Labyrinth of Galleria: The Moon Society là game nhập vai với lối chơi khám phá hầm ngục đầy hào hứng, dù ít cần tới yếu tố roguelike trong xây dựng màn chơi như thường thấy. Đội ngũ phát triển Nippon Ichi Software rất khéo léo khi xây dựng cơ chế gameplay có tính tưởng thưởng cao, khuyến khích người chơi khám phá và thử nghiệm tùy biến nhân vật cho trải nghiệm chiến đấu. Đó là chưa kể cốt truyện không hoàn toàn tuyến tính mà chuyển biến theo những lựa chọn lời thoại của người chơi.
Ở góc độ người chơi, đó là những thiết kế thú vị bù đắp cho lối chơi đặc trưng thường mang nặng tính lặp lại và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn của dòng game nhập vai khám phá hầm ngục nói chung. Labyrinth of Galleria: The Moon Society giải quyết vấn đề này khá tốt với câu chuyện kể và dàn nhân vật dễ thương. Người chơi nhập vai cô gái Eureka đến nhận công việc tìm đồ thất lạc theo quảng cáo. Mặc dù công việc đúng như mô tả nhưng mà nó lạ lắm, không phải tìm đồ bị mất thông thường mà là những cổ vật gọi là Curios.
Đáng nói, vị trí thất lạc của chúng cũng không phải địa điểm bình thường mà ở trong tủ đồ thần kỳ, người bình thường không thể bước vào. Eureka phải tạo ra những con rối và dùng chúng để tham gia khám phá cũng như chiến đấu bên trong chiếc tủ đồ nói trên. Tuy Labyrinth of Galleria: The Moon Society có nhịp độ chơi khá chậm nhưng điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng “phá” hầm ngục của bạn. Trải nghiệm game càng hào hứng hơn khi người chơi mở khóa thêm hầm ngục mới nhưng nói dễ hơn làm.
Lối chơi của Labyrinth of Galleria: The Moon Society mang nặng cảm giác thử sai khi mọi hầm ngục đều có rất nhiều lối đi và những cạm bẫy ngăn cản bước tiến của bạn. Đáng nói, do màn chơi không được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán nên người chơi thường phải khám phá đi khám phá lại cùng một khu vực nhiều lần. Tuy vậy, mỗi lần như thế cũng có những yếu tố mới mẻ, chẳng hạn thay đổi địa hình để tiếp cận những lối đi mới mà trước đó bị chặn. Mục tiêu của bạn chủ yếu xoay quanh việc mở rộng yếu tố khám phá chính hầm ngục đó.
Vấn đề ở chỗ, do thiết kế mỗi hầm ngục đều cố định và không thay đổi, nên phần lớn trải nghiệm thường khó tránh khỏi lối chơi thử sai trong cả khía cạnh khám phá lẫn chiến đấu. Chẳng hạn trong hầm ngục đầu tiên, người viết lần lượt bị rơi xuống vực và đụng độ với kẻ thù quá mạnh dẫn đến thất bại toàn tập. Tuy nhiên, đây là một phần của trải nghiệm game. Bạn phải thực hiện nhiều chuyến phiêu lưu như thế, điều chỉnh đội hình party và nâng cấp các thứ cũng như giải đố để chuyến sau thành công hơn chuyến đi trước.
Quá trình này tiếp tục lặp lại đến khi bạn “phá” hầm ngục thành công và cứ thế tiếp diễn với hầm ngục mới. Đáng chú ý, trải nghiệm Labyrinth of Galleria: The Moon Society ít có tính cầm tay chỉ việc mà người chơi phải tự lực cánh sinh trong phần lớn trải nghiệm. Yếu tố môi trường trong màn chơi thường chỉ có vài gợi ý nhỏ và không hiếm lần mang tính đánh đố. Thiết kế này nhiều lần khiến người viết lang thang trong hầm ngục đến thuộc nằm lòng lối đi mà vẫn chưa tìm được ánh sáng cuối đường.
Mặt khác, thiết kế gây không ít ức chế nói trên cũng đồng thời mang đến cảm giác đầy hào hứng và thỏa mãn một khi bạn tìm được lối đi mới. Cảm giác đó rất khó diễn tả bằng lời, nhưng chắc chắn là một phần của trải nghiệm game. Không những thế, Labyrinth of Galleria: The Moon Society cũng không quá nặng tính trừng phạt người chơi. Khi mắc nhiều sai lầm liên tiếp, bạn chỉ buộc phải quay lại khám phá từ đầu hầm ngục. Tất nhiên phải đánh đổi bằng HP và MP của party để bắt đầu chuyến phiêu lưu mới từ kinh nghiệm vừa tích lũy.
Các hầm ngục trong Labyrinth of Galleria: The Moon Society được thiết kế để người chơi phải hoàn thành đủ yêu cầu nhiệm vụ để “phá ngục”. Những yêu cầu này được thể hiện bằng biểu tượng hình dấu chấm cảm trên bản đồ. Đôi khi đó là yêu cầu bạn tìm kho báu gì đó dựa trên những manh mối rất nhỏ trên môi trường màn chơi. Hoàn thành những nhiệm vụ này hoặc đụng chướng ngại vật mới không thể giải quyết, người chơi phải thực hiện báo cáo tình hình thông qua tính năng Witch’s Report để thúc đẩy cốt truyện tiếp diễn.
Người viết còn chưa đề cập số lượng tutorial trong Labyrinth of Galleria: The Moon Society rất nhiều và có thể khiến người chơi mới cảm thấy choáng ngộp. Tuy vậy, không thể phủ nhận mật độ các hướng dẫn cơ bản này cũng khá hợp lý đối với người chơi thể loại Dungeon RPG lâu năm như tôi, dù người viết vẫn cảm thấy số lượng tutorial nhiều hơn phần lớn game trên thị trường. Vấn đề ở chỗ, nếu là người chơi thiếu kiên nhẫn thì trò chơi nói riêng và dòng game này nói chung khó lòng là trải nghiệm dành cho bạn.
Không như các game khám phá hầm ngục khác, Labyrinth of Galleria: The Moon Society xây dựng hệ thống party rất khác biệt, không phải 5 nhân vật mà là 5 nhóm nhân vật tham gia vào trận chiến. Mỗi nhóm nhân vật được gọi là coven và gồm 3 nhân vật, hay nói cách khác có đến 15 nhân vật cùng tham chiến. Tuy nhiên, đó là chưa tính số lượng nhân vật hỗ trợ bên cạnh 15 nhân vật nói trên. Sương sương cũng đến 40 nhân vật đóng vai trò khác nhau trong trận chiến, tạo nên hệ thống chiến đấu vô cùng phức tạp và đòi hỏi quản lý vi mô chi li.
Mỗi coven sẽ mang chỉ số của các nhân vật theo công thức nhất định và chỉ số này có tác động đến khả năng chiến đấu của nhân vật trong nhóm đó. Chẳng hạn, bạn có thể gom các nhân vật pháp sư vào chung coven để tăng khả năng sử dụng các phép thuật “cao cấp” và mang đến lợi thế cao hơn trong trận chiến. Từng coven đều có thể thiết lập đứng vị trí tiền tuyến hay “núp bóng đồng đội” với ưu và khuyết điểm riêng. Nhóm vanguard đầu chiến tuyến nhận sát thương cao hơn trong khi nhóm rearguard đứng sau khó bị tấn công hơn. Tất cả đều là chiến thuật.
Người chơi không chỉ chú ý đến kỹ năng và trang bị của từng nhân vật như thường thấy, bạn còn phải tính đến yếu tố chiến lược khi xây dựng các coven từ số lượng nhân vật cho đến kỹ năng. Không phải coven nào cũng phù hợp làm đội tiên phong và ngược lại. Đặc biệt, người chơi còn có thể cho nhân vật “đầu thai” để tạo nhân vật có chức nghiệp mới, nhưng vẫn giữ lại các kỹ năng của chức nghiệp cũ. Cơ chế này giúp bạn có được party trong mơ, nhưng tốn rất nhiều thời gian cày cuốc nhân vật tương tự Disgaea 6: Defiance of Destiny.
Kỳ thực, hệ thống nhân vật trong Labyrinth of Galleria: The Moon Society cực kỳ phức tạp và đòi hỏi bạn phải dành nhiều thời gian quản lý. Dù vậy, người chơi cũng có thể sử dụng tùy chọn “tự động tối ưu” để giải quyết vấn đề vi mô thay vì phải quản lý thủ công. Trong phần lớn trường hợp, tính năng này hoạt động rất tốt khi quán xuyến công việc cho người chơi khá nhiều. Thế nhưng, nó không thể thay thế hoàn toàn yếu tố con người trong xây dựng chiến thuật chiến đấu cho party thông qua khả năng tùy biến nhân vật và coven trong game.
Hào hứng là thế nhưng Labyrinth of Galleria: The Moon Society bắt đầu có dấu hiệu hụt chân từ nửa sau trải nghiệm, chủ yếu do một số thay đổi trong xây dựng màn chơi. Cụ thể, những hầm ngục sau này không mang thiết kế cố định mà có các tầng được phát sinh ngẫu nhiên xen kẽ với số lượng vượt trội, vô tình làm mất đi yếu tố độc đáo ban đầu mà đội ngũ phát triển xây dựng rất tốt. Thời điểm này, cốt truyện của trò chơi cũng có sự thăng trầm bất thường nhưng nếu bạn vẫn tiếp tục kiên nhẫn, khía cạnh này lại tiếp tục hào hứng không lâu sau đó.
Sau cuối, mang đến một trải nghiệm nhập vai khám phá hầm ngục rất hào hứng với cơ chế gameplay phức tạp và hấp dẫn. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là mở khóa ‘true ending’ đòi hỏi bạn phải tốn không ít thời gian cày cuốc, dù khá tương xứng với công sức bỏ ra. Trò chơi cũng khá thân thiện với người chơi mới khi cầm tay chỉ việc vừa đủ đến khi bạn có thể tự thân vận động, tuy số lượng tutorial quá nhiều có thể gây phản ứng ngược. Nếu yêu thích thể loại này, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong thư viện game.
Labyrinth of Galleria: The Moon Society hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!