Labyrinth of Zangetsu là game nhập vai sở hữu lối chơi khám phá hang động gây ấn tượng với phong cách đồ họa sumi-e. Sau thành công của series game Etrian Odyssey có cùng lối chơi, dòng game này đang phát triển nở rộ những năm gần đây. Chính vì thế, các nhà phát triển phải nghĩ thêm nhiều ý tưởng mới để tạo nét độc đáo riêng cho đứa con tinh thần của họ. Nếu như Labyrinth of Galleria: The Moon Society xây dựng hệ thống party rất khác biệt, Labyrinth of Zangetsu lại tạo phong cách riêng bằng đồ họa sumi-e.
Cốt truyện game diễn ra với thế giới chìm trong thảm họa gọi là ‘Ink of Ruin’ và làm tha hóa từ con người, sinh vật cho tới cả vùng đất. Loại mực này sinh ra những Ink Beast luôn muốn tận diệt loài người. Những người may mắn không bị tha hóa đã lập hội các Ink Warrior, chiến đấu với chúng để cứu lấy nhân loại. Mục tiêu của bạn là tiến vào những mê cung tạo nên từ thảm họa nói trên, dùng vũ lực đẩy lùi “mực tộc” khỏi thế giới khi chúng đang đe dọa đến vận mệnh của Ido, pháo đài cuối cùng của nhân loại.
Kỳ thực Labyrinth of Zangetsu sở hữu cốt truyện khá đơn giản, nhưng cách sử dụng từ ngữ trong game mang nhiều cảm giác đao to búa lớn. Điều này có thể gây khó chịu với không ít người chơi khó tính, cộng với mức độ thử thách hơi cao so với những game khác trên thị trường. Mặc dù vậy, trò chơi lại mang thiết kế gameplay có nhiều hạn chế khó chịu, khá giống series game kinh điển Wizardry hơn là những tựa game nhập vai khám phá hang động thời nay như Void Terrarium 2, thậm chí cũ hơn như Demon Gaze Extra.
Đáng chú ý, người chơi có thể tự tạo các Ink Warrior đi chinh chiến cho party hoặc sử dụng party do trò chơi tạo sẵn. Bạn có thể lập party gồm sáu nhân vật, chia thành hai mũi trước (front) và sau (rear) trong đội hình chiến đấu, mỗi mũi ba nhân vật. Như tiêu chuẩn thiết kế thông thường, vị trí ‘front’ dành cho các nhân vật “máu trâu” và gây sát thương lớn đến kẻ thù, trong khi ‘rear’ phù hợp với các nhân vật ít máu và có khả năng tấn công tầm xa. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của Labyrinth of Zangetsu là tính thử thách cao.
Điều này thể hiện ngay từ đầu trải nghiệm khi kẻ thù vẫn trơ ra sau vài lần bị cả đội hình của người chơi lao vào tấn công. Kỳ thực, độ khó của Labyrinth of Zangetsu khá bất nhất khi có thể bất ngờ tăng vọt, trong khi mức độ trừng phạt trong game khá cao. Cụ thể, người chơi chỉ có khoảng thời gian ngắn để cứu nhân vật cạn HP trước khi nhân vật tử vong. Để một nhân vật thiệt mạng cũng là gánh nặng không hề nhỏ khi bạn phải quay ngược về Ido và trả tiền cho NPC với hy vọng có thể hồi sinh được nhân vật hoặc… không.
Ngay cả khi bạn có rất nhiều tiền sen, điều vốn chẳng bao giờ xảy ra trong trải nghiệm Labyrinth of Zangetsu, cơ chế hồi sinh nhân vật của trò chơi cũng đủ khiến người chơi khóc thét vì có sự xuất hiện của tính ngẫu nhiên. Cụ thể, nếu NPC bỗng dưng không thể hồi sinh nhân vật thì bạn phải trả gấp đôi để thử lại lần nữa. Thế nhưng nếu lần thứ hai cũng thất bại, nhân vật đó lập tức trở thành bài ca xin là xin vĩnh biệt và không có bất kỳ cơ hội nào nữa. Bạn phải chấp nhận âm dương cách biệt với cảm giác ức chế không hề nhỏ.
Chưa hết, phép thuật Labyrinth of Zangetsu cũng có hạn mức như các game Final Fantasy kinh điển ngày xưa chứ không sử dụng thoải mái như thiết kế thời nay. Tính ngẫu nhiên cũng được đội ngũ phát triển cố tình thiết kế để “ám” người chơi trong gần như tất cả cơ chế gameplay. Đơn cử khi đụng độ với những kẻ thù thử thách có màu khói đỏ, bạn có thể nhận được không ít thì nhiều tiền sen hoặc chẳng cắc nào cả. Hên xui thì nhận được điểm kinh nghiệm để thăng cấp cho nhân vật hoặc thường xuyên nhất là rương báu.
Sở dĩ gọi hên xui khi nhận điểm kinh nghiệm vì đó là hành trình khá trắc trở và mang tính ngẫu nhiên để thăng cấp cho nhân vật. Về cơ bản, bạn chỉ có thể thăng cấp cho nhân vật khi thỏa hai điều kiện: thu thập đủ điểm kinh nghiệm và quay trở về Ido. Đó là chưa kể đôi lúc việc “thăng cấp” còn khiến chỉ số của nhân vật giảm thay vì tăng. Ức chế không kém là các rương báu đòi hỏi bạn phải mở từng cái một thông qua “tác động vật lý” của nhân vật điều khiển nhất định hoặc nhờ nhân vật thief “xử lý”.
Đó là vì mỗi lớp nhân vật đều có những kỹ năng đặc thù và Labyrinth of Zangetsu đòi hỏi bạn phải sử dụng các kỹ năng đó trong những trường hợp cụ thể, nếu không muốn mang vạ cho party. Trong trường hợp của rương báu thì bạn có thể dùng nhân vật thiên về “tác động vật lý” để mở rương, nhưng khả năng thành công rất thấp vì gần như rương nào cũng có bẫy mà chỉ có nhân vật thief mới có khả năng vô hiệu hóa và bẻ khóa. Tuy nhiên, ngay cả thief cũng chưa chắc “có cửa” thành công vì luôn có tỷ lệ thất bại xảy ra khiến nhân vật đăng xuất.
Và khi nhân vật “đăng xuất”, người chơi phải quay lại với hành trình hồi sinh đày ải kể trên. Tàn nhẫn nhất là khi thief may mắn bẻ khóa và vô hiệu hóa bẫy thành công, vật phẩm trong đó phải được thẩm định mới có thể sử dụng. Hành trình thẩm định tiếp tục quay lại với cơ chế ngẫu nhiên khi mỗi nhân vật đều có tỷ lệ thành bại trong giám định. Yếu tố hên xui trong trường hợp này có thể dễ dàng kích hoạt ‘rage quit mode’ của người chơi bất kỳ lúc nào mỗi khi ô mất lượt vô tình rơi vào trải nghiệm game của bạn.
Mặt khác, bạn cũng đừng trông đợi gì vào khía cạnh phát triển nhân vật vì Labyrinth of Zangetsu không có tính năng xa xỉ đó. Đã vậy, game có giao diện song ngữ nhìn hơi rối. Các nhân vật cũng không được lồng tiếng. Nhạc nền thì đơn giản. Các khía cạnh này không có sự cộng hưởng với cảm giác trải nghiệm cũng như bầu không khí của trò chơi, ít nhiều làm giảm sự hào hứng của người viết ngay cả khi bỏ qua hàng loạt yếu tố ngẫu nhiên đầy ức chế kể trên. Đáng nói, thiết kế cũ kỹ khiến tính chiến thuật trong game không cao.
Khá đáng tiếc khi những khía cạnh này không được nhà phát triển chăm chút tương xứng với đồ họa độc đáo của trò chơi. Đây dường như là tác phong làm game của nhà phát triển Acquire từ xưa đến nay. Trước đó, tựa game Kamiwaza: Way of the Thief với lối chơi phiêu lưu hành động lén lút kinh điển cũng có vài vấn đề tương tự, chủ yếu tập trung vào yếu tố nào đó thay vì xây dựng trải nghiệm game hài hòa và cân bằng mọi khía cạnh. Labyrinth of Zangetsu cũng không hề ngoại lệ với đồ họa độc đáo và lối chơi nặng tính thử thách.
Sau cuối, Labyrinth of Zangetsu mang đến một trải nghiệm khám phá hang động khá hào hứng nhưng không dành cho số đông. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là phong cách đồ họa mang đậm dấu ấn riêng, nhưng lối chơi nặng cảm giác “hành xác” khiến nó chỉ phù hợp với những người chơi hardcore của thể loại này.
Labyrinth of Zangetsu hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!