Katana Kami: A Way of the Samurai Story là tựa game hành động chặt chém với yếu tố roguelike nhiều bất ngờ, hấp dẫn, nhưng đòi hỏi bạn một số tính cách của người samurai.
“Dân chơi” lớn lên với thời đại hậu PlayStation có lẽ ít nhiều đều biết đến Way of the Samurai, tựa game khá ấn tượng về mọi thứ với một phần cũng nhờ sức mạnh phần cứng vượt trội của hệ máy PlayStation 2. Trò chơi kể về câu chuyện của một ronin (samurai vô chủ tướng) lang thang khắp nơi, ra tay “trừ gian diệt bạo” với cốt truyện phân nhánh vô cùng ấn tượng dựa trên những lựa chọn của người chơi. Thiết kế táo bạo này giúp trải nghiệm game có giá trị chơi lại rất cao, nhanh chóng biến nó trở thành một series bất hũ về kendo và bushido. Thế nhưng, sau khi Way of the Samurai 4 ra mắt vào năm 2011, series này mất hút từ đó cho đến khi Katana Kami: A Way of the Samurai Story bất ngờ xuất hiện.
Nếu so sánh trò chơi với những tựa khác trong series này trước đó, tôi cảm thấy thất tiết, à nhầm, thất lễ với series Way of the Samurai lắm lắm. Trò chơi tuy vẫn mang đến một trải nghiệm chặt chém với tinh thần của người võ sĩ đạo nhưng hài hước hơn, sử dụng yếu tố roguelike để che lấp trải nghiệm game có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với những cái tên từng một thời khiến bao người say đắm và vương vấn. Kỳ thực, Katana Kami: A Way of the Samurai Story chỉ là bản spin-off trong series game nói trên, nhưng lại có khá nhiều thay đổi về gameplay, thiên về lối chơi chặt chém và khám phá hang động. Chưa kể, trò chơi có nhịp độ chơi khá chậm trong khoảng vài tiếng trải nghiệm ban đầu, chỉ trở nên hấp dẫn về sau nếu bạn kiên nhẫn.
Về cơ bản, Katana Kami: A Way of the Samurai Story có thể ví như một phiên bản samurai hóa của Moonlighter, tựa game thám hiểm hang động khá thành công mà tôi từng trải nghiệm trước đây. Câu chuyện đưa người chơi đến với chàng ronin “nay this mai that”, vô tình chứng kiến cảnh bọn cho vay nặng lãi làm loạn nên tò mò hóng chuyện. Mới hay, bác thợ rèn Dojima đến khu Rokkatsu sinh sống nhiều năm nhưng vẫn chưa lập nghiệp được là đã quá dở rồi, lại còn nợ nần chồng chất khiến chủ nợ bắt mất đứa con gái xinh như mộng để làm tin. Thấy cơ hội thoát kiếp FA, chàng ronin ngỏ ý giúp đỡ với mong muốn được sớm làm con rễ bác Dojima. Trải nghiệm bắt đầu.
Katana Kami: A Way of the Samurai Story lấy bối cảnh thời Minh Trị vào cuối thời đại võ sĩ đạo nổi tiếng của Nhật Bản. Tương truyền, ở Rokkatsu có một cây thần dẫn lối vào linh giới gọi là Jikai với rất nhiều thứ đáng giá. Nhiều người từng vào đó nhưng chẳng mấy ai có cơ hội trở về. Không may, Jikai là nơi duy nhất mà bạn phải bước chân vào để thử sức mọi hiểm nguy trong đó, mang về những thứ có thể bán được, giúp bác thợ rèn “ăn nên làm ra” trả nợ. Tiếp tục không may nữa khi đây là thời kỳ mà kiếm bị cấm, do vậy người chơi không còn cách nào khác là đi cà khịa với những băng nhóm tại đây để gây xích mích, tạo cơ hội cho bạn tha hồ bán “công cụ gây án” cho các bên. Nghe có vẻ sai sai thì phải?
Kỳ thực, mỗi ngày trong Katana Kami: A Way of the Samurai Story là một niềm vui. Sáng đi “cà khịa” với mọi người và quản lý các đơn hàng, tối lại đi chinh phạt các linh hồn, ác thú hay thậm chí những vị thần trong khu hang động vô tận ở Jikai. Trải nghiệm game chưa bao giờ tuyệt vời như thế. Vấn đề ở chỗ, Katana Kami: A Way of the Samurai Story có nhịp độ chơi khá lề mề, đòi hỏi sự kiên nhẫn khá lớn trước khi trải nghiệm trở nên hấp dẫn và kịch tính. Phần lớn thời gian chơi ban đầu chỉ xoay quanh việc lang thang ở Jikai và “chiến đấu đến cùng” để thu thập kiếm, nguyên liệu cũng như tiền cho mục đích trả nợ và làm đơn hàng. “Cà khịa” đến khi căng thẳng giữa ba băng nhóm trở nên cực đoan cũng mất khá nhiều thời lượng chơi.
Tuy nhiên, điều đó không khiến trải nghiệm Katana Kami: A Way of the Samurai Story trở nên kém hấp dẫn đi, trừ khi bạn không có tính kiên nhẫn hoặc dễ bỏ cuộc. Một khi mức căng thẳng tăng cao, mọi thứ xoay chuyển rất nhanh. Thiên hạ đứng xếp hàng dài chờ mua kiếm của bạn, trong khi “cuộc đời vẫn đẹp sao” với những buổi đêm hôm khuya khoắt lang thang trong Jikai để tìm nguồn cung khi nhu cầu tăng cao. Nhìn những biến đổi ở khu đất quen thuộc trước tiệm rèn của bác Dojima thật sự mang đến cảm giác thỏa mãn. Mới mấy ngày trước còn là bãi đất trống cỏ mọc um tùm, vài ngày sau đã có quầy hàng của ba băng đảng thi nhau chèo kéo bạn mua đồ, thuê “người cùng chiến”. Không lâu sau đó đã trở thành bãi chiến trường đẫm máu, xác người chất đống.
Mặc dù nghe có mùi tử khí khá nặng nề, nhưng trải nghiệm Katana Kami: A Way of the Samurai Story được xây dựng theo kiểu hài hước trong từng tiểu tiết khá thú vị. Chẳng hạn, những khi người chơi để nhân vật chạy “quá nhanh, quá nguy hiểm” lao vào các NPC, họ vẫn “vui vẻ không quạu” nhưng sẽ nói lớn tiếng và nhắc nhân vật cẩn thận. Nếu bạn vẫn không nghe mà cứ tiếp tục “trò cũ xào lại”, hậu quả có thể rất nặng nề. Nói vậy thôi chứ tôi cũng chưa làm thử bao giờ. Hài hước nhất là viễn cảnh trong khi bạn vẫn ngồi rung đùi đếm tiền bán kiếm miệt mài trả nợ, các “chủ quầy hàng” cũng không hề đứng ngoài cuộc mỗi khi tình hình chiến sự diễn biến xấu cho “phe nhà”. Đó là chưa kể đến kết quả đầy bất ngờ sau cuối.
Katana Kami: A Way of the Samurai Story vẫn xoay quanh lối chơi chặt chém quen thuộc, với sự khác biệt nằm ở yếu tố kiếm đạo có vẻ được chú trọng trong trải nghiệm game. Về cơ bản, người chơi khởi đầu với thanh katana cùn và chiến đấu với kẻ thù trong Jikai để thăng cấp cho cả nhân vật lẫn kiếm. Mỗi thanh kiếm đều có tư thế cầm nhất định để phát huy hiệu quả vũ khí, mang đến cảm giác rất khác biệt khi chiến đấu, khiến tôi gợi nhớ đến cơ chế tương tự trong Nioh. Hệ thống vũ khí đòi hỏi người chơi phải xem xét lựa chọn binh khí phù hợp với lối chơi của mỗi người. Tuy nhiên, kiếm không phải là vũ khí duy nhất mà bạn sử dụng, ngoài ra còn có cung, dao và vài thứ khác cùng một vài cơ chế gameplay để tạo cảm giác mới mẻ.
Đơn cử như vũ khí của người chơi luôn có độ bền và sắc bén khác nhau, nhưng càng chiến đấu thì yếu tố này càng mất đi, buộc bạn phải sử dụng các binh khí nhặt được để đưa vũ khí chính trở về tình trạng “như mới” ban đầu. Người chơi cũng có thể nhờ bác Dojima rèn cho vũ khí mạnh hơn hơn một khi thu thập đủ nguyên liệu cần thiết. Tuy nhiên, nếu “ham vui” để vũ khí mất hết độ bền và bị cùn, ngoài việc không có khả năng chiến đấu, bạn còn phải tìm vũ khí giống hệt để sửa chữa khá phiền phức. Không chỉ có tính chất chiến đấu, các loại vũ khí cũng trao cho người chơi một số danh hiệu với khả năng buff cho nhân vật xung trận “khỏe re như con bò kéo xe” hơn. Tuy nhiên, có câu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Vấn đề ở chỗ, những gì đề cập ở trên chỉ là trường hợp lý tưởng nhất. Còn khi thực chiến, hiểm họa có thể chờ đón bạn ở Jikai bất kỳ lúc nào. Hậu quả của nó khá khủng khiếp khi tước mất toàn bộ “tặng vật” mà người chơi thu thập được trong suốt đợt “đi cày” đêm hôm đó, kể cả cấp độ đạt được của nhân vật và kiếm cũng “về mo”. Câu chuyện “lúc đi hết mình, lúc về hết hồn” xảy ra như cơm bữa nếu bạn “cà khịa” với Tsukomogami khiến Demigod “ghen tuông”. Nếu nhanh chân chạy thoát, “người yêu tiền kiếp” này cũng không buông tha ngay cả khi bạn đã “cuốn gói” sang tầng khác của khu vực. Đáng nói, Tsukomogami là yếu tố rủi ro và phần thưởng vô cùng “mlem mlem”, dễ khiến người chơi nào cũng có tâm trạng “bỏ thì thương, vương thì tội” khi đối mặt.
Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của Katana Kami: A Way of the Samurai Story hệ thống hành trang rườm rà, thường buộc người chơi phải thông qua quá nhiều thao tác. Giao diện game cứ như một trời một vực so với đồ họa game vốn đã chẳng ấn tượng mà chỉ ở mức “ô kê con dê”. Điểm cộng là tôi không gặp bất kỳ tình trạng hiệu năng kém hay sụt giảm tốc độ khung hình nào trong suốt trải nghiệm, ít nhất là trên Nintendo Switch ở chế độ handheld. Bù lại, trải nghiệm game rất hấp dẫn với nhịp độ chiến đấu nhanh và nhận thưởng liên tục các đòn thế mới, khiến bạn cũng ít chú ý đến vấn đề này cho đến khi cần tương tác với hành trang. Chưa kể, thiết kế hệ thống co-op online cũng có điểm trừ nhỏ khi không cho phép người chơi mời bạn bè vào hỗ trợ trong trải nghiệm. Thay vào đó, nhân vật hỗ trợ được hệ thống sắp đặt ngẫu nhiên.
Sau cuối, Katana Kami: A Way of the Samurai Story mang đến một trải nghiệm chặt chém với yếu tố roguelike hấp dẫn, xây dựng cơ chế khám phá hang động không quá nghiêm túc nhưng rất dễ gây nghiện dù nặng tính lặp lại. Nếu không phải là “fan cứng” của series Way of the Samurai thì đây vẫn là cái tên rất đáng cân nhắc, nhưng trường hợp ngược lại thì tôi không chắc. Phần chơi mới hướng đến yếu tố giải trí nhiều hơn với độ khó vừa phải và lối chơi rất dễ tiếp cận với đại đa số, miễn là bạn có một chút kiên nhẫn. Đó là điều mà người chơi có thể mong đợi trong trải nghiệm game.
Katana Kami: A Way of the Samurai Story được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!