Life is Strange: Double Exposure là hậu bản trực tiếp của game phiêu lưu kể chuyện Life is Strange đã ra mắt gần tròn 10 năm, tính đến thời điểm bài viết. Trò chơi đưa người chơi quay trở lại với nhân vật chính Max Caulfield với khả năng điều khiển thời gian trong phần chơi cũ. Thế nhưng lần này là một Max Caulfield trưởng thành hơn, trong một bối cảnh hoàn toàn mới với dàn nhân vật phụ cũng đều là những gương mặt mới toanh.
Công tác phát triển Life is Strange: Double Exposure được giao cho Deck Nine, nhà phát triển của game Life Is Strange: True Colors năm 2021 cũng như Life Is Strange Remastered Collection gồm phần chơi chính do Dontnod Entertainment phát triển nguyên bản và tiền truyện Before the Storm. Và tôi vẫn nhớ chất lượng bản Switch của bộ sưu tầm remaster nói trên để lại một cảm nhận vô cùng trái chiều thế nào về chất lượng hình ảnh.
Bối cảnh của Life is Strange: Double Exposure diễn ra 10 năm sau cái ngày định mệnh ở Arcadia Bay. Max giờ đây đã trưởng thành và trở thành nữ nhiếp ảnh gia có tiếng, lời nói có sự cân nhắc cẩn thận hơn và sự tinh tế nhất định, không còn như cái tuổi “trẻ trâu” trước đây nữa. Ngay từ đầu trải nghiệm, người chơi sẽ được gặp nhân vật Safi, người bạn tâm giao thân thiết của Max và là con gái của người phụ nữ quyền lực nhất đại học Caledon.
Với Life is Strange: Double Exposure, tôi có thể nhận thấy một cô gái trẻ với tính cách rụt rè ngày nào đã trở thành một người phụ nữ rất tự tin. Tình bạn giữa Max và Safi cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa họ được thể hiện một cách rất tự nhiên. Thế nhưng không lâu sau đó trong trải nghiệm game, cái chết bí ẩn của Safi dẫn đến bi kịch mới cho Max. Tuy không muốn để lịch sử lặp lại nhưng những cảm xúc ngày xưa chợt trỗi dậy.
Max quyết định điều tra và mọi thứ hoàn toàn đảo lộn. Khi đào sâu hơn về cuộc sống cá nhân của Safi, nhân vật chính phát hiện ra những mối quan hệ vô cùng phức tạp và mọi chuyện tưởng chừng đơn giản hóa ra lại là những sự kiện rất phức tạp. Tôi không muốn nói nhiều về lối chơi của Life is Strange: Double Exposure vì bạn sẽ dễ dàng đoán ra thông qua những thông tin cơ bản ở trên cũng như trải nghiệm game gốc từ trước.
Cái hay của biên kịch là xây dựng cuộc đấu tranh nội tâm của Max giữa quyền lực và trách nhiệm. Cũng giống như phần chơi đầu tiên, mục tiêu của người chơi vẫn là thu thập các thông tin mới thông qua những lần dịch chuyển. Mỗi thông tin thu thập được sẽ bổ trợ cho thông tin mà bạn thu thập được sau đó với lần dịch chuyển mới và cứ thế. Trải nghiệm game cứ thế đan xen giữa những ký ức về Arcadia Bay và những bí ẩn quanh cái chết của Safi.
Ngay cả khi người chơi tưởng rằng sự thật đã ở ngay trước mắt, một nút thắt mới lại xuất hiện khiến bạn phải tua lại giả thiết của mình và bắt đầu một cuộc điều tra mới cho đến khi tìm thấy chân tướng của cái mà bạn tưởng là sự thật. Cá nhân tôi cảm thấy nhà phát triển Deck Nine đã xây dựng một trải nghiệm điều tra rất hấp dẫn dựa trên nền tảng có sẵn của phần chơi trước. Tuy nhiên, Life is Strange: Double Exposure lại không nhiều yếu tố phát triển nhân vật Max.
Một trong những điều khiến tôi luôn tò mò đó là nghề nghiệp của Max. Chúng ta được biết Max là một nhiếp ảnh gia có tiếng trong trường đại học, nhưng khía cạnh này được thể hiện rất ít trong trải nghiệm Life is Strange: Double Exposure. Tôi đã kỳ vọng nhà phát triển sẽ tận dụng nghề nghiệp của Max để xây dựng sự phát triển của nhân vật chính thông qua sự phản chiếu từ những buổi tham vấn cho các đồng nghiệp trẻ khác và hoàn toàn thất vọng.
Nhà phát triển dường như quá tập trung vào giải quyết vụ án hơn là nhân vật chính. Những khoảnh khắc đấu tranh nội tâm của Max như đề cập ở trên là không đủ, vì chúng về cơ bản không phải phản chiếu cho sự phát triển của nhân vật này mà thiên về quyết định của người chơi hơn. Dàn diễn viên phụ cũng vậy, họ được xây dựng hình tượng khá đẹp với biểu cảm rõ ràng trên nền đồ họa chất lượng, nhưng phần lớn không để lại nhiều dấu ấn trong trải nghiệm.
Ngoài Moses là nhân vật khá nổi bật với tính cách đáng yêu và chân thành, các nhân vật khác lại giống như để mua vui hoặc làm rối loạn phán đoán của người chơi hơn. Khá thú vị khi có nhân vật tên tiếng Việt như Vinh Lang, có họ mà theo tôi biết là của người dân tộc Thái. Còn nói về lựa chọn lãng mạn dẫn đến mối quan hệ tình thương mến thương trong Life is Strange: Double Exposure thì tôi không muốn, cũng không thể đề cập để tránh tiết lộ nội dung.
Life is Strange: Double Exposure có một, hai tính năng mới so với các phần chơi khác trong series Life is Strange. Một trong số đó là yếu tố tương tác xã hội. Tuy nhiên, tính năng này được thiết kế khá tệ, thường xuyên khiến tôi phải vật lộn để đọc trọn vẹn cũng như phân biệt thông tin nào đã đọc và chưa đọc. Khi trải nghiệm với chuột và bàn phím đã phiền rồi, nhưng sử dụng tay cầm còn phiền hơn nữa vì quá nhiều thao tác chỉ để đọc một thông tin.
Tương tự, yếu tố chính liên quan đến dịch chuyển mà tôi đang nói tránh từng được thiết kế rất dễ dàng và đơn giản trong nguyên bản Life is Strange, nhưng lại được xây dựng khá phiền phức trong hậu bản này. Mỗi lần dịch chuyển lại phải chui rúc vào một gian phòng rất ư là bực mình, nếu không nói là thiết kế tính năng dễ gây nản lòng. Lẽ ra nhà phát triển phải xây dựng trải nghiệm game một cách liền mạch và thuận tiện để tạo động lực cho người chơi mới phải.
Sau cuối, Life is Strange: Double Exposure mang đến một trải nghiệm phiêu lưu tuy vẫn hấp dẫn với cơ chế dịch chuyển và điều tra, cộng với khía cạnh nghe nhìn chất lượng rất cao. Thế nhưng điểm trừ của trò chơi là thiết kế một số cơ chế gameplay phiền phức không cần thiết, vô tình gây ảnh hưởng không tốt đến cảm giác trải nghiệm của người chơi, đặc biệt làm mất đi trải nghiệm liền mạch cần thiết với thể loại đặc trưng này.
Life is Strange: Double Exposure hiện có cho PC (Windows), Xbox Series X|S, PlayStation 5 và hỗ trợ Xbox Play Anywhere.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PC.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!