Killsquad có giai đoạn hoàn thiện Early Access khá tốt, nhưng khi phát hành chính thức thì game hơi đuối với lối chơi nặng tính lặp lại, dù mọi thứ vẫn mang cảm giác tương đối chỉn chu hơn. So với thời điểm Early Access, đội ngũ phát triển Novarama bỏ khá nhiều công sức để giải quyết vấn đề cân bằng giữa các nhân vật. Số lượng nhân vật điều khiển cũng tăng thêm một, nhưng khía cạnh mỹ thuật trong thiết kế nhân vật lại không có yếu tố cải thiện cần thiết. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi trước đó là nhạc nền cũng không có sự đầu tư để bổ trợ cảm xúc cho trải nghiệm game.
Killsquad không có cốt truyện cụ thể mà trải nghiệm game được chia thành các nhiệm vụ. Người chơi chọn nhân vật, nhận nhiệm vụ, hoàn thành yêu cầu được giao và thu thập chiến lợi phẩm. Hầu hết chiến lợi phẩm trong màn chơi xoay quanh tiền và tài nguyên nâng cấp. Trong khi đó, trang bị kiếm được từ việc hoàn thành các yêu cầu săn thưởng và những thử thách nhất định của nhiệm vụ. Thật sự dù là co-op với bạn bè hay solo, thiết kế này có phần phù hợp trải nghiệm thời lượng ngắn trên những máy chơi game cầm tay hơn là các thế hệ console to và nặng, đặt cố định ở góc phòng.
Tuy nhiên, trải nghiệm solo vẫn để lại cho người viết nhiều cảm giác lẫn lộn, chủ yếu vì Killsquad được thiết kế dành cho lối chơi co-op 4 người. Nói đơn giản là càng đông càng vui. Nguyên nhân là khi cùng hợp đồng tác chiến, khuyết điểm của mỗi nhân vật đều được đồng đội hỗ trợ bằng khuyết điểm của nhân vật khác. Nếu chơi solo, bạn phải tự lực cánh sinh bù đắp cho điểm yếu của nhân vật. Không những vậy, thiết kế màn chơi tái sử dụng asset khá nhiều nên dù đa dạng và màu mè, cảm giác môi trường nhìn cứ hao hao nhau rất nhanh chóng xuất hiện trong trải nghiệm về sau.
Lối chơi cốt lõi của Killsquad gợi nhớ tôi đến Contra: Rogue Corps nhưng với đồ họa đẹp hơn một chút, đồng thời màu mè hơn rất nhiều so với “đứa con rơi Contra” của Konami. Nói thế không có nghĩa đó là điểm cộng mà thật ra là điểm trừ ở góc độ thiết kế màn chơi. Định hướng nghệ thuật của trò chơi sặc sỡ và nhìn như một mớ hỗn độn, không có phong cách rõ ràng. Trải nghiệm ban đầu vẫn rất vui vẻ khi chơi cùng đám bạn, nhưng cảm giác đó dần mất đi khi thời lượng kéo dài. Bù lại là các yếu tố nhập vai, trang bị và chiến lợi phẩm đều khá hấp dẫn.
Những điểm cộng tuy nhỏ này góp phần mang đến cảm giác mới mẻ trong mỗi nhiệm vụ. Người chơi phải thường xuyên thay đổi trang bị sau mỗi nhiệm vụ và tập trung vào tăng chỉ số trang bị của nhân vật mà Killsquad gọi là Vector. Điểm kỹ năng cũng đóng vai trò quan trọng giúp người chơi xây dựng cây kỹ năng cho nhân vật, mở khóa các yếu tố tăng cường trang bị và chỉ số gọi là Tec. Tùy vào mức độ chú trọng của bạn vào cảm giác “quẩy nát” màn chơi hay tùy biến nhân vật mà càng về sau, trải nghiệm game có thể hào hứng hoặc trở nên rất nhàm chán.
Theo quan điểm của người viết, điều này lại là điểm cộng của Killsquad cho nhu cầu giải trí ngắn hạn. Vì mỗi nhiệm vụ đều được phát sinh bằng thuật toán và thường chỉ mất trên dưới 20 phút để hoàn thành, phù hợp để chơi nhanh rồi quên. Đó cũng là định hướng thiết kế vòng lặp gameplay của đội ngũ phát triển Novarama. Tương tự, bạn không cần mất nhiều thời gian để tùy biến nhân vật. Thế nhưng nếu không thường xuyên thay đổi trang bị cho nhân vật, trải nghiệm game có thể trở nên cực kỳ ức chế nhất là trong các nhiệm vụ đối đầu với boss.
Sau cuối, Killsquad là trải nghiệm hành động arcade bắn súng twin-stick khá hấp dẫn. Đặc biệt, game có hỗ trợ crossplay giữa PC và console, cụ thể là nền tảng PlayStation ở thời điểm bài viết. Trò chơi phù hợp với những ai có nhu cầu giải trí ngắn hạn với bạn bè và không đòi hỏi cao ở mọi khía cạnh.
Killsquad hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 5.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!