Lost in Random là game phiêu lưu hành động độc đáo với phong cách đồ họa rất đặc biệt, gợi nhớ đến những phim hoạt hình kinh điển của đạo diễn Tim Burton. Lồng ghép trong đó là trải nghiệm nhuốm màu sắc kinh dị hóa của tác phẩm Alice ở xứ sở thần tiên. Không những vậy, trò chơi còn sở hữu hệ thống chiến đấu độc đáo không kém. Đó là sự kết hợp thú vị giữa thẻ bài, xí ngầu (xúc xắc) và quân cờ trong xây dựng cơ chế gameplay, tạo cảm giác như bạn đang chơi nhiều trò bàn cờ có luật lệ riêng chỉ trong một trải nghiệm game.
Không chỉ nhiều nét tương đồng phong cách của đạo diễn Tim Burton, tạo hình không ít nhân vật trong Lost in Random khiến tôi liên tưởng đến phim anime Spirited Away. Tuy sử dụng tông màu tối nhưng mỗi thế giới trong trải nghiệm đều độc đáo, gây ấn tượng về phong cách nghệ thuật và thiết kế bối cảnh. Đơn cử công trình Upside-Downtown ở Two-Town che khuất bầu trời khiến khắp nơi chìm vào bóng tối, trong khi Threedom lại diễn ra nội chiến. Không những vậy, cư dân nơi đây có nhiều biểu hiện bất ngờ và khó đoán như người đa nhân cách.
Lost in Random đưa người chơi đến với chị em sinh đôi Even và Odd sống tại nơi nghèo nhất của vương quốc Random. Trong ngày sinh nhật 12 tuổi, Odd đổ xí ngầu vào ô may mắn nên được nữ hoàng sủng ái đưa lên sống ở Sixtopia xa hoa, còn Even thì ngược lại. Bị chia cắt khỏi chị gái khiến Even thay tâm đổi tính, ngày càng sống khép kín trong vỏ ốc của mình nhưng không ai quan tâm kể cả phụ huynh. Cô bé nằm mộng giấc mơ kỳ lạ như điềm báo về định mệnh của Odd, thôi thúc Even dấn thân vào chuyến phiêu lưu để đời và làm bạn với Dicey.
Cơ chế gameplay của Lost in Random xoay quanh Dicey. Mỗi khu vực được ngăn cách bởi cánh cổng khổng lồ. Cách duy nhất để mở cổng là đổ được xí ngầu đúng với con số trên đó. Thế nhưng ngoài nữ hoàng, không một ai ở vương quốc Random từng thấy xí ngầu trong đời vì những lo ngại về khả năng huyền bí của vật này. Trong khi đó, nhân vật Dicey mang tạo hình xí ngầu tuy có đầy đủ hai tay và hai chân, nhưng lại khiếm khuyết một số chấm tròn ở các mặt khác nhau của xí ngầu. Đó là khi trải nghiệm của người chơi trở nên hào hứng hơn.
Dù xoay quanh yếu tố ngẫu nhiên của xí ngầu và hệ thống thẻ bài đặc thù, nhưng chiến đấu trong Lost in Random khá hào hứng. Người chơi sử dụng ná của Even để bắn rụng những tinh thể trên người kẻ thù. Càng thu thập nhiều mảnh tinh thể, cơ hội sử dụng đa dạng thẻ bài trong chiến đấu càng cao. Thế nhưng trong không hiếm trường hợp, đây cũng là khoảnh khắc khá mệt mỏi và nguyên nhân khiến thời lượng trận chiến thường kéo dài. Điều này đặc biệt đúng và gây ức chế, nhất là những lúc bạn phải đối mặt với số lượng lớn kẻ thù.
Chưa kể từ Two-Town về sau, ná cũng dần trở nên vô dụng trong chiến đấu. Thay vào đó, bạn có thể dùng Blink Dodge tuy nhanh nhưng cũng rủi ro hơn, né tránh tích tắc trước khoảnh khắc kẻ thù tấn công để thu thập tinh thể từ chúng. Đáng nói, các mảnh tinh thể này mất khoảng thời gian khác nhau để mọc lại trên cơ thể từng loại kẻ thù sau khi bị bắn rụng. Chính vì vậy mà tùy vào tốc độ nhắm và bắn của người chơi, chiến đấu có không ít thời gian nhàn rỗi khi bạn phải di chuyển vòng quanh khu vực chiến đấu để chờ tinh thể mọc lên.
Khi thu thập đủ mảnh tinh thể, bạn ném Dicey vào Dicemension làm ngưng đọng thời gian để lập chiến thuật sử dụng thẻ bài. Tùy mức độ may mắn, người chơi nhận Card Token tương ứng để chọn các thẻ bài ngẫu nhiên từ bộ bài được thiết lập ban đầu. Nhiều thẻ bài trong Lost in Random rất thú vị, cho phép người chơi đa dạng hóa chiến thuật để đạt hiệu quả chiến đấu tối đa. Từ thẻ bài đếm giờ Dicey phát nổ, làm chậm thời gian, bảo vệ nhân vật trước đòn tấn công cho đến khả năng triệu hồi các sinh vật hỗ trợ chiến đấu.
Tất cả đều mang đến trải nghiệm chiến đấu khá hấp dẫn, ít nhất là nửa đầu trải nghiệm. Khi bạn thu thập trọn bộ thẻ bài từ Fourburg về sau và tìm được giải pháp tấn công hiệu quả nhất mọi tình huống, điểm trừ của hệ thống chiến đấu mới lộ rõ nét. Nó khiến tính chiến thuật trong nửa sau trải nghiệm Lost in Random gần như mất đi, dẫn đến cảm giác lặp lại khá nặng nề trong trận chiến. Do vấn đề này tùy thuộc vào trải nghiệm ăn chắc mặc bền hay đa dạng hóa chiến thuật của người chơi nên không nhất thiết là điểm trừ.
Thế nhưng nếu khắt khe, người chơi không tránh khỏi cảm giác hệ thống chiến đấu được thiết kế có phần câu giờ hơn là phục vụ trải nghiệm hào hứng lâu dài. Trong mỗi trận chiến, bạn thường dành nhiều thời gian thu thập các mảnh tinh thể để đổ xí ngầu. Nó tốn nhiều thời gian đến mức biến trải nghiệm chiến đấu không hiếm lần trở nên ức chế. Điều này đặc biệt đúng trong những khi Even phải đối mặt với nhiều kẻ thù ở không gian hẹp. Đã vậy, camera thường bám sát nhân vật gây hạn chế góc nhìn nên càng khó bao quát được trận đấu.
Không những thế, trang bị mà bạn có được từ các thẻ bài vũ khí có độ bền rất thấp, tấn công trên dưới chục lần chưa đủ tiêu diệt một kẻ thù là bay màu. Thiết kế này buộc người chơi phải liên tục lặp lại hành động bắn mảnh tinh thể để thu thập Card Token và chờ thẻ bài vũ khí xuất hiện ngẫu nhiên. Nó khiến trải nghiệm chiến đấu thường kéo dài quá mức cần thiết. Lost in Random cũng có sự phân tách rõ rệt giữa các nền tảng khác nhau. Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác trải nghiệm game được tối ưu cho điều khiển bằng tay cầm hơn.
Do đặc trưng thiết kế, chiến đấu bằng bàn phím và chuột trên PC không cảm nhận được sức mạnh của đòn tấn công, khiến chiến đấu không để lại nhiều cảm xúc. Trong khi đó, trải nghiệm bằng tay cầm có rung phản hồi làm khá tốt khía cạnh này. Đặc biệt, Lost in Random phiên bản Switch hỗ trợ HD Rumble trong cả trải nghiệm khám phá và chiến đấu. Chẳng hạn, khi bạn đi qua những khu vực đang có cuộc chiến ba bên ở Threedom, cảm giác cơn địa chấn từ đó được truyền vào tay cầm khá thú vị, nhất là khi trải nghiệm ở chế độ handheld.
Tuy nhiên, hệ máy của Nintendo có tốc độ khung hình và độ phân giải thấp hơn các nền tảng khác dù là chế độ handheld hay gắn dock. Bạn dễ dàng thấy rõ điều này khi quan sát chuyển động chạy của nhân vật kém mượt mà, ít nhiều làm giảm hào hứng khi trải nghiệm game kéo dài. Vấn đề này kết hợp cùng cần analog thiếu chính xác của tay cầm Joy-Con, gián tiếp dẫn đến cảm giác trải nghiệm chiến đấu rất ức chế. Thế nhưng ngoài độ phân giải cao nên sắc nét hơn, các hệ console thế hệ mới không có sự khác biệt lớn về chất lượng đồ họa.
Tương tự It Takes Two, trò chơi cũng không tận dụng các tính năng đặc trưng của tay cầm DualSense. Bù lại, trải nghiệm khám phá và giải đố trong Lost in Random đều khá hào hứng. Dàn nhân vật độc đáo từ bình thường tới dị thường, cho đến những phân đoạn chiến đấu đầy hào hứng trong Board Game Arena đều rất hấp dẫn. Về cơ bản, các đấu trường này là sự tái hiện game board sử dụng quân cờ và xí ngầu Dicey với luật chơi đơn giản, đòi hỏi bạn phải kết hợp đa dạng chiến thuật và đáp ứng những yêu cầu nhất định.
Đó là chưa kể phong cách đồ họa và câu chuyện kể hấp dẫn, truyền tải nhiều thông điệp đáng chú ý. Ngay cả trên Nintendo Switch phải hy sinh độ phân giải, mỗi khu vực trong trải nghiệm đều được xây dựng độc đáo với mức độ chi tiết đáng kinh ngạc. Hệ thống nhiệm vụ phụ khá hào hứng, khuyến khích người chơi khám phá mọi ngóc ngách trong vương quốc Random. Các nhiệm vụ kể trên cũng mang đến nhiều thông tin hơn về bối cảnh của Lost in Random, đồng thời giúp bạn có thêm cơ hội kiếm tiền mua thẻ mới cho bộ bài trong chiến đấu.
Chỉ có khả năng di chuyển của Even lại vụng về một cách khó hiểu. Cô bé không có khả năng nhảy đã đành, mà mọi yếu tố đi cảnh đều đòi hỏi bạn phải tương tác bằng cách bấm nút. Người chơi chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong những phân đoạn đó. Ngay cả khi bấm nút chạy, tốc độ di chuyển của Even vẫn vừa khá chậm vừa khó đổi hướng và rất dễ mắc kẹt vào yếu tố môi trường. Tôi có cảm giác đó là chủ ý thiết kế của nhà phát triển nhằm kéo dài thời lượng chơi cho Lost in Random, hơn là giúp bạn dễ phát hiện vật phẩm thu thập hơn.
Sau cuối, Lost in Random mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động thú vị với cốt truyện hấp dẫn và hệ thống chiến đấu độc đáo. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là những hạn chế khá khó hiểu trong thiết kế, tạo cảm giác như nhằm mục đích kéo dài thời lượng chơi. Ngược lại, game sở hữu không ít điểm cộng đáng chú ý. Từ khám phá, hệ thống chiến đấu, phong cách đồ họa và đặc biệt là dàn nhân vật đừng trông mặt mà bắt hình dong, biến trò chơi trở thành cái tên rất đáng chú ý miễn là bạn có chút kiên nhẫn.
Lost in Random hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!