Logic – Keypad là trải nghiệm giải đố góc nhìn thứ nhất khá hại não của trí tuệ Việt. Trò chơi được nhà phát triển NguyeZ gởi ẩn danh khiến người viết rất tò mò. Sau khi nhờ Conan điều tra, tôi được biết đây là game đầu tay của bạn Nguyễn Chí Nguyện. Theo như mô tả của nhà phát triển, trò chơi chỉ đơn thuần các câu đố logic và không có các yếu tố làm nền cho trải nghiệm như thường thấy nhưng bạn đừnng vội tin. Mục tiêu của trải nghiệm là “bẻ khóa” mọi cánh cửa trong màn chơi. Tuy nhiên, trò chơi sở hữu vài thiết kế khá khó hiểu.
Như đề cập ở trên, lối chơi của Logic – Keypad chỉ xoay quanh giải đố. Người chơi thu thập các gợi ý trong môi trường màn chơi và các mảnh ghi chú để tìm mật mã mở cửa. Những manh mối này thường rất mơ hồ và đôi khi đòi hỏi bạn phải thử sai để dò được đúng mật khẩu. Nếu chỉ xét riêng yếu tố giải đố, không thể phủ nhận các câu đố trong game khá hại não, đòi hỏi người chơi không chỉ quan sát môi trường xung quanh mà còn phải động não trên trời dưới biển để giải mật chúng đúng như ý đồ của nhà phát triển.
Sở dĩ tôi nói đúng như ý đồ của nhà phát triển vì yếu tố giải đố trong Logic – Keypad thường có tính đánh đố, hơn là mang đến cho người viết cảm giác thỏa mãn mỗi khi hoàn thành câu đố như thường thấy. Một phần của cảm giác này do game được xây dựng không theo quy chuẩn thông thường trong thiết kế. Trò chơi khiến người viết không thể phân biệt rõ ràng nó thuộc thể loại giải đố thông thường với câu chuyện kể tối thiểu hay thuộc dòng game giải đố “trốn thoát căn phòng kín” như The Room.
Ở góc độ người chơi, trải nghiệm Logic – Keypad mang nhiều cảm giác thiết kế theo dạng Escape Room hơn do quy mô mỗi màn khá nhỏ. Vấn đề ở chỗ, trong các game giải đố theo dạng này thường đặt câu đố cố định trong các gian phòng, người chơi buộc phải giải đố xong mới có thể mở cánh cửa để vào căn phòng khác và tiếp tục với những câu đố mới. Tuy nhiên, trường hợp của trò chơi thì khía cạnh giải đố lại được thiết kế mang tính dương đông kích tây, manh mối cho câu đố ở căn phòng này nhiều khi phải tìm ở phòng khác.
Việc không khoanh vùng khu vực giải đố như các game Escape Room khiến việc giải đố nặng tính đánh đố. Đơn cử màn chơi đầu tiên, người viết bí một câu đố và loay hoay mãi không giải được vì không hiểu cái gọi là gợi ý có cũng như không của game muốn đề cập điều gì, đặc biệt khi nó chỉ là những đường kẻ vô nghĩa. Khi tôi định bỏ cuộc, may sao lại mò đúng mật mã một cánh cửa khác, mở ra không gian thậm chí còn rộng và nhiều cánh cửa hơn. Sau khi mở lần lượt đến cửa áp cuối, người viết mới tìm thấy gợi ý cho cánh cửa ban đầu.
Thiết kế kỳ lạ này không chỉ diễn ra ở màn chơi đó mà trong tất cả màn chơi của Logic – Keypad, khiến tôi không hiểu được định hướng thiết kế. Mặt khác, các câu đố trong game đều không có sự đồng nhất về độ khó. Có câu đố cực dễ đoán mà không cần tìm manh mối, trong khi có câu đố lại quá hại não với những manh mối khá “trời ơi đất hỡi”. Đáng nói là hệ thống gợi ý của trò chơi luôn từ hù dọa cho đến giễu cợt người chơi, tạo cảm giác thiếu nghiêm túc khi có những lúc bắt bạn chờ nhưng cuối cùng lại báo không có gợi ý nào.
Việc đếm giờ khi cần xem gợi ý cũng là thiết kế khá khó hiểu khi làm phí thời gian của người chơi không cần thiết và là điểm trừ thiết kế. Bởi lẽ, Logic – Keypad luôn đếm giờ trước khi hiện gợi ý có tính hên xui như đề cập ở trên, bất kể bạn đã xem gợi ý trước đó hay chưa. Kỳ thực trong nhiều trường hợp trải nghiệm game, người viết thường chuyển qua lại giữa các cánh cửa hoặc nghỉ ngang nên đôi lúc không nhớ gợi ý của một cánh cửa là khá bình thường, nhưng dường như nhà phát triển không nghĩ đến những trường hợp đó.
Đáng nói, trải nghiệm Logic – Keypad cũng thiếu tính tiếp nối mà tôi cho rằng đây là sai sót nghiêm trọng trong thiết kế. Cụ thể, nếu người chơi vô tình mở được cánh cửa ngẫu nhiên nào đó để qua màn thì trò chơi vẫn chấp nhận và không xét đến các yếu tố khác, ngay cả khi những cánh cửa lẽ ra phải mở khóa để thu thập manh mối vẫn chưa được mở. Nói cách khác, người chơi hoàn toàn có thể chơi gian lận khi “học vẹt” mật mã mở cửa ở đâu đó chẳng hạn và vẫn nhận được achievement cho toàn bộ công sức mà bạn không hề bỏ ra.
Thiết kế nói trên khiến trải nghiệm Logic – Keypad không có giá trị chơi lại, do toàn bộ mật mã mở cửa đều cố định và không thay đổi trong các lần chơi. Một vấn đề mà tôi cũng không thể không đề cập là cái tựa của trò chơi tạo cảm giác rất lạc trôi so với trải nghiệm, trong khi đây là yếu tố mang đến cảm xúc đầu tiên đối với bất kỳ game nào. Tôi nghĩ nhà phát triển nên sáng tạo cái tựa được ghép từ vừa bí hiểm vừa gợi sự tò mò thì phù hợp hơn. Ví dụ như tôi chợt nghĩ tới Keypazzle được ghép giữa keypad và puzzle.
Khía cạnh nghe nhìn của Logic – Keypad không có gì đặc biệt đáng đề cập khi chỉ dừng ở mức cơ bản dù yêu cầu cấu hình hơi cao. Trò chơi không có nhạc nền nếu không tính máy cassette mà người chơi có thể tương tác để mở nhạc ở các màn chơi. Yếu tố vật phẩm thu thập đồng tiền vàng khá thú vị khi đòi hỏi bạn phải tinh mắt quan sát và suy nghĩ sáng tạo một chút trong cách tiếp cận. Tuy nhiên, người viết gặp một vấn đề rất khó chịu là game liên tục bị ‘out of focus’ và nhảy sang cửa sổ ứng dụng khác trong suốt quá trình chơi.
Sau cuối, Logic – Keypad mang đến một trải nghiệm giải đố để lại cảm nhận khá trái chiều. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là các câu đố đa dạng ý tưởng và khá thử thách dù chỉ xoay quanh việc giải mã những con số. Dù vậy, game có những thiết kế khá khó hiểu khiến trải nghiệm game không thỏa mãn nếu không nói là nhiều khi gây ức chế và thiếu tôn trọng thời gian quý giá của người chơi. Nếu bạn chỉ quan tâm đến yếu tố giải đố thuần túy, đây chắc chắn là cái tên rất đáng cân nhắc.
Logic – Keypad hiện có cho PC (Windows).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!