽ tôi đã phải đi tìm “hỗ trợ” bên ngoài mới có thể phá vụ án này.
Đó chỉ là một ví dụ trong cách thức vận hành của trò chơi. Đôi khi, nhà phát triển chỉ cần cố ý ẩn đi vài gợi ý hay yếu tố tương tác cũng rất dễ khiến bạn cảm thấy đau đầu và rối trí không biết phải làm gì. Đơn cử như trường hợp vụ án nói trên, nếu làm theo cách thức xâm nhập máy chủ dịch vụ từng thành công với vụ án trước đó một cách máy móc, khả năng cao là bạn sẽ bí do không thể truy xuất vào hệ thống bảo mật cao của Interbucks. Thay vào đó, người chơi phải thu thập thông tin từ đội ngũ quản lý của Interbucks để tìm manh mối mới và xâm nhập vào đó. Đây cũng là điểm thu hút nhất trong trải nghiệm.
Thế nhưng, Mainling chẳng có vấn đề gì đáng nói nếu bạn trải nghiệm phiên bản PC. Về cơ bản, tựa game này xuất thân trên nền tảng PC và toàn bộ trải nghiệm được thiết kế để tận dụng chuột và bàn phím. Tuy nhiên, phiên bản mà tôi trải nghiệm là Nintendo Switch lại có một số vấn đề về tương tác, cụ thể là các thao tác sử dụng chuột và bàn phím quen thuộc trên PC đều được chuyển sang tương tác trên màn hình cảm ứng hoặc tay cầm trên máy Switch. Mọi chuyện phát sinh từ đây không chỉ vì thiết kế các nút bấm thiếu trực quan, mà còn do vấn đề tay cầm Joy-Con “cùi bắp” muôn thuở.
Cụ thể, một trong những thao tác mà bạn phải sử dụng nhiều nhất là gõ phím để truy cập vào các trang web hoặc sử dụng tập tin lệnh. Máy Nintendo Switch vốn không có bàn phím nên nhà phát triển giữ nhiệm vụ chuyển nền cho Mainlining đã thay thế bằng bàn phím ảo. Họ thiết kế chia đôi bàn phím, mỗi nửa sử dụng một cần analog để di chuyển qua lại các phím ảo. Trong khi đó, thao tác nhấn phím phải dùng hai nút ZL và ZR tương ứng mỗi nửa bàn phím, khá là rắc rối với khả năng đa nhiệm quen thuộc trên hệ điều hành “bảy sắc cầu vồng”. Vấn đề ở chỗ, thiết kế bàn phím ảo nói trên khiến việc tương tác khi hack hoặc truy cập web rất mất thời gian, luôn mang cảm giác thiếu trực quan và khó nhập liệu.
Tương tự, vì bàn phím ảo khá nhỏ trên màn hình Nintendo Switch nhưng lại thiết lập “always on top”, nên thường che khuất màn hình nhập liệu của ứng dụng cần gõ phím. Điều này vô tình khiến tương tác gõ phím ảo dù là bằng màn hình cảm ứng hay tay cầm Joy-Con cũng đều tệ như nhau. Không những vậy, tùy vào yếu tố tương tác mà việc sử dụng cảm ứng hoặc tay cầm Joy-Con sẽ thuận tiện hơn. Chẳng hạn, do điểm tương tác cảm ứng nhỏ theo đúng nghĩa pixel nên một số thao tác như đóng ứng dụng trên hệ điều hành “bảy sắc cầu vồng” không dễ dàng bằng cách nhấn nút bằng Joy-Con. Ngược lại, do cần analog trên Joy-Con mang đặc trưng là kém chính xác nên việc di chuyển giữa các phím ảo trên bàn phím không hề đơn giản, nếu không nói là khá phiền hà và mất thời gian.
Sau cuối, Mainlining mang đến một trải nghiệm khá hào hứng và tuyệt vời với lối chơi độc đáo của thể loại phiêu lưu giải đố point and click. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào phiên bản mà bạn trải nghiệm. Với thiết kế ban đầu dành cho trải nghiệm trên PC, nhà phát triển dường như đã thất bại trong việc chuyển “ngôn ngữ điều khiển” đặc trưng này lên nền tảng console, khiến yếu tố này trở thành điểm trừ rất lớn phá hỏng gần như toàn bộ trải nghiệm. Nếu thích sự phá cách và yêu thích yếu tố điều tra tội phạm, đây là một tựa game rất đáng để trải nghiệm trên PC. Trừ khi nhà phát triển tìm được giải pháp cải tiến yếu tố này, phiên bản console có lẽ chỉ dành cho những ai yêu thích thử thách và có sự kiên trì.
Mainlining được phát hành cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác