Magic Scroll Tactics là tựa game nhập vai chiến thuật theo lượt màn hình ngang 2D với một số điểm nhấn thú vị.
Vài năm gần đây, dòng game nhập vai chiến thuật theo lượt đang ngày càng giảm số lượng lẫn chất lượng trên thị trường, đặc biệt là trên nền tảng console. Hầu hết đều chọn điểm đến là PC do đây gần như là “cái nôi” của thể loại này, nhưng mang đến cảm giác na ná nhau trong trải nghiệm. Rất hiếm có những cái tên đáng chú ý như Mutant Year Zero: Road to Eden mới được phát hành gần đây. Trong khi đó, thể loại này vẫn có một lượng người chơi khá ổn định và đó cũng là cơ hội cho các nhà phát triển độc lập, đơn cử như trường hợp của tân binh Magic Scroll Tactics vừa phát hành trên Nintendo Switch gần đây sau gần một năm ra mắt trên PC.
Với lối chơi chiến thuật theo lượt màn hình ngang khá kinh điển, Magic Scroll Tactics có thể gây thất vọng với những ai muốn tìm kiếm gameplay thú vị trong một câu chuyện hấp dẫn. Thay vào đó, trò chơi mang đến một câu chuyện anh hùng giải cứu thế giới quá sức đơn giản. Mọi chuyện bắt đầu với bè lũ của cái ác tìm cách phá phong ấn để hồi sinh chủ nhân của chúng. Trong lúc chờ viện binh tới hỗ trợ, người bảo vệ phong ấn là Kako may mắn gặp được Nash và được sự giúp đỡ của cô gái này trong cuộc chiến nói trên. Thông qua các màn chơi chiến thuật theo lượt khá kinh điển và không kém phần thử thách, người chơi bắt đầu cuộc chinh chiến từ đây.
Ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên, Magic Scroll Tactics dễ dàng khiến bạn thiếu thiện cảm. Trò chơi khá kém trong việc hướng dẫn các cơ chế gameplay quan trọng, gần như không cung cấp những thông tin cơ bản cần thiết dành cho người chơi mới. Ngay cả các yếu tố như thay đổi nhân vật mới hoặc mở khóa kỹ năng cho nhân vật cũng hoàn toàn không được đề cập tới. Phải chơi đến hết chapter một tôi mới vô tình phát hiện ra các cơ chế này khi quay về shop để mua đồ. Nhiều cơ chế khác cũng chung số phận, gây khó khăn không nhỏ trong trải nghiệm ban đầu nếu bạn mới lần đầu đến với thể loại này.
Sau “thử thách” khó khăn đó, nếu vẫn chưa nản lòng hoặc đơn giản bạn là một người chơi kỳ cựu của thể loại nhập vai chiến thuật theo lượt, trải nghiệm Magic Scroll Tactics có thể khiến bạn bắt đầu cảm thấy khá hào hứng với hệ thống chiến đấu khá độc đáo trò chơi. Về cơ bản, điểm nhấn trong yếu tố chiến thuật của game nằm ở vị trí cao thấp của nhân vật. Tuy nhiên, “đứng top” không phải là yếu tố đảm bảo chiến thắng. Trong nhiều trường hợp, sự kết hợp của chiến thuật “rải mưa tên” và các kỹ năng của nhân vật mới là yếu tố then chốt quyết định kết quả của một trận chiến.
Vấn đề ở chỗ, hệ thống bảng kỹ năng Magic Scroll Tactics khá rối. Trò chơi không những không giải thích rõ ràng một số kỹ năng nào đó dùng để làm gì ngoài cái tên khá khó hiểu, mà ngay cách sắp xếp của các loại kỹ năng cũng mang cảm giác lộn xộn nếu bạn không chịu khó tìm hiểu cẩn thận. Mỗi nhân vật đều có hệ thống kỹ năng riêng, mở khóa bằng AP mà bạn kiếm được trong chiến đấu. Đây là hệ thống độc lập, mỗi nhân vật sẽ nhận được điểm khác nhau tùy thuộc vào mức độ tham gia trận chiến. Điều đó cũng đồng nghĩa nếu bạn để nhân vật chết hoặc ít xung trận, cơ hội mở khóa kỹ năng mới cho nhân vật đó sẽ rất thấp.
Dù vậy, Magic Scroll Tactics vẫn khiến tôi khá thích thú với một số cơ chế độc đáo trong trải nghiệm. Một trong những cơ chế đó là các nhân vật có thể nhảy lên đầu của nhau để làm điểm di chuyển lên một tầng cao hơn, tất nhiên cũng có một số hạn chế nhất định. Sự đa dạng của các nhân vật về hình dáng và khả năng đặc trưng cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Thú vị nhất là tính năng “lùi hàng”, cho phép bạn có thể di chuyển nhân vật đến chiếm chỗ của một đồng minh khác và nhân vật bị chiếm chỗ sẽ lùi về trái một ô. Nếu cả một hàng dài đang đứng “xếp lớp”, tất cả các nhân vật trong đó cũng sẽ tự động lùi về một ô, nhường vị trí đó cho nhân vật mới. Yếu tố này mang đến một lớp chiến thuật mới khá kịch tính trong trải nghiệm.
Chưa kể, sự kết hợp của yếu tố đi cảnh cùng với nhân vật biết bay ở trên cao cũng tạo nên những lớp chiến thuật khá thú vị và độc đáo khác, cho phép người chơi tận dụng lợi thế chiều cao trong trải nghiệm chiến đấu theo lượt của trò chơi. Nhân vật nào ở vị trí cao hơn luôn có nhiều lợi thế và gây sát thương nhiều hơn, nhưng không nhất thiết sẽ luôn mang đến chiến thắng cho người chơi nếu bạn không biết tận dụng và kết hợp với các kỹ năng của nhân vật. Chính những yếu tố tưởng chừng khá đơn giản này đã tạo nên nhiều lớp chiến thuật độc đáo khá hấp dẫn và thỏa mãn trong trải nghiệm game. Dù vậy, trò chơi vẫn có một số yếu tố hạn chế các nhân vật thiếu hợp lý.
Đơn cử như nhân vật biết bay luôn bị hạn chế tầm bay không rõ nguyên do, mang đến cho người chơi cảm giác di chuyển khá tuyến tính và thiếu linh hoạt, giới hạn tính chiến thuật trong trải nghiệm không nhỏ. Hoặc như nhân vật sử dụng thương (spear) chỉ có thể tấn công hàng ngang hai ô chứ không thể tấn công chéo hay trên và dưới như kiếm sĩ. Điều này khá phi lý vì trên thực tế, vũ khí thương có khả năng chiến đấu khá linh hoạt ở bất kỳ hướng nào, trong khi kiếm mới thật sự là vũ khí kém linh hoạt hơn. Thế nhưng, thú vị là ngay cả phép thuật hay vật phẩm cũng có thể gán cho nhân vật làm trang bị để sử dụng làm kỹ năng trong trận chiến.
Chẳng hạn như bạn có thể mua cuốn sách (Tome) có phép hồi sinh để bổ sung thêm kỹ năng này cho nhân vật, ngay cả khi nhân vật đó không có kỹ năng này trong bảng kỹ năng cá nhân. Tuy nhiên, một vấn đề khá khó hiểu là các nhân vật có thể sử dụng hai vũ khí cận chiến và tầm xa với nhau phải được thiết lập theo thứ tự nhất định, vũ khí cận chiến trước rồi mới đến vũ khí tầm xa. Nếu không, bạn sẽ chỉ gắn được một vũ khí duy nhất. Mặt khác, trừ khi bạn tiếp cận gần, phần lớn kẻ thù ở vị trí xa thường không chủ động tiếp cận hoặc tấn công người chơi, mang đến cảm giác chiến đấu hơi thiếu thực tế.
Bù lại, trò chơi có tính năng “AI chơi giùm” khá tiện trong những khi bạn cần rảnh tay một thời gian ngắn để làm một việc gì đó khi đang trải nghiệm, hoặc chỉ đơn giản là muốn xem xét và học hỏi yếu tố chiến thuật của trò chơi. Đáng nói là tính năng này được thiết kế khá tốt ngoài mong đợi. Thậm chí, do Magic Scroll Tactics không hề hướng dẫn về chúng, nên một số cơ chế gameplay của game cũng chỉ được tôi phát hiện ra khi mở chế độ Auto Battle. Những vấn đề của trò chơi tạo cảm giác game không có được sự đầu tư chu đáo, hoặc chỉ đơn giản là nhà phát triển muốn hướng đến những người chơi kỳ cựu thích tự tìm tòi các cơ chế gameplay hơn là xem hướng dẫn, vô tình tự hạn chế đối tượng người chơi tiếp cận game.
Tuy nhiên, yếu tố đồ họa của trò chơi có thể mang đến cảm giác khá trái chiều với artwork các nhân vật theo phong cách anime rất đẹp và sắc nét, trong khi vào trận chiến lại được thay bằng đồ họa pixel art khá trái ngược. Trò chơi tuy hỗ trợ cả điều khiển cảm ứng và sử dụng tay cầm trên Nintendo Switch, nhưng cảm giác điều khiển thiếu trực quan do được “bê nguyên xi” từ phiên bản PC vốn được thiết kế cho trải nghiệm bằng bàn phím và chuột. Thế nhưng nói gì thì nói, do màn chơi có thời gian trải nghiệm tương đối ngắn cùng với tính năng Auto Battle khá phù hợp cho trải nghiệm ngắn hạn, khó có thể phủ nhận trải nghiệm game là sự kết hợp hoàn hảo với khả năng cơ động của Nintendo Switch.
Sau cuối, Magic Scroll Tactics mang đến một trải nghiệm nhập vai chiến thuật theo lượt kinh điển hấp dẫn và thú vị với hệ thống chiến đấu khá độc đáo. Nếu có thể bỏ qua các vấn đề kém thân thiện của trò chơi, đây chắc chắn là một cái tên rất đáng chú ý, nhất là những ai yêu thích thể loại này.
Magic Scroll Tactics được phát hành cho Windows và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.