Lode Runner Legacy là tựa game giải đố tuyệt vời, đánh dấu sự trở lại của một series từng khiến không ít người chơi cùng thời với tôi mất ăn mất ngủ vì mức độ “hack não” rất “lồi lõm” của nó. Sau một thời gian dài ra mắt trên PC và Nintendo Switch, đến nay người chơi PlayStation 4 mới được trò chơi chính thức “dạm ngõ”.
Lúc nhỏ, Lode Runner và Lemmings là hai series game giải đố yêu thích nhất của tôi. Lemmings thì “thôi rồi, ông giáo ơi”! Các phần chơi mới nhất của series này thay đổi đến mức tôi không còn nhận ra chút dấu ấn của series game yêu thích một thời nữa. Lode Runner lại là một câu chuyện khác. Những phần chơi mới vẫn tiếp tục giữ “đẳng cấp là mãi mãi” và đó cũng là trường hợp của Lode Runner Legacy khi dung hòa được hai khía cạnh “tân cổ giao duyên”, mang đến trải nghiệm giải đố quen thuộc ngày xưa với khối lượng nội dung khá đồ sộ so với dung lượng tải về chỉ hơn 300MB, khiến tôi cũng giật mình. Nhỏ mà có võ đó nha!
Với bạn nào không biết thì Lode Runner là tựa game giải đố ra mắt vào năm 1983 của Douglas Smith, ông anh sinh viên kiến trúc thuộc đại học Washington nước Mỹ. Game sở hữu lối chơi đơn giản nhưng vô cùng “hack não. Nhân vật chính có khả năng đào tường hai bên dưới vị trí đứng. Nhiệm vụ của bạn là thu thập tất cả những thỏi vàng trong màn chơi và “tẩu thoát”. Là phần chơi mới nhất trong series, Lode Runner Legacy gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên với khía cạnh đồ họa được nâng cấp thay cho phong cách pixel art cũ kỹ ngày xưa. Đó là sự kết hợp giữa pixel art và công nghệ dựng hình 3D ngày nay, tạo nên hình hài nhân vật chính gợi nhớ đến Minecraft.
Mặc dù sự thay đổi này làm mất đi cảm giác hoài cổ quen thuộc, nhưng thiết kế màn chơi vẫn giữ được cảm giác này. Lode Runner Legacy chia trải nghiệm thành nhiều chế độ chơi khác nhau. Ban đầu, người chơi chỉ có thể trải nghiệm chế độ Adventure nhưng sau khi hoàn thành một số màn chơi nhất định, bạn sẽ dần mở khóa thêm các chế độ khác như Puzzle “hack não” hơn hay các màn “chơi thêm” trong Extra với kẻ thù mới v.v… Về cơ bản, các chế độ chơi chỉ khác biệt về thiết kế và nhiệm vụ, trong khi cơ chế gameplay giữ nguyên. Người chơi vẫn sử dụng kỹ năng đào hai bên nhân vật để di chuyển hoặc thu thập theo yêu cầu, thoát khỏi màn chơi trong thời gian ngắn nhất và ghi danh vào bảng xếp hạng.
Trong các chế độ chơi, đáng chú ý là Classic với 150 màn chơi nguyên bản trong Lode Runner kinh điển ngày xưa, mang nhiều cảm giác hoài cổ với những gì tôi còn nhớ về tựa game này. Tuy nhiên, hơi đáng tiếc là nhà phát triển không cho chọn lựa giữa phong cách đồ họa mới và cũ để làm hài lòng mọi đối tượng người chơi. Cá nhân tôi không hào hứng lắm với phong cách đồ họa pixel art xưa cũ trong chế độ chơi Classic, nhưng sẽ thay đổi thái độ “nhanh như chia tay người yêu cũ” nếu đó là các thiết kế màn chơi kinh điển, kết hợp cùng chất liệu đồ họa mới nhìn bắt mắt hơn hẳn.
Nhắc đến người yêu lại không thể không nhắc đến phần chơi co-op hai người khá hấp dẫn. Trong đó, hai người chơi phải thu thập thỏi vàng trong màn chơi, đồng thời hỗ trợ nhau để cùng giải “câu đố”. Phần lớn thiết kế màn chơi đều theo kiểu đối xứng nhau, nhưng vị trí giữa thường sẽ là một số chướng ngại vật đòi hỏi hai người chơi phải “hợp đồng tác chiến” để thu thập thỏi vàng, chẳng hạn như làm chỗ đứng cho người chơi khác “đập đá”. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tự “đa tình” và hoàn thành màn chơi một mình nếu có hai tay cầm DualShock 4 và không quan tâm đến bảng xếp hạng. Tính năng này có vẻ được thiết kế nhắm đến người chơi Nintendo Switch với khả năng cơ động cao và hỗ trợ mỗi người sử dụng một tay cầm Joy-Con trong trải nghiệm hơn.
Có lẽ vì vậy mà đến tận hơn một năm sau khi ra mắt trên nền tảng của Nintendo, người chơi PlayStation 4 mới được trải nghiệm tựa game này. Thế nhưng, hấp dẫn nhất là Craft Mode và World Levels. Về cơ bản, Craft Mode trao cho người chơi cơ hội sáng tạo màn chơi trong khi World Levels cho phép bạn tải về các màn chơi ngẫu hứng từ những người chơi khác. Nền tảng PlayStation 4 vốn cực kỳ hạn chế các nội dung do người chơi tạo ra, nên Craft Mode và World Levels khiến tôi ngạc nhiên với sự thay đổi có phần cởi mở hơn của Sony. Hai tính năng này mang đến giá trị chơi lại khá cao cho Lode Runner Legacy, vận hành khá tốt với nhiều tùy chọn giúp bạn dễ tìm thấy cái cần tìm hoặc những thiết kế được nhiều người chơi khác quan tâm nhất.
Sau cuối, Lode Runner Legacy mang đến một trải nghiệm giải đố khá tuyệt vời ở gần như mọi khía cạnh, phù hợp với người chơi mới lẫn cũ của series game Lode Runner gần 40 năm tuổi. Nhiêu đó có lẽ đã đủ lý do để cái tên “già mà vẫn còn gân” này xứng đáng xuất hiện trong thư viện game của bạn. Dù vậy, người chơi Nintendo Switch có lẽ sẽ hào hứng hơn với trải nghiệm co-op ở chế độ chơi Two Players, mỗi người chỉ cần một tay cầm Joy-Con.
Lode Runner Legacy hiện có trên PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác