KaiOS là hệ điều hành mới, được xây dựng dành cho feature phone dựa trên “đống tro tàn” của Firefox OS.
Hôm nay, tại MWC diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha), công ty đứng ằng sau hệ điều hành KaiOS đã công bố một cột mốc mới xoay quanh nỗ lực đưa Facebook, Twitter và Google dưới dạng trợ lý ảo bằng giọng nói, Google Maps và Google Search vào những chiếc điện thoại “cục gạch” hay còn gọi là feature phone.
Trong “cột mốc” này còn có danh sách một loạt các nhà sản xuất điện thoại sẽ dùng KaiOS cho các mẫu điện thoại mới của họ, như HMD với phiên bản 2018 của “quả chuối huyền thoại” Nokia 8110, Bullitt, Doro và Micromax. Đáng lưu ý là những chiếc điện thoại dùng KaiOS sẽ sử dụng chip của Qualcomm và Spreadtrum.
KaiOS thật ra đã xuất hiện từ năm ngoái, ban đầu là trong hai mẫu điện thoại OneTouch Go Flip của Alcatel và Jio Jio Phone từ Reliance của ấn Độ và công ty đứng đằng sau KaiOS cho rằng hiện đã có khoảng 30 triệu thiết bị đang sử dụng hệ điều hành của họ.
Ý tưởng bổ sung thêm nhiều tính năng cho các điện thoại “cục gạch” vốn không phải là điều gì mới mẻ. Thật ra ban đầu nó là tầm nhìn của hãng Mozilla nổi tiếng với trình duyệt web Firefox, với mục tiêu tạo nên một hệ sinh thái mới dựa trên các ứng dụng HTML5 và những mẫu điện thoại giá rẻ cho các nước đang phát triển. Đây cũng nơi mà Android và iOS chưa thể nắm thị phần chủ lực do các mẫu điện thoại này đều có giá cao hơn khá nhiều so với thu nhập của người dân các nước này.
Không may là tầm nhìn này không đi đến đích cuối như mong đợi của Mozilla, do không chạm đến được đúng người mua và một phần là do các mẫu điện thoại Android đang ngày càng rẻ hơn, đơn cử như chiếc Redmi 5A mới được Xiaomi ra mắt gần đây với mức giá chưa tới 2 triệu đồng Việt Nam và có cấu hình cực tốt nếu không nói là vô địch trong tầm giá.
Thế nhưng, thời gian gần đây thì mối quan tâm đến những mẫu điện thoại “cục gạch” đang ngày càng tăng cao, không chỉ ở các thị trường mới nổi mà ngay cả những thị trường các nước đã phát triển. Nhiều người đang dần chọn sử dụng “cục gạch” như một giải pháp dự phòng cho chiếc smartphone của họ, thậm chí vì thích và trên hết là những thiết bị này nhỏ gọn hơn và cũng dễ sử dụng hơn rất nhiều các tính năng cơ bản thường dùng so với smartphone nhưng lại có thời lượng pin lâu hơn.
Xu hướng này dường như đang ngày càng tăng trong thời gian gần đây. KaiOS dẫn nghiên cứu từ IDC cho rằng ước tính thị trường này có khoảng 500 triệu thiết bị được bán ra mỗi năm trong vòng năm năm tới. Đây là xu hướng mà người sử dụng dường như không còn mặn mà với khả năng liên tục kết nối nữa, và nó khiến các nhà sản xuất bắt đầu cảm thấy áp lực về giá cả nói riêng và sự sụt giảm doanh số smartphone nói chung.
Có lẽ hiện tại chỉ có Google là nhìn thấy rõ xu hướng này nhất, vì hãng đã có sẵn một số ứng dụng riêng chạy trên KaiOS sử dụng trong chiếc Nokia 8110. Đây cũng là mối quan hệ đối tác lớn hơn giữa hai công ty. Những mạng xã hội khác như Facebook và Twitter cũng không hề muốn đứng ngoài cuộc chơi, dù rằng động thái của họ chưa có nhiều thay đổi về chiến lược, cũng chỉ mới dừng ở việc ra mắt các phiên bản lite sử dụng ít dữ liệu truyền tải và ít tính năng hơn mà thôi.
Theo TechCrunch