Mafia: Definitive Edition là bản “đập đi xây lại” của tựa game phiêu lưu hành động thế giới mở kinh điển Mafia vừa tròn 18 tuổi.
Tôi là Tommy làm nghề lái taxi. Nghề này tuy lâu giàu nhưng rất lương thiện. Nhiều người nghĩ lái taxi là nghề sang chảnh hái ra tiền, nhưng mấy ai biết những gian nan khốn khó sinh nghề tử nghiệp này. Từ việc không biết giải quyết nhu cầu cá nhân trên những cuốc xe ra sao, cho tới bao lần chở mối tai bay vạ gió đến từ xứ “thiên đường bị đánh mất” ở thành phố Lost Heaven này. Trong một ngày chạy xe mệt nhọc vào buổi tối năm 1930, tôi đã có cuộc gặp gỡ định mệnh làm thay đổi cả cuộc đời mình.
Nếu cảm thấy câu chuyện có gì đó quen quen quen, khả năng cao là bạn đã từng chơi nguyên bản của Mafia trước đây. Ở thời điểm phát hành hơn 18 năm và 1 tháng trước, trò chơi là “lá cờ đầu ngành” khai phá thể loại hành động thế giới mở khi mang đến trải nghiệm điện ảnh như bạn đang xem một bộ phim tương tác. Tuy không có nhiều thăng trầm như “cha đẻ” Illusion Softworks của nó, cuộc hội ngộ trong Mafia: Definitive Edition vẫn khiến tôi hết sức hào hứng.
Phiên bản Definitive của Mafia làm mới hoàn toàn trên nền đồ họa mới, nhưng vẫn giữ nguyên cảm giác trải nghiệm cũ với một số tinh chỉnh nhằm khắc phục các khiếm khuyết của game nguyên bản. Tuy khâu “đập đi xây lại” được làm khá tốt nhưng trải nghiệm game chưa thật sự “bóng bẩy”. Trò chơi vẫn còn một số lỗi game linh tinh ít nhiều ảnh hưởng đến cảm giác trải nghiệm. Đây có lẽ là lý do Mafia: Definitive Edition phải dời lịch phát hành một tháng so với thông báo “chắc như đinh đóng cột” trước đó.
So với nhiều cái tên thế giới mở hiện đại ngày nay như Assassin’s Creed Odyssey có xu hướng gây ấn tượng với thế giới rộng lớn, Mafia: Definitive Edition thì ngược lại. Nếu bạn luôn cảm thấy thế giới mở quá rộng lớn và các vị trí làm nhiệm vụ cách xa nhau phải di chuyển thật mệt mỏi, bản làm lại Mafia của nhà phát triển Hangar 13 chắc hẳn dành cho bạn. Mọi thứ chỉ ở quy mô vừa vặn cho trải nghiệm kéo dài khoảng nửa ngày, không mất nhiều thời gian di chuyển giữa các địa điểm làm nhiệm vụ.
Trong bộ ba game Mafia, bản làm lại của phần chơi đầu tiên để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất về câu chuyện kể và nền đồ họa tinh tế hoàn toàn mới. Mỗi nhân vật quen thuộc trước đây đều có sự thay da đổi thịt đáng kể, đến mức bạn có thể không nhận ra họ trong lần hội ngộ sau 18 năm này. Đồ họa mới tạo cho bối cảnh thành phố Lost Heaven vào những năm 1930 trông có hồn hơn, cảm giác như cuộc lột xác ngoạn mục. Khuôn mặt của các nhân vật có rất nhiều chi tiết chuyển động để biểu cảm của họ nhìn tự nhiên hơn.
Xe cổ vẫn là điểm nhấn của Mafia: Definitive Edition với nhiều chi tiết kim loại phản chiếu ánh kim trên những mẫu “siêu xe” ra đời trước cả khi tôi chào đời. Ánh sáng rất ấn tượng, nhất là màn rượt đuổi đầu tiên về đêm mà người chơi được trải nghiệm rất sớm. Nhà phát triển Hangar 13 khá tinh tế trong xử lý ánh sáng, dù chỉ là ánh đèn từ các mẫu xe cổ hay đèn đường về đêm. Tuy trò chơi vẫn còn một số vấn đề về hình ảnh nhưng không quá nghiêm trọng đến mức phá hỏng trải nghiệm.
Bối cảnh những năm 1930 là một lựa chọn tuyệt vời cho trải nghiệm đề tài mafia. Theo lịch sử thế giới, đây là thời kỳ cấm rượu của chính quyền Mỹ với mong muốn xây dựng xã hội không bị ảnh hưởng bởi tệ nạn do rượu gây ra. Lệnh cấm này khiến giá rượu tăng vọt và trở thành nguồn lợi bất chính cho các băng nhóm mafia buôn lậu rượu vào nước Mỹ từ các quốc gia trong khu vực lân cận. Nhân vật của người chơi ban đầu chỉ là người lái taxi, nhưng vật đổi sao dời đã đưa đẩy bạn làm việc dưới trướng ông trùm.
Điều thú vị là mặc dù hệ thống nhiệm vụ không khác biệt so với nguyên bản năm 2002 ngoài việc khoác lên lớp đồ họa mới, bản làm lại đã được thay đổi lời thoại hoàn toàn mới với dàn diễn viên lồng tiếng được “thay máu” hoàn toàn. Thay đổi này giúp thổi hồn cho nhân vật tốt hơn so với trải nghiệm Mafia kinh điển cũ. Chấp bút mới của đội ngũ biên kịch dường như giúp tái hiện không khí game giống bối cảnh đời thật hơn. Tôi nghĩ đây là điều mà tựa game nguyên bản chưa xây dựng và đặc tả thành công.
Dù vậy, không thể phủ nhận trò chơi gốc đã tạo được tiếng vang với câu chuyện kể hấp dẫn về cuộc đời ‘nếm mật nằm gai’ của nhân vật Thomas Angelo mà anh em băng đảng vẫn thường gọi là Tommy. Mafia: Definitive Edition kế thừa và cải tiến yếu tố này thậm chí còn tốt hơn mong đợi. Dưới tài năng của diễn viên Andrew Bongiorno, nhân vật Tommy thể hiện vừa mạnh mẽ vừa tinh tế trong từng hành động, lời nói. Bạn có thể thấy rõ điều này ngay từ phân cảnh đầu tiên khi Tommy và thám tử Norman trò chuyện.
Họ có thái độ không tin tưởng lẫn nhau và thường có xu hướng ăn thua đủ bằng lời nói khi trò chuyện. Bên này nói thì bên kia chỉnh và ngược lại. Tất nhiên, một mình Andrew không thể làm nên chuyện trong việc mang đến trải nghiệm cuốn hút hơn nếu thiếu sự hỗ trợ từ nhiều diễn viên khác. Các anh em của Tommy cũng “không phải dạng vừa đâu” với phần lồng tiếng chẳng hề kém cạnh. Đơn cử như “thằng đệ” Paulie có giọng cười rất khả ố khi cà khịa với anh thợ sửa xe tội nghiệp.
Thế nhưng, thái độ của nhân vật này đổi khác khi Sam bị băng đảng thù địch bắt. Nhân vật Don cũng là một ví dụ khác cho khía cạnh thổi hồn của các diễn viên lồng tiếng. Bên cạnh Tommy, đây có lẽ là hai nhân vật yêu thích của tôi trong Mafia: Definitive Edition. Mỗi nhân vật đều có tính cách rất khác nhau được thể hiện rõ nét không chỉ qua thái độ, cử chỉ mà cả lời nói. Nếu bạn đã từng chơi Mafia và đang tự hỏi khi nào thì tôi mới nhắc đến Sarah, câu trả lời là xin dành cho bạn trải nghiệm sẽ công bằng hơn.
Ngoài trừ một số tính năng đáng chào đón giúp trải nghiệm thuận tiện hơn, lối chơi của Mafia: Definitive Edition không có nhiều khác biệt so với “người anh em thiện lành” nguyên bản. Nhiệm vụ chính của người chơi là chiến đấu và lái xe, giống như Mafia II: Definitive Edition lẫn phần chơi Mafia III: Definitive Edition. Về cơ bản, bạn sẽ lái xe đi khắp thành phố đến những địa điểm làm nhiệm vụ và chiến đấu. Nếu không chiến đấu thì lại lái xe di chuyển và vòng lặp trải nghiệm cứ thế.
Những lúc không làm gì cả, người chơi được thưởng thức những đoạn chuyển cảnh để tìm hiểu thêm về cốt truyện. Mặc dù nghe có vẻ hơi nhàm chán, nhưng Mafia: Definitive Edition được xây dựng tốt khiến tôi không hề có cảm giác này trong suốt khoảng thời lượng chơi kéo dài khoảng nửa ngày. Các nhiệm vụ có sự đa dạng về nội dung, biến trải nghiệm game càng lúc càng cuốn hút với câu chuyện kể đậm chất mafia, những thâm cung bí sử và những mưu mô triệt hạ đối thủ khai thác đề tài này.
Nói đâu xa, ngay từ đầu trải nghiệm bạn đã được ngồi “ghế nóng” đi thu tiền bảo kê, nhưng đến nhiệm vụ tiếp theo đã đổi sang chiếc xe đua cổ bao ngầu và “chanh sả” bóng lộn. Cảm giác lái xe trong Mafia: Definitive Edition khá nhẹ nhàng, xe nào cũng rất dễ lái mà không đặt nặng yếu tố mô phỏng ngay cả khi bạn chọn chế độ này. Chế độ thông thường mang cảm giác dễ lái và xe nhẹ hơn một chút, trong khi chế độ mô phỏng sẽ khiến những pha thắng gấp trở nên nguy hiểm hơn.
Những phân đoạn phóng nhanh vượt ẩu vào cua 90 độ sẽ cảm thấy sức nặng của việc đạp thắng hơn so với chế độ lái xe thông thường và gần như chỉ có khác biệt đó. Điểm mới trong Mafia: Definitive Edition là lái mô tô. Bạn thậm chí còn bắt gặp vài “tay chơi” phóng mô tô phanh phanh ngoài đường nữa. Một tính năng mới rất thú vị mà tôi không thể không nhắc tới là những biển báo chỉ đường đến địa điểm làm nhiệm vụ được gắn rất tinh tế trên đường phố. Ban đầu tôi còn tưởng đấy là biển báo giao thông bình thường.
Nếu bạn từng gặp rắc rối với vấn đề tìm đường trong game nguyên bản, tính năng mới nói trên của Mafia: Definitive Edition là điểm cộng cho sự tinh tế. Đây cũng không phải là tính năng duy nhất đáng chào đón. Người chơi thậm chí có thể bỏ qua một số phân đoạn lái xe không bắt buộc nếu bạn quá chán với việc làm “Grab Car” qua những cung đường quen thuộc nằm lòng như đường về nhà. Tuy nhiên, tính năng này không mặc định mở mà bạn phải thiết lập ở đầu trải nghiệm hoặc trong Options.
Nếu thích đi dạo một chút để được mở rộng tầm nhìn và thoải mái ngắm cảnh hay làm phó nháy, Mafia: Definitive Edition tiếp tục mang đến cảm giác hào hứng với chuyển động khá mượt mà của nhân vật. Thế nhưng, trò chơi cũnng không tránh khỏi một số vấn đề khi cố gắng giữ lại cảm giác trải nghiệm cũ trên nền đồ họa mới, chẳng hạn một số thiết kế lỗi thời cũng như vài lỗi game hơi khó chịu. Ở góc độ người chơi, nhờ hệ thống checkpoint “luôn luôn thấu hiểu” nên tôi chỉ cảm thấy chút phiền phức.
Sau cuối, Mafia: Definitive Edition mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động đặc sắc và trau chuốt tốt hơn của game Mafia kinh điển. Chế độ Free Ride là một điểm cộng thú vị giúp tăng thêm giá trị chơi lại của trò chơi với vài bí mật chờ bạn khám phá. Bỏ qua một số lỗi đôi lúc gây bực mình có thể khắc phục trong bản cập nhật sau phát hành, đây kỳ thực là cái tên không thể bỏ qua dù bạn từng chơi Mafia kinh điển trước đây hay lần đầu đến với series này.
Mafia: Definitive Edition được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!