KIBORG là một trong những game beat’em up hiếm hoi xây dựng cơ chế gameplay dựa trên yếu tố roguelike. Trong đó, người chơi nhập vai một tù nhân ở nhà tù an ninh thuộc hàng “xịn xò con cò” phải tham gia show truyền hình thực tế “The Last Ticket” cho mục đích giải trí. Đổi lại dĩ nhiên là cơ hội được trả tự do một khi bạn thoát khỏi chương trình truyền hình này, ý tôi là cái nhà ngục “hắc xì dầu” này và đó là chuyện dễ. Nói dễ chứ không làm dễ.
Giống như bao tựa game lấy ý tưởng từ thiết kế roguelike, màn chơi trong KIBORG chia thành nhiều gian phòng khác nhau được phát sinh bằng thuật toán. Bạn có thể gặp những căn phòng không có yếu tố chiến đấu, thay vào đó là tập trung tránh bẫy hoặc hiếm hơn là những gian phòng có yếu tố hỗ trợ, chẳng hạn “trả tiền” để hồi máu. Khả năng chiến đấu của nhân vật là “chơi tay bo”, vũ khí cận chiến hoặc tầm xa, tùy vào cơ hội may mắn trong màn chơi.
Cũng như bao game beat’em up khác trên thị trường, vũ khí thu thập được đều có giới hạn. Với vũ khí cận chiến thì đó là độ bền vì bạn chỉ có thể sử dụng với số lần “tương tác vật lý” nhất định. Trong khi đạn cho vũ khí tầm xa thì vô cùng hạn chế, hiếm khi trao cho người chơi cơ hội nạp đạn trong suốt một lượt chơi. Chỉ có những nâng cấp augment là đáng chú ý nhất vì khả năng hỗ trợ cao và chỉ biến mất một khi bạn để nhân vật bị hạ gục.
Các augment này tương tự những nâng cấp cho nhân vật trong các game lấy bối cảnh cyberpunk như The Ascent. Chẳng hạn, đó có thể là cánh tay máy cho phép bạn tung những đòn tấn công khiến kẻ thù “hết hồn chim én” hoặc tăng cường chiến đấu cho nhân vật ở nhiều khía cạnh khác nhau. Bên cạnh đó còn có cây kỹ năng với các nâng cấp vĩnh viễn cho nhân vật dựa trên số tiền bạn kiếm được trong mỗi lượt chơi. Chúng vừa cải thiện khả năng sinh tồn vừa có tính hỗ trợ cao.
Đơn cử có nâng cấp cho phép người chơi chọn mang theo vũ khí nhất định ngay từ đầu mỗi lượt chơi, thay vì chờ may rủi thông qua cơ chế roguelike trong trải nghiệm game. Mặt khác, những nâng cấp này cũng sẽ là chìa khóa mở khóa dần những màn chơi mới một khi bạn “cày” đủ tiền. Đặc biệt, nhiều nâng cấp không đòi hỏi phải mở khóa theo thứ tự cụ thể mà có thể tùy ý theo chiến lược của người chơi, dù không phải hoàn toàn tự do “quẹo lựa”.
Lối chơi của KIBROG không có gì để đề cập khi mang nhiều cảm giác quen thuộc của thể loại beat’em up. Người chơi điều khiển nhân vật chiếu đấu với các thể loại kẻ thù xuất hiện trong mỗi gian phòng, rồi di chuyển sang gian phòng khác với chút kỳ vọng vào may mắn. Hoặc không. Trò chơi thường đưa ra hai nhánh rẽ phần thưởng mà bạn có thể chọn, tùy vào chiến thuật vượt ngục lẫn tình trạng của nhân vật điều khiển.
Kẻ thù trong KIBORG không quá đa dạng, nhưng chúng cũng đủ giúp trải nghiệm game duy trì được sự hào hứng vốn có, ít nhất ở nhiều tiếng liền trải nghiệm ban đầu trước khi mở khóa thêm các nội dung mới thử thách hơn. Đó có thể là những con boss điên loạn theo mọi nghĩa. Nhưng cũng có thể là những kẻ thù thông thường sẵn sàng tiễn bạn khỏi lượt chơi hiện tại để quay lại với một cơ hội mới. Hoặc bỏ cuộc. Tùy bạn chọn.
Do có nhiều yếu tố khoa học viễn tưởng, nên kẻ thù trong KIBORG đôi khí giống những dị nhân với khả năng phi thường. Thậm chí bạn còn phải đối đầu với những con robot khổng lồ và đổi lại là khả năng biến chúng thành nhân vật hỗ trợ, giúp bạn rảnh tay đối phó những kẻ thù “máu mặt” hơn trong các trận beat’em up càng lúc càng trở nên hỗn loạn về sau. Đó là chưa kể các augment có rất nhiều khả năng hỗ trợ “ảo tung chảo”.
Thế nhưng từ thời điểm này, những điểm yếu của trò chơi càng lộ diện rõ nét. Đầu tiên là phần lồng tiếng khá tệ. Kế đến là chất lượng đồ họa không thật sự ấn tượng, đặc biệt là thiết kế màn chơi phát sinh ngẫu nhiên trong trải nghiệm KIBROG khá tẻ nhạt và ít tạo được cảm hứng cần thiết cho lối chơi đặc trưng. Diễn hoạt của nhân vật điều khiển còn hơi cứng, có phần thiếu tự nhiên dù ít nhiều mang cảm giác cơ chế chiến đấu soulslike.
Sau cuối, KIBORG mang đến một trải nghiệm beat’em up khá hào hứng với thiết kế roguelike, nhắm đến một nhóm người chơi cụ thể hơn là số đông những ai yêu thích thể loại này. Trừ khi bạn đặt nặng yếu tố mỹ thuật và đồ họa là ưu tiên hàng đầu, đây chắc chắn là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc nhất là các tín đồ yêu thích cơ chế roguelike “hay không bằng hên”. Điều đáng tiếc nhất là game không hỗ trợ chơi co-op.
KIBORG hiện có cho PC (Windows, macOS), Xbox Series X|S, PlayStation 5, PlayStation 4, Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox Series X.