Legacy of Kain: Soul Reaver 1&2 Remastered là bộ sưu tầm remaster của hai tựa game Legacy of Kain: Soul Reaver và Soul Reaver 2 như cái tựa gợi ý. Dòng game này được người chơi lẫn giới chuyên môn nhận xét là đi trước thời đại khi phần chơi đầu tiên ra mắt lần đầu trên hệ máy PlayStation kinh điển và PC vào năm 1999. Cả hai trò chơi đều được sản xuất vào thời kỳ hoàng kim của nhà phát triển Crystal Dynamics, “cha đẻ” của series game Tomb Raider kinh điển.
Nếu không tính bản Blood Omen: Legacy of Kain do Silicon Knights phát triển, năm 2024 đánh dấu series game này tròn 25 tuổi. Trải nghiệm nghiệm đưa người chơi quay lại với vùng đất Nosgoth, nơi ma cà rồng và con người trở thành kẻ săn mồi và nạn nhân. Loài người vì thế mà phải ẩn náu trong những thành phố có tường cao bao quanh, giúp bảo vệ họ khỏi những kẻ săn mồi đáng sợ. Nhân vật chính Raziel là một trong số đó với số phận nghiệt ngã.
Do “phạm tội” dám tiến hóa vượt mặt chủ nhân của mình, Raziel bị ném xuống hồ tử thần để trừng phạt nhưng được một cổ thần hồi sinh. Từ đây, nhân vật chính bắt đầu con đường báo thù những kẻ đã đẩy anh vào đày ải. Tuy cốt truyện của trò chơi mở đầu tương đối đơn giản, nhưng được chấp bút hấp dẫn và nhiều kịch tính về sau khi mang phong cách điện ảnh không mấy phổ biến ở thời điểm phát hành ban đầu. Đó không phải điểm cộng duy nhất của bộ sưu tầm này.
Điều này không có gì lạ khi người chấp bút cho kịch bản cho hai phần chơi là Amy Hennig. Nếu bạn chưa kịp nhớ ra thì đây chính là biên kịch của ba phần chơi Uncharted đầu tiên, không bao gồm hai phần chơi trong Uncharted: Legacy of Thieves Collection. Được biết, ý tưởng của trò chơi và nhân vật chính Raziel được lấy cảm hứng từ tập thơ Paradise Lost của John Milton, chấp bút nên câu chuyện kể nhuốm màu sắc thần thoại ma cà rồng theo phong cách gothic.
Cũng như các phần chơi Tomb Raider kinh điển, lối chơi của hai bản Soul Reaver xoay quanh trải nghiệm phiêu lưu giải đố. Thiết kế cũng vì thế có nhiều nét tương đồng với những tựa game Tomb Raider vừa đề cập. Người chơi thường xuyên phải di chuyển trong những mê cung sâu thẳm của bối cảnh và giải đố để mở đường tiếp cận các vị trí mới cho mục đích của Raziel. Chìa khóa giải đố là khả năng chuyển đổi giữa hai realm của nhân vật chính.
Material Realm như tên gọi của nó giống như thế giới vật chất của chúng ta, mọi thứ đều có thể tương tác được. Chẳng hạn bạn có thể nhặt vũ khí đâu đó trong màn chơi để xiên kẻ thù, tận dụng môi trường màn chơi để kết liễu lũ ma cà rồng hiếu chiến hoặc tương tác. Spectral Realm thì ngược lại, nơi đây không có vật chất và những thứ mà bạn có thể cầm nắm hay tương tác trong Material Realm chỉ đơn thuần phi vật chất, không thể tương tác.
Trong Spectral Realm, các cơ chế vật lý bị bóp méo hoặc làm thay đổi yếu tố hình học của thế giới xung quanh. Đơn cử nước trở nên giống không khí, không có sức nặng cũng chẳng có lực đẩy Acsimet như chúng ta được học hồi cấp 2. Các vết nứt trên những bức tường đá có thể biến thành lối mở, còn những gờ hay cạnh để leo bám trước đó không có trong Material Realm lại trở thành những đi mới khi chuyển sang Spectral Realm.
Ý tưởng gameplay tuy đơn giản nhưng mang đến trải nghiệm vô cùng đặc sắc. Vì Raziel tuy có thể chuyển sang Spectrial Realm bất cứ lúc nào, nhưng muốn trở lại Material Realm thì bạn chỉ có thể thực hiện ở những vị trí cố định theo sắp đặt của trò chơi. Điều đó khiến một căn phòng giải đố về cơ bản là hai gian phòng khác biệt, với những cơ chế giải đố tương đối thử thách không chỉ ở thời điểm phát hành ban đầu mà cả thời đại ngày nay nếu bạn là người chơi mới.
Thậm chí càng ấn tượng hơn khi trải nghiệm game nguyên bản không có màn hình chờ tải dữ liệu như thường thấy trong những tựa game cùng thời. Theo tìm hiểu của tôi, nhà phát triển Crystal Dynamics khi đó đã sử dụng kỹ thuật stream dữ liệu trực tiếp nhằm mang đến trải nghiệm liền mạch, không bị ngắt quãng bởi màn hình chờ. Đó thật sự là một thành tựu kỹ thuật nếu bạn biết công nghệ ngày xưa có nhiều hạn chế như thế nào với tốc độ đọc rất chậm của đĩa CD.
Với thiết kế game đặc trưng, phần lớn thời lượng chơi của Legacy of Kain: Soul Reaver 1&2 Remastered là nát óc giải đố như bạn có thể đoán được. Tuy khía cạnh này thật sự hấp dẫn và đa dạng, đòi hỏi người chơi phải biết khi nào cần chuyển realm nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Một trong số đó là nhà phát triển lạm dụng nhiều câu đố xoay quanh cơ chế di chuyển khối vuông, đã lề mề lại còn tốn rất nhiều thời gian ngay cả khi bạn tìm được phương án giải đố.
Sự hạn chế trong thiết kế nói trên dù là vì giới hạn phần cứng hay công nghệ ở thời điểm đó, ít nhiều cũng tạo nên cảm giác khó chịu khi trải nghiệm game. Đã vậy, phần chơi đầu tiên trong Legacy of Kain: Soul Reaver 1&2 Remastered còn có những thiết kế cũ kỹ gây ức chế. Chẳng hạn khi Raziel thiệt mạng, người chơi phải bắt đầu lại trải nghiệm từ đầu game bất kể bạn đã có cuộc hành trình xa đến đâu. Điều bực bội này cũng áp dụng với cơ chế save game của trò chơi.
Nghĩa là dù bạn save game ở đâu thì khi load game, trò chơi cũng đưa Raziel khởi hành từ nơi bắt đầu. Tuy Legacy of Kain: Soul Reaver có các Warp Gate cho phép dịch chuyển nhanh đến các địa điểm khác nhau của trải nghiệm, nhưng chúng đều khá hạn chế. Điều đó cũng đồng nghĩa người chơi không thể tránh khỏi việc phải đi lại một phần hay từ đầu một màn chơi. Thiết kế khó hiểu này gây ức chế vì trò chơi thường bắt bạn vòng đi vòng về các khu vực cũ khá thường xuyên.
Soul Reaver 2 có sự cải thiện điểm trừ thiết kế vô cùng khó chịu này với hệ thống checkpoint. Trò chơi cũng có sự đa dạng hóa lối chơi, tập trung vào các câu đố liên quan đến sức mạnh nguyên tố được mở khóa trong suốt trải nghiệm game. Một số câu đố khá phức tạp và vô cùng hack não cũng góp phần mang đến trải nghiệm giải đố thỏa mãn và thử thách hơn. Tuy nhiên, hậu bản này không tăng cường yếu tố hành động mà vẫn nặng cảm giác giải đố như phần chơi trước.
Nói vậy không có nghĩa chiến đấu trong Legacy of Kain: Soul Reaver 1&2 Remastered kém hấp dẫn mà thật ra ngược lại. Những kẻ thù Raziel phải đối mặt không thể tiêu diệt bằng cách thông thường. Bạn chỉ có thể dùng vũ khí thu thập được xiên chúng hoặc ném vào yếu tố môi trường trong màn chơi như nước hay ánh sáng từ Material Realm để tiễn chúng lên đường. Nếu không, kẻ thù sẽ hồi sinh sau một khoảng thời gian nhất định và tiếp tục ám bạn.
So với các phần chơi nguyên bản, Legacy of Kain: Soul Reaver 1&2 Remastered có sự đại tu không chỉ khía cạnh nghe nhìn mà còn được bổ sung một số tinh chỉnh. Đáng chú ý nhất là khả năng điều khiển camera tự do hơn. Cơ chế điều khiển cũng được hiện đại hóa, nhưng nhà phát triển vẫn có tùy chỉnh có lẽ dành cho những người chơi “9 người 10 ý” thích hoặc không thích cảm giác trải nghiệm hoài cổ. Một tính năng mới cũng đáng chú ý không kém là la bàn.
Trong nguyên bản không có la bàn cũng như minimap như thiết kế game thường thấy ở thập niên 90, khiến việc di chuyển và tìm đường nhiều lúc rất khó khăn. Điều này đặc biệt đúng khi hạn chế phần cứng ngày xưa cũng như quy mô phát triển có thể dẫn tới thiết kế màn chơi nhìn hao hao nên rất khó định hướng. Tuy la bàn không thật sự hữu dụng trong trải nghiệm game như tôi kỳ vọng, nhưng đấy cũng là một cố gắng làm hài lòng người chơi mới của đội ngũ remaster.
Một tính năng được bổ sung mà tôi thấy rất vô dụng là bản đồ. Tính năng này giống như chỉ để giúp người chơi nhận biết phải dùng Warp Gate nào quay lại vị trí trải nghiệm ban đầu hoặc xác định vị trí hiện tại của nhân vật. Tuy nhiên đấy chỉ là quan điểm cá nhân, có thể nhiều người chơi khác sẽ tìm thấy sự hữu dụng của bản đồ và tận dụng nó tốt hơn tôi. Ngược lại, nâng cấp đáng chú ý nhất vẫn là khía cạnh hình ảnh với texture có độ phân giải cao và sắc nét hơn.
Cũng như Tomb Raider I-III Remastered Starring Lara Croft, đội ngũ Aspyr có sự nâng cấp rất nhiều cho khía cạnh đồ họa với các hiệu ứng ánh sáng và đổ bóng đẹp mắt. Mặc dù vậy, công tác remaster hình ảnh cũng để lại cảm nhận trái chiều tương tự bộ sưu tầm Tomb Raider nói trên. Đơn cử nhiều chi tiết như tạo hình Raziel và hoa văn trên khăn quàng cổ trông rất khác biệt. Đôi mắt của nhân vật chính cũng thay đổi màu sắc thấy rõ so với nguyên bản.
Một số vấn đề hình ảnh vẫn còn gây khó chịu như vũ khí của nhân vật thường bị xuyên qua sàn nhà, thậm chí trở nên tàng hình trong trải nghiệm game. Các hiệu ứng particle như lửa và nước nhìn xấu đau đớn. Có vẻ đội ngũ phát triển không có ý định chỉnh sửa lại cho đẹp trong bản remaster. Đặc biệt, người chơi hoàn toàn có thể trải nghiệm lẫn so sánh đồ họa cũ và remaster thông qua một nút bấm trong suốt trải nghiệm game bất kỳ lúc nào như bộ sưu tầm vừa đề cập.
Thế nhưng, nội dung đáng chú ý nhất trong Legacy of Kain: Soul Reaver 1&2 Remastered với những ai yêu mến “khảo cổ” như tôi có lẽ là Bonus Content. Như cái tên gợi ý, bạn có thể khám phá kho tàng lịch sử liên quan đến quá trình phát triển của hai tựa game kinh điển trong bộ sưu tầm này. Từ các tài liệu đưa bạn tìm hiểu lore về vùng đất Nosgoth cho đến các nội dung bị loại bỏ trong quá trình phát triển. Có cả thư viện ảnh và Music Player cho người chơi nghe OST nữa.
Sau cuối, Legacy of Kain: Soul Reaver 1&2 Remastered mang đến trải nghiệm phiêu lưu giải đố 2-trong-1 rất chất lượng. Bộ sưu tầm remaster này vừa duy trì được cảm giác hoài cổ cần thiết, vừa bổ sung và điều chỉnh một số yếu tố giúp hai tựa game kinh điển trở nên dễ tiếp cận hơn với thế hệ người chơi mới. Đó còn là sự kết hợp thú vị của cốt truyện hấp dẫn, xây dựng thế giới độc đáo cùng các cơ chế gameplay sáng tạo vào thời đó. Chỉ tiếc là bộ sưu tầm này không kèm theo Blood Omen: Legacy of Kain cho trọn vẹn.
Legacy of Kain: Soul Reaver 1&2 Remastered hiện có cho PC (Windows), Xbox Series X|S, PlayStation 5, PlayStation 4, Xbox One, Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox Series X.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!