LEGO Brawls là game đối kháng loạn chiến với đồ họa 3D theo phong cách LEGO nhưng không gian chiến trường lại là 2D. Mặc dù mang đến trải nghiệm đầy hào hứng, nhưng trò chơi khá hụt chân với lượng nội dung ít ỏi. Đáng chú ý, tựa game của nhà phát triển Red Games đã có thời gian dài ra mắt trên nền tảng dịch vụ Apple Arcade vào tháng 9/2019. Chính vì thế, thật khó để biện minh cho việc trò chơi phát hành trên các nền tảng hiện đại với mức giá khá cao, nhưng không bổ sung lượng nội dung mới tương ứng và vấn đề không chỉ dừng ở đó.
Kỳ thực, khác biệt lớn nhất so với nền tảng của Apple là độ phân giải và tốc độ khung hình cao hơn. Thế nhưng, đó là khi xét ở các hệ máy có phần cứng mạnh, chứ riêng phiên bản Switch có hiệu năng còn tệ hơn trải nghiệm trên iPhone, nhất là khi chơi trực tuyến. Ở góc độ người chơi, LEGO Brawls giống như bản lite của Super Smash Bros. Ultimate trên hệ máy của Nintendo với thiết kế gameplay đơn giản hơn. Người chơi sử dụng phối hợp giữa các nút tấn công, nút nhảy và nút thi triển power-up để chiến đấu.
LEGO Brawls được thiết kế khá đơn giản khi không có cốt truyện mà chỉ mang tới trải nghiệm hỗn chiến thuần túy. Tuy trò chơi có vài chế độ chơi khác nhau, nhưng kỳ thực chúng không khác biệt nhiều về cảm giác trải nghiệm mà chỉ là biến tấu rất nhỏ. Trong đó, Brawl là chế độ chơi cơ bản nhất nếu không nói là thông dụng nhất nhờ khả năng mở khóa số lượng nhân vật đồ sộ. Đặc biệt, đằng sau những cuộc hỗn chiến ngẫu nhiên đó là cả một hành trình dài để mở khóa các mảnh LEGO theo chủ đề khác nhau.
Ngược lại, Party là chế độ party theo đúng nghĩa đen, cung cấp cho người chơi nhiều lựa chọn hơn. Chẳng hạn chơi Versus, Co-op hay “hỗn chiến” Free-for-Brawl với bạn bè, thay vì thông qua hệ thống ghép người chơi tự động như chế độ Brawl. Đó là chưa kể khả năng hỗ trợ cross-play giữa các nền tảng giúp trò chơi có giá trị chơi lại khá cao. Vấn đề lớn nhất của LEGO Brawls là ngoài khả năng tùy biến nhân vật theo các chủ đề khác nhau, người chơi không thể kiểm soát việc lựa chọn màn chơi.
Khía cạnh này được vận hành thông qua bình chọn của số đông, vô tình làm giảm khả năng đa dạng hóa màn chơi của LEGO Brawls. Trong suốt quá trình trải nghiệm, người viết thường gặp tình trạng tất cả người chơi đều bỏ phiếu 1 màn chơi nhất định, khiến việc thử nghiệm những màn khác khá khó khăn. Mặt khác, do thiết kế gameplay đơn giản nên những khoảnh khắc chiến đấu chỉ hào hứng ban đầu. Bạn gần như chỉ cần “tay nhanh hơn não” và nhảy đúng khoảnh khắc khi vào trận, không cần chiến thuật phức tạp hay cao siêu.
Hào hứng nhất là những khoảnh khắc khi người chơi sử dụng power-up trong trải nghiệm chiến đấu. Đơn cử triệu hồi khủng long trong phim “công viên khủng long” hỗ trợ chiến đấu hay cưỡi rồng bắn phá khắp chiến trường. Vấn đề ở chỗ, do số lượng power-up chưa đủ đa dạng nên càng trải nghiệm về sau, cuộc chiến càng bớt đi nhiều hào hứng. Không những vậy, các power-up cũng không thật sự mang đến tính chiến thuật cho trận chiến, vì người chơi không có nhiều khả năng kiểm soát “hành vi” của power-up được triển khai.
Nói cách khác, trải nghiệm LEGO Brawls mang nặng cảm giác lặp lại vì đơn giản đến đơn điệu, dẫn tới người chơi dễ “bắt bài” nhau chỉ sau trận đầu tiên. Bù lại, điểm cộng sáng nhất của trò chơi là yếu tố mở khóa nhân vật theo các chủ đề LEGO khác nhau. Nếu thuộc mẫu người chơi không thích yếu tố “cày cuốc” trong các trận đấu, đây chắc chắn không phải trải nghiệm game dành cho bạn. Đó là chưa kể không ít achievement/trophy đều xoay quanh việc mở khóa nhân vật nhất định theo các chủ đề, cho thấy đó mới là điểm nhấn của trò chơi.
Thông qua mở khóa nhân vật, người chơi được thưởng thêm các phụ kiện liên quan đến nhân vật đó, mở rộng khả năng tùy biến nhân vật đại diện trong chiến đấu. Mặc dù LEGO Brawls sở hữu khả năng tùy biến cực kỳ phong phú, nhưng những tạo hình này chỉ có tính chất tô điểm cho dáng vẻ bên ngoài của nhân vật đại diện, không có bất cứ khác biệt về chỉ số chiến đấu hay khả năng tấn công. Đây là điều khá đáng tiếc khi đội ngũ phát triển chưa khai thác hết tiềm năng của trò chơi khi xây dựng cơ chế chiến đấu thiếu chiều sâu.
Sau cuối, LEGO Brawls mang đến một trải nghiệm đối kháng khá hào hứng ở thời điểm ban đầu, nhưng đọng lại cảm giác khá trái chiều vì thiết kế khó hiểu. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là khả năng tùy biến vô cùng đa dạng với tạo hình nhân vật theo nhiều chủ đề LEGO khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là điểm trừ của trò chơi khi gắn liền với yếu tố “cày cuốc”, trong khi khía cạnh này lại liên quan mật thiết đến cơ chế chiến đấu trong game vốn được thiết kế quá đơn giản.
LEGO Brawls hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch và Apple Arcade.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!