Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa là tựa game visual novel với đề tài về những câu chuyện truyền thuyết đô thị khá thú vị, kết hợp cùng lối chơi match-3 quen thuộc với biến tấu hấp dẫn.
Dù không nhiều bằng các thể loại khác, nhưng dòng game visual novel từ trước đến nay vẫn luôn có một lượng người chơi yêu thích sau vài năm phát triển mạnh. Đây là thể loại được đánh giá là dễ tiếp cận với hầu hết những ai có khả năng đọc tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, trong đó người chơi chỉ xem câu chuyện được kể lại qua những lời thoại, suy nghĩ của nhân vật và đưa ra những quyết định có thể dẫn đến những kết cục khác biệt sau khi trải nghiệm kết thúc. Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa là một tựa game như thế hay chính xác hơn là gần như vậy.
Trò chơi lấy bối cảnh tại học viện Fujisawa, với nhân vật chính do người chơi tùy biến họ tên và giới tính. Mặc dù game không nói rõ nhưng nhân vật của người chơi đã thực hiện giao kết với quỷ dưới hình hài một bé mèo vô số tội mà chỉ có nhân vật của người chơi mới nhìn thấy. Với siêu năng lực có được, người chơi có thể lột trần sự thật từ những lời dối trá của các nhân vật khác thông qua minigame kiểu match-3 Fantasize, với một số biến tấu thú vị. Đó cũng là một phần trong cơ chế gameplay mà Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa mang đến trong trải nghiệm.
Lấy đề tài điều tra và thu thập thông tin, không có gì lạ khi nội dung của Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa khá cuốn hút, ít nhất là với những ai thích những câu chuyện bí ẩn kiểu “tam sao thất bản” này. Tuy nhiên, nếu không thuộc loại người yêu thích đề tài nói trên, tựa game này có lẽ không phù hợp với bạn vì mọi thứ đều xoay quanh những câu chuyện truyền miệng phải điều tra. Nhiệm vụ chủ yếu của người chơi là thu thập thông tin bằng cách trò chuyện với các nhân vật khác, di chuyển qua các địa điểm khác nhau trong học viện Fujisawa để tiếp tục lặp lại thao tác này đến khi thu thập được thông tin cần thiết.
Ban đầu, Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa có lối chơi khá tuyến tính với phần lớn các lựa chọn là duy nhất khiến tôi khá ngạc nhiên. Mãi đến khi trải nghiệm đến “điểm dừng” đầu tiên, tôi mới bắt đầu hiểu ra vì sao trò chơi lại có thiết kế kỳ cục như vậy. Vì yếu tố này có liên quan đến nội dung nên tôi không tiết lộ mà để dành cho bạn trải nghiệm. Thú vị là cách thiết kế này khiến tự bản thân trò chơi đã có giá trị chơi lại khá cao một cách “hợp pháp”, đi kèm với đó là thiết kế các nhân vật “mỗi người một vẻ” với cá tính riêng rất khác biệt.
Thông qua việc tìm hiểu và điều tra các câu chuyện truyền miệng được thêu dệt nói trên, người chơi sẽ dần làm quen với nhiều nhân vật khác nhau trong những tình huống khá đời thường. Ai ai cũng có bí mật thầm kín và người chơi phải dẫn dắt tình huống thông qua các câu trả lời, đẩy nhân vật vào thế buộc phải né tránh sự thật. Đây là lúc trải nghiệm match-3 lên ngôi với biến tấu thú vị. Về cơ bản, bạn vẫn nhập các viên ngọc cùng màu sắc lại với nhau để làm chúng tan biến, nhưng thay vì đảo vị trí như phần lớn những tựa game thuộc thể loại match-3, thao tác chạm vào sẽ khiến chúng nhảy lên đầu cột.
Thiết kế này buộc người chơi phải động não một chút trước khi quyết định chạm vào viên ngọc nào. Khi đạt đủ combo cần thiết thì phần chơi này sẽ kết thúc và quay trở lại trải nghiệm visual novel. Cá nhân tôi thấy biến tấu này mang đến những màn chơi match-3 thú vị và khó hơn bình thường. Chưa kể, người chơi chỉ có một số lượng lượt chơi nhất định, nếu bạn không tạo dựng đủ combo để kiếm thêm số lượt chơi thưởng hoặc thử vận may với thử thách cù lét, minigame này sẽ kết thúc ngay khi hết lượt chơi và quay trở lại màn hình chính. Muốn tiếp tục trải nghiệm, bạn phải chơi lại từ save game gần nhất.
Mặc dù đây là một thiết kế quen thuộc trong bất kỳ tựa game visual novel nào, tuy nhiên tôi nghĩ sẽ đỡ mất thời gian của người chơi hơn nếu thay vì đưa về màn hình menu chính, nhà phát triển thiết kế để cho phép bạn chơi lại ngay trận thua Fantasize nói trên. Những lần chơi minigame này kỳ thực không quá khó ở thời điểm ban đầu nhưng càng về sau, độ khó càng tăng thêm không nhỏ nhất là những chapter cuối, đòi hỏi số lượng combo rất nhiều để qua được mỗi giai đoạn. Điều này có thể khiến bạn phải chơi đi chơi lại vài lần một phân đoạn “lột trần sự thật” nào đó khá mệt mỏi.
Mặt khác, tôi có cảm giác nhà phát triển có vẻ muốn tập trung vào minigame hơn là yếu tố visual novel khi không cho phép bạn bỏ qua phần chơi này. Với những ai quan tâm đến nội dung hấp dẫn trong Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa mà không muốn động não, bạn sẽ gặp không ít phiền phức với nó. Đành rằng không thể phủ nhận Fantasize chiếm một phần không nhỏ trong việc thu hút một số đối tượng người chơi vì đúng kiểu fanservice, nhưng việc không cho người chơi lựa chọn bỏ qua khiến trải nghiệm mang cảm giác gián đoạn khá khó chịu nếu phần tập trung của bạn là tuyến nội dung.
Ở góc độ người chơi, tôi bị sự hấp dẫn của tuyến truyện gợi nhiều tò mò hơn. Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa mang đến một số khoảnh khắc khá ấn tượng khi chạm vào một số chủ đề hiếm khi được khai thác vì nhiều lý do. Ẩn sâu trong đó là một phong cách đồ họa tươi sáng, nhiều màu sắc và dễ khiến bạn lầm tưởng cho đến khi sự thật dần phơi bày. Tuy nhiên, tôi có cảm giác nhà phát triển chọn lối đi an toàn khi quyết định không đào sâu vào một số nội dung trong bảy câu chuyện của game, dù một số phân đoạn cho thấy họ cũng đã vượt qua giới hạn an toàn. Với tôi, đây là một điều khá đáng tiếc.
Với lối chơi visual novel đặc trưng, hiển nhiên Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa vẫn “lấy lòng” người chơi với các nhân vật anime giống như bao tựa game cùng thể loại khác như Song of Memories. Thiết kế nhân vật đều có sự khác biệt khá rõ nét, mang đậm tính cách của nhân vật đó thông qua lời nói và tạo hình. Đây là một điểm cộng đáng khen khiến tôi nhớ đến game Our World is Ended. cũng từng làm rất tốt điểm này. Chỉ tiếc là do bối cảnh học đường đặc trưng, nên ngoài bộ đồng phục thủy thủ quen thuộc của nữ sinh Nhật Bản, các nhân vật không có nhiều trang phục như tôi mong đợi nếu không tính Fantasize.
Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa là cách thiết kế của game gần như buộc bạn phải chơi đi chơi lại để mở ra thông tin mới. Điều đó đồng nghĩa với việc phải tham gia lại vào những màn chơi Fantasize mà không phải ai cũng hào hứng trải nghiệm. Đành rằng nhà phát triển đã có nhiều biến tấu để tạo nên lối chơi match-3 mới mẻ hơn, nhưng việc không thể bỏ qua các phân đoạn này khiến phần trải nghiệm nội dung bị gián đoạn, là điều mà tôi không muốn thấy ở những tựa game visual novel vốn có lối chơi khá đặc trưng này. Không may là nhà phát triển lại không nghĩ giống như tôi.
Sau cuối, Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa mang đến một trải nghiệm visual novel khá thú vị không chỉ ở nội dung gây nhiều tò mò, mà cả minigame cũng cuốn hút đối với một số đối tượng người chơi. Tuy nhiên, đây cũng đồng thời là điểm yếu lớn nhất của trò chơi vì không phải ai cũng yêu thích Fantasize, đặc biệt khi nó làm gián đoạn việc theo dõi cốt truyện chính vốn chiếm vị trí quan trọng trong bất kỳ trải nghiệm visual novel của người chơi. Dù vậy, nếu yêu thích thể loại này thì tựa game này vẫn là một cái tên rất đáng chú ý, trừ khi bạn thuộc kiểu người chơi visual novel kinh điển, chỉ đọc và nhấn nút chứ không muốn động não.
Kotodama: The 7 Mysteries of Fujisawa được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!