Trình độ thông minh và khả năng tương tác của một chiếc smartphone chủ yếu dựa trên các con chip cảm biến (sensor) gắn bên trong nó. Theo trang công nghệ Phone Arena, có ít nhất là 14 loại cảm biến khác nhau trên chiếc điện thoại thông minh mà bạn đang cầm trên tay.
Phổ biến nhất là cảm biến gia tốc kế (accelerometer), giúp báo cho hệ thống biết thiết bị đang ở thế đứng hay nằm, ngửa hay sấp? Nó cũng báo khi nào điện thoại đang rơi xuống để kích hoạt các cơ chế chống va chạm nếu có.
Con quay hồi chuyển (gyroscope) là một cảm biến cung cấp thông tin định hướng với độ chính xác cao hơn gia tốc kế. Nhờ nó mà tính năng máy ảnh Photo Sphere của Android biết được chiếc điện thoại xoay ra sao và theo hướng nào khi chụp ảnh toàn cảnh 360 độ; cũng như Sky Map của Google cho biết bạn đang hướng điện thoại của mình vào chòm sao nào.
Các cảm biến thông dụng nhất mà bất cứ smartphone nào cũng phải có như màn hình cảm ứng, máy ảnh, Wi-Fi, Bluetooth, GPS, mạng di động,…
Cảm biến từ kế (magnetometer) giúp phát hiện các từ trường, dùng cho ứng dụng địa bàn. Các ứng dụng cũng dùng cảm biến này để dò tìm kim loại.
Cảm biến tiệm cận (proximity) giúp đo độ gần. Nó chiếu những chùm tia hồng ngoại (IR) mà mắt người không thể nhìn thấy được rồi dùng thiết bị dò tìm IR để đo tia phản chiều từ các vật thế chung quanh dội lại. Nhờ cảm biến này, điện thoại biết được khi nào bạn để thiết bị gần tai để bật hay tắt tính năng gọi điện và tắt màn hình.
Các cảm biến ảnh sáng sẽ đo ánh sáng môi trường chung quanh để tự động điều chỉnh độ sáng của màn hình. Smartphone Samsung Galaxy được trang bị cảm biến ánh sáng tiên tiến có thể phân biệt được các ánh sáng trắng, đỏ, xanh dương và xanh lá độc lập, giúp điều chỉnh màu sắc hiển thị trên màn hình đẹp hơn trong mọi môi trường.
Smartphone cao cấp có cảm biến đo khí áp (barometer) có thể đo được áp suất không khí chung quanh. Nó giúp hệ thống biết được smartphone đang ở độ cao bao nhiêu so với mực nước biển và giúp GPS định vị chính xác hơn.
Cảm biến nhiệt kế (thermometer) để đo nhiệt độ giúp giám sát nhiệt độ của môi trường chung quanh, nhiệt độ của thiết bị, đặc biệt là ở pin. Dĩ nhiên là nó cũng được dùng để đo thân nhiệt con người trong các ứng dụng sức khỏe.
Cảm biến đo bước (pedometer) được sử dụng trong các ứng dụng rèn luyện thể lực. Rồi còn các cảm biến đo nhịp tim, cảm biến dấu vân tay, cảm biến đo độ ẩm không khí, NFC,… Thậm chí chiếc smartphone Sharp Pantone 5 bán ở Nhật Bản còn được trang bị cả cảm biến phát hiện mức độ phóng xạ chung quanh.
Theo Phạm Hồng Phước