Meltdown là tên gọi của lỗ hổng trong thiết kế chip, nên người dùng Chromebook cũng không là ngoại lệ bị ảnh hưởng.
Nếu bạn có sử dụng Chromebook và lo ngại về lỗ hổng bảo mật được gọi là Metldown trong thiết kế chip liệu có ảnh hưởng đến máy tính của bạn không, thì Google vừa cập nhật danh sách những thiết bị nào bị ảnh hưởng và thiết bị nào không trên Chromium Wiki. Xem danh sách tại đây.
Nếu thiết bị có tên trong bảng ghi Yes hoặc Not needed ở cột CVE-2017-5754 mitigations (KPTI) on M63? thì có nghĩa là thiết bị đó là an toàn. Nhưng nếu nó ghi No tức là bạn sẽ cần một bản cập nhật để vá lỗ hổng bảo mật này cho thiết bị của mình. Tuy nhiên, nếu nó ghi EoL (viết tắt của end-of-life có nghĩa là đã hết vòng đời, không còn được hỗ trợ) thì xin chia buồn với bạn vì chiếc Chromebook đó sẽ không bao giờ nhận được bản vá lỗi Meltdown quan trọng nói trên vì không còn được nhận hỗ trợ từ nhà sản xuất.
Dù một số chip ARM cũng bị ảnh hưởng nhưng lỗi Meltdown chủ yếu ảnh hưởng đến các vi xử lý của Intel. Theo danh sách này thì hầu hết các thiết bị sử dụng chip Intel do Google sản xuất đều đã được cập nhật bảo vệ người dùng. Những chiếc Chromebook sử dụng chip Intel đều thuộc diện an toàn nếu như nó sử dụng nhân Linux phiên bản 3.14 hoặc 4.4. Bạn có thể tự kiểm tra phiên bản Chrome OS bằng cách vào chrome://gpu và tìm dòng Operating System có ghi Version Information.
Trên thực tế, việc bảo vệ các thiết bị sử dụng chip dính lỗi Meltdown và thậm chí Spectre chỉ là một phần của cuộc chiến của các nhà phát triển phần mềm hệ điều hành. Vì lỗi thiết kế này nằm bên trong kiến trúc của các bộ vi xử lý thông dụng nhất thế giới, do cách thức mà chúng được thiết kế để xử lý các yêu cầu. Không chỉ riêng người dùng Chromebook mà người dùng Windows cũng đang rất đau đầu trước lỗi này, đặc biệt sau khi bản vá của Microsoft gây nhiều hệ lụy không mong muốn, thậm chí là suy giảm hiệu năng đáng kể trên các hệ thống chạy Windows 7 và 8.
Theo The Verge