Kwaidan ~Azuma manor story~ là tựa game khá độc đáo khi kết hợp giữa thể loại phiêu lưu hành động 3D và giải đố point and click, tạo nên một trải nghiệm hoài cổ tuyệt vời.
Kwaidan ~Azuma manor story~ lấy bối cảnh hư cấu tại Nhật Bản vào những năm 1930 thời Thiên hoàng Chiêu Hòa. Nhân vật của người chơi là “thánh nữ” Haruka đang trong giai đoạn khổ luyện để trở thành “dũng sĩ diệt quỷ” được thiên hạ gọi là Horoshi. Trong một buổi tập luyện như thường lệ, chằn tinh bất ngờ xuất hiện và biến sư phụ Shiro thành “hoàng tử ếch”, đe dọa sẽ mang diệt vong cho cả thế giới. Để cứu lấy sư phụ, Haruka không còn lựa chọn nào khác là quay trở lại trang viên Azuma chiến đấu cùng lũ Yoki, cứu lấy mọi người ở nơi này và trên hết là tìm cách tiêu diệt chằn tinh, mang về cuộc sống yên bình cho tất cả.
Mặc dù Kwaidan trong tiếng Nhật có nghĩa là truyện ma, nhưng nếu muốn tìm một trải nghiệm đáng sợ khiến tim bạn đập loạn nhịp với những màn jump-scare, đây chắc chắn không phải là thứ mà bạn tìm kiếm. Trò chơi không khai thác khía cạnh hù dọa khiến người chơi “rụng tim”, mà chỉ sử dụng một số yếu tố truyền thuyết dân gian trong văn hóa đất nước mặt trời mọc cho ý tưởng nội dung. Thay vào đó, trải nghiệm game tập trung vào lối chơi mang nhiều cảm giác của dòng game kinh dị sinh tồn kinh điển Resident Evil ngày xưa, kết hợp khá độc đáo cùng yếu tố point and click trong gameplay để tạo dấu ấn riêng. Ở góc độ người chơi, ý tưởng này đã được nhà phát triển xây dựng thành công, nhưng không phải không có hạn chế của nó.
Kỳ thực, đây là bước đi khá táo bạo nhưng đầy sáng tạo của nhà phát triển gudouan. Yếu tố point and click tạo nên sự khác biệt trong trải nghiệm Kwaidan ~Azuma manor story~, mang đến những màn giải đố khá bất ngờ và thú vị, đòi hỏi sự tương tác và quan sát cẩn thận của người chơi. Không những thế, hệ thống chiến đấu cận chiến thay cho súng đạn như Daymare: 1998 hay Heaven Dust cũng để lại cho tôi cảm giác khá mới mẻ. Tùy vào kẻ thù mà bạn phải chuyển qua lại giữa ba vũ khí chiến đấu: cây kích (naginata) cho tầm ngang, gamatama cho tầm thấp và kính chiếu yêu cho tầm cao. Dù có sự pha trộn khá độc đáo, nhưng tựa game đầu tay của nhà phát triển gudouan vẫn mang nhiều cảm giác hoài cổ như Resident Evil kinh điển ngày xưa.
Một trong những yếu tố tinh tế mang đến cảm giác đó là âm thanh khi người chơi mở cửa và tiếng sập cửa tải dữ liệu, gợi nhớ đến những tựa game Resident Evil kinh điển. Tương tự, hành trang vô cùng giới hạn đòi hỏi người chơi phải tính toán để không bị ảnh hưởng đến khả năng giải đố và tương tác của nhân vật. Số lần save game cũng rất hạn chế. Điểm khác biệt lớn nhất là Kwaidan ~Azuma manor story~ không có tính năng kết hợp các món đồ với nhau mà có xu hướng đơn giản hóa vật phẩm chỉ có giá trị sử dụng một lần. Thú vị là lựa chọn Origin và Modern lần lượt dành cho những ai thích cảm giác hoài cổ thuần túy và trải nghiệm “hại điện” ngày nay hơn, áp dụng cho cả yếu tố đồ họa và điều khiển nhân vật.
Về cơ bản, lựa chọn Origin hệt như thiết lập điều khiển của Resident Evil phát hành trên PlayStation lần đầu khi chưa có tay cầm DualShock. Đó là cái cảm giác điều khiển khá vụng về ngày xưa của một tượng đài game kinh dị sinh tồn, đòi hỏi bạn phải xoay hướng đi của nhân vật bằng dãy nút dpad trước khi có thể di chuyển tiến tới hoặc lùi. Do không quen và một phần do dãy nút dpad “cùi bắp” đặc trưng của tay cầm Xbox 360 thường gây tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, nên tôi chọn phần điều khiển Modern đơn giản và dễ điều khiển hơn với cần analog. Tuy nhiên, thiết lập này đi kèm với nền đồ họa cel-shade khiến tôi không thích bằng đồ họa retro của Origin.
Vấn đề ở chỗ, Kwaidan ~Azuma manor story~ chỉ cho phép người chơi chọn theo thiết lập sẵn của nhà phát triển, bạn không thể thay đổi riêng biệt cơ chế điều khiển và nền đồ họa theo kiểu “râu ông này cắm cằm bà kia”. Giao diện game cũng vậy, nhìn khá đơn giản nhưng lại phức tạp khi tương tác bằng tay cầm, cảm giác như chỉ mô phỏng lại thao tác di chuột vậy. Trò chơi cũng không có bất kỳ mục thiết lập nào về hình ảnh hay âm thanh như thường thấy. Thậm chí cũng không có menu tạm dừng hay thoát game, tạo cảm giác thiếu chăm chút. Điều này chắc chắn là một điểm trừ không nhỏ với nhiều người chơi không biết tổ hợp phím Alt+F4. Bù lại, trải nghiệm khá trau chuốt khi xét đây là tựa game đầu tay của gudouan.
Bạn sẽ càng bất ngờ hơn khi biết trừ sáng tác nhạc, nhà phát triển này đã làm tất cả mọi thứ. Nhìn chuyển động nhân vật khá thanh thoát, tôi thậm chí không nghĩ đây là sản phẩm đầu tay của gudouan. Ngay cả tạo hình kẻ thù tuy không quá đa dạng, nhưng có sự phân loại rõ ràng và khác biệt rõ nét về chiến thuật chiến đấu. Chỉ tiếc là số lượng boss trong Kwaidan ~Azuma manor story~ rất ít và được tái sử dụng lại khiến tôi có đôi chút thất vọng. Ngược lại, yếu tố giải đố trong game lại xây dựng rất thú vị, sáng tạo và không kém phần thử thách. Hầu hết đều đòi hỏi người chơi phải có sự quan sát tinh tế và đầu óc nhạy bén, nhất là khoảng nửa sau trải nghiệm khi bạn học được “kỹ năng giải đố” mới.
Đây cũng là điểm cộng lớn nhất trong thiết kế gameplay của Kwaidan ~Azuma manor story~. Dù vậy, vẫn có tình trạng một số phân đoạn xử lý chưa tốt, chẳng hạn như góc nhìn camera cố định đôi khi khiến bạn không nhìn thấy kẻ thù đang tiếp cận nếu không chú ý âm thanh tiếng động. Vấn đề này kết hợp với tương tác sử dụng con trỏ được điều khiển bằng cần analog phải thường khiến tôi nhầm lẫn thao tác, dễ dẫn đến những tình huống chiến đấu bất công. Chẳng hạn khó hình dung khoảng cách của kẻ thù là bao xa để chuẩn bị tấn công. Chưa kể, mỗi loại kẻ thù chỉ có thể tiêu diệt bằng một trong ba loại vũ khí nhất định nhưng nếu không cẩn thận, người chơi có thể tự đẩy nhân vật vào tình huống bị dồn góc với ba loại kẻ thù khác nhau.
Đáng nói, trường hợp này đồng nghĩa với việc bạn phải sử dụng cả ba loại vũ khí của Haruka để đối phó. Mặc dù tình huống này rất hiếm xảy ra trong suốt trải nghiệm, nhưng nếu có cũng thường do sự bất cẩn của người chơi nên tôi không xem là điểm trừ. Về cơ bản, Kwaidan ~Azuma manor story~ có nhịp độ chơi khá chậm rãi, mang nhiều thiết kế old-school, đòi hỏi sự cẩn thận và phản ứng nhanh nhạy trước tình huống thay vì lăn xả chiến đấu như game hành động. Nếu không chú ý điều này, trải nghiệm game có thể trở nên vô cùng ức chế với không ít người chơi bất cẩn. Bản thân người viết từng là một trong những nạn nhân đó ở thời điểm ban đầu vì cái tội nhanh nhảu đoảng đó thôi.
Sau cuối, Kwaidan ~Azuma manor story~ mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động kết hợp giải đố point and click khá độc đáo. Dù là “đứa con đầu lòng” của nhà phát triển, nhưng trò chơi vẫn giành điểm cộng lớn nhất ở khía cạnh gameplay được chăm chút cẩn thận. Tuy vẫn có vài vấn đề nhỏ trong thiết kế giao diện quá đơn giản, nhưng những khía cạnh còn lại đều là điểm cộng đáng chú ý so với những gì mà trò chơi mang đến. Nếu muốn tìm lại cảm giác hoài cổ giữa muôn vàn trải nghiệm game được thiết kế hiện đại ngày nay, đây chắc chắn là cái tên hiếm hoi phải có trong thư viện game của bạn.
Kwaidan ~Azuma manor story~ được phát hành cho PC (Windows) và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác