Lost Ember là tựa game phiêu lưu khám phá thiên về câu chuyện kể với phong cách đồ họa độc đáo và ấn tượng, lối chơi đơn giản nhưng cực kỳ “bánh cuốn” và câu chuyện kể đáng suy ngẫm.
Câu chuyện trong Lost Ember bắt đầu với một linh hồn lạc lối không thể vào City of Light, nơi mà người chơi có thể hiểu như thiên đường. Trong tâm trạng lo lắng đó, linh hồn này đi tìm sự giúp đỡ của muôn loài, nhưng không loài vật nào chịu giúp. Bạn là người duy nhất nhận lời giúp đỡ linh hồn nói trên. Cuộc phiêu lưu của người chơi nhanh chóng diễn ra, mở một câu chuyện đầy tò mò về khám phá thế giới trong game và thân thế bí ẩn của nhân vật chính. Trên hết, đó là những thông điệp đáng chú ý được lồng ghép trong trải nghiệm thông qua những gì bạn khám phá về một nền văn minh cổ xưa.
Lối chơi của Lost Ember thiên về phiêu lưu khám phá. Tuy nhiên, bạn có thể xem đó là trải nghiệm walking simulator cũng đúng mà cũng chẳng sai. Nhà phát triển Mooneye Studios hoàn toàn không có ý định sáng tạo lại lối chơi cũ, nhưng cách mà họ biến trải nghiệm phiêu lưu khám phá trở nên tươi vui hơn đã là một điểm cộng không hề nhỏ của game. Yếu tố này luôn được thiết kế cân bằng, không bao giờ khiến người chơi cảm thấy đó là gánh nặng. Dù vậy, đôi lúc việc định hướng phải đi đâu cũng là một trở ngại nhỏ nếu bạn không chịu khó quan sát môi trường để phát hiện ra dấu hiệu chỉ nơi cần đến và tương tác.
Về cơ bản, nhân vật của người chơi là một con sói với thân thế bí ẩn. Mọi chuyện sẽ dần được hé lộ thông qua trải nghiệm khi người chơi tương tác với các ký ức. Đó là một câu chuyện khá sâu sắc, để lại ấn tượng sâu đậm trong suốt trải nghiệm. Điểm nhấn của trải nghiệm nằm ở khả năng hóa thân thành bất kỳ loài vật nào mà bạn gặp, tận dụng kỹ năng riêng của con vật đó để tiếp tục phiêu lưu khám phá hoặc giải một số câu đố đơn giản. Đơn cử như chim ruồi hay vịt trời có thể bay từ nơi này sang nơi khác, trong khi gấu túi có khả năng chui vào những cái hang nhỏ mà bình thường nhân vật sói không thể len vào được v.v…
Ở góc độ người chơi, tôi không biết có nên xem đây là điểm trừ của trò chơi không. Vấn đề lớn nhất của Lost Ember là thế giới mở trong game rộng lớn và rất đẹp, đặc biệt khi nhìn từ vách đá hay đang bay nên càng dễ khiến người chơi sa đà vào việc ngắm cảnh và chụp hình mà quên mất nhiệm vụ chính phải làm trong trải nghiệm. Kỳ thực mục đích của bạn rất đơn giản, chỉ cần tương tác với những vị trí nhất định có thể phát hiện từ xa thông qua quan sát môi trường, sống lại những ký ức về câu chuyện đã diễn ra từ một nền văn minh cổ đại, mở khóa vòng chắn tiến tới City of Light đang cản trở linh hồn lạc lối ở đầu trải nghiệm.
Lost Ember tuy không có được hình ảnh đẹp đến mức phải gọi là tuyệt mỹ như Eastshade, nhưng vẫn cực kỳ ấn tượng với dấu ấn rất riêng. Từ những bé gấu túi bụng bự nhìn cưng ơi là cưng cho đến chim ruồi nhỏ xíu rực rỡ màu sắc với chuyển động đập cánh liên tục rất ấn tượng và không chỉ có thế. Môi trường dù nhìn gần hay nhìn xa đều rất có hồn với muôn loài trong đó luôn hoạt náo. Bạn có thể bắt gặp những bé gấu túi luôn dính nhau như sam, cho tới cảnh bầy vịt trời bay từng đàn như muốn khoe sắc và còn nhiều nữa, nhưng tôi sẽ để dành cho bạn trải nghiệm để tự kiểm chứng. Nói ra hết sẽ mất hay.
Thế giới trong Lost Ember vô cùng sống động và rực rỡ. Nó được đội ngũ phát triển xây dựng cực kỳ hoành tráng và sinh động. Từ các loại “hoa ghen thua thắm” khoe dáng với đủ mọi sắc thái, màu sắc cho đến phong cảnh thiên nhiên rực rỡ đều thiết kế có tính thẩm mỹ rất cao, tinh tế và đa dạng. Bầu trời trong xanh, hang sâu thăm thẳm, núi tuyết lạnh lẽo, sa mạc nóng bỏng và đặc biệt là những thác nước hay không gian xanh rờn đều rất giàu đẹp và rộng lớn, phải nói là cực kỳ ấn tượng. Ẩn giấu trong đó là những vật phẩm thu thập như thánh tích cổ hay các loài nấm đang chờ người chơi khám phá với số lượng rất nhiều.
Mỗi lần đổi sang hình hài loài vật khác là thế giới quan cũng thay đổi. Đơn cử như trong hình hài chuột chũi, mọi thứ đều trở nên khổng lồ nhưng khi bay trên trời thì vạn vật trở nên nhỏ xíu. Đặc biệt, chuyển động của muôn loài nhìn ấn tượng như thật, rất thích mắt nhất là nhập vai cá bơi dưới nước. Nhà phát triển Mooneye Studios có lẽ đã dồn rất nhiều tâm huyết để trau chuốt chuyển động nhân vật và xây dựng môi trường khám phá rất tinh tế. Song hành với đó là phần nhạc nền tuyệt vời, mang cảm giác thư giãn cao cùng lời kể trầm ấm truyền cảm giải thích cốt truyện và truyền tải thông điệp game từ nhân vật linh hồn lạc lối.
Yếu tố nghe nhìn trong Lost Ember rất ấn tượng, kết hợp với câu chuyện kể để lại nhiều hỉ nộ ái ố cho người chơi, vang vọng âm hưởng và hơi thở của cuộc sống. Biên kịch có vẻ rất chắc tay khi chấp bút cho một câu chuyện kể đong đầy cảm xúc như thế. Mở truyện gợi sự tò mò rất lớn: tôi là ai, đây là đâu, họ là ai? Thế nhưng, kết thúc cũng khiến người chơi vỡ òa cảm xúc và thật sự là một cái kết rất thỏa mãn. Trải nghiệm game mang đến những thông điệp rất có ý nghĩa trong cuộc sống, bất kể sự khác biệt về văn hóa, triết lý hay tôn giáo của người chơi. Nội dung có tính phổ quát cao chắc chắn là điểm cộng rất lớn của trò chơi.
Nếu có vấn đề gì khiến Lost Ember không hoàn hảo, có lẽ là do cách thiết kế trải nghiệm hơi tuyến tính, sử dụng những bức tường vô hình để chặn người chơi khám phá khi chưa hoàn tất một khu vực nhất định. Tuy nhiên, tôi nghĩ nhà phát triển làm vậy vì muốn đảm bảo bạn sẽ hiểu rõ tường tận toàn bộ câu chuyện kể theo một thứ tự nhất định, nên không xem đây là điểm trừ lớn. Một vấn đề khác cũng không thể không nhắc đến là hệ thống autosave đôi lúc gây trở ngại khá khó chịu khi người chơi vô tình hay cố ý đi vào những khu vực không nên tiếp cận và mắc kẹt vĩnh viễn cho đến khi bạn tạm khắc phục bằng restart checkpoint.
Đáng nói là những “cấm địa” này nhiều lúc nhìn khá bình thường và không có điểm gì khác biệt. Dù là vô tình hay cố ý, người chơi chỉ nhận ra nó là ngõ cụt không lối thoát khi và chỉ khi bạn xâm nhập vào đó. Chẳng hạn có trường hợp tôi đang bay gần dãy núi cheo leo thì bấm nhầm nút nên về lại thành sói và rơi xuống sát vách núi. Do đường trượt quá dài và cũng có thể do vô tình trùng hợp lúc hệ thống chuẩn bị autosave, nên nhân vật bị mắc kẹt ở lưng chừng núi hướng lao thẳng xuống biển. Nếu nhảy xuống thì trò chơi tải lại điểm autosave vừa nãy, nhưng cũng chẳng có cách nào nhảy lên được, đành mở menu mà restart checkpoint.
Sau cuối, Lost Ember mang đến một trải nghiệm phiêu lưu thiên về câu chuyện kể đặc sắc và ấn tượng gần như mọi khía cạnh. Đồ họa, gameplay, âm nhạc và câu chuyện kể đều rất tuyệt vời. Trò chơi giống như một sự thử nghiệm của nhà phát triển và họ đã thành công, bất chấp chủ đề có chút màu sắc tâm linh. Mặc dù chủ đề này không gây ảnh hưởng đến trải nghiệm game nói chung, nhưng có thể là một điểm trừ không tránh khỏi trong quan điểm của một số người chơi. Ngoài vấn đề đó ra, nếu yêu thích trải nghiệm đậm tính thư giãn nhưng vẫn rất có chiều sâu, đây chắc chắn là cái tên mà bạn không nên bỏ qua.
Lost Ember hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One. Phiên bản Nintendo Switch dự kiến ra mắt trong thời gian tới.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác