Just Dance 2021 là phiên bản thường niên năm nay của series game vũ đạo theo nhạc Just Dance. Tuy chỉ mới 11 năm tuổi nhưng series này đã sở hữu số lượng đầu game khổng lồ, trải dài từ các phần chơi chính lẫn các bản spin-off. Trong số này có nhiều phần chơi ngày xưa hỗ trợ PlayStation Move và đặc biệt là Kinect, mang đến cảm giác trải nghiệm vô cùng chân thực và cuốn hút. Phiên bản năm nay vẫn xoay quanh những màn vũ đạo đẹp mắt với những bài nhạc mới, thay vì cập nhật tính năng mới hay tập trung vào tính sáng tạo nhằm cải tiến cơ chế gameplay quen thuộc cũ.
Trò chơi có ba chế độ chơi với trải nghiệm chính được gọi đơn giản là Just Dance như cái tên của game, với 41 bài nhạc để bạn trổ tài vũ đạo theo nhịp nhạc. Nó khác hoàn toàn với trải nghiệm Deemo -Reborn- vốn chỉ xoay quanh việc tương tác nút bấm với nhịp nhạc. Just Dance 2021 cho phép trải nghiệm bằng tay cầm hoặc smartphone có cài phần mềm riêng để ghi nhận chuyển động. Về cơ bản, trò chơi chỉ sử dụng các dữ liệu thu thập được từ cảm biến con quay hồi chuyển để xác định chuyển động của người chơi. Bạn không phải tương tác nút bấm như tựa game của nhà phát triển Rayark.
Vấn đề ở chỗ, các ghi nhận từ con quay hồi chuyển không phải lúc nào cũng chính xác, nên đôi lúc cảm giác nhún nhảy theo vũ đạo của NPC trên màn hình chỉ mang tính tương đối trong trải nghiệm. Tôi đã thử nhiều trường hợp khác nhau để đi đến kết luận này, nhưng điều đó không làm giảm đi cảm giác hào hứng khi “thăng” theo vũ đạo và được trò chơi tung hô. Dù gì thì đa số người chơi đâu phải vũ công chuyên nghiệp mà phải xoắn? Hơi tiếc là do hạn chế của tay cầm điều khiển mà game không thể theo dõi cử động chân của bạn có giống như vũ đạo hay không.
Bên cạnh bài nhạc mới, Just Dance 2021 còn có lượng khổng lồ trang phục và hình nền mới vô cùng đa dạng, dùng để trang trí phông nền sân khấu hoặc hình đại diện nhân vật của bạn. Khá đáng tiếc là phiên bản năm nay vẫn không có tính năng tùy biến nhân vật 3D tham gia trực tiếp vào trải nghiệm game. Tất nhiên không thể yêu cầu như Let's Dance ngày xưa, sử dụng Kinect có thể đưa cả hình ảnh thật của người chơi thực hiện vũ đạo cùng các NPC. Thế nhưng, tôi thích nhân vật đại diện có tính cá nhân và tùy biến nhiều hơn chỉ là hình 2D đơn giản quá mức như vậy.
Hoàn thành bài nhạc và đạt được thành tích nhất định sẽ thưởng cho bạn một loại tiền tệ gọi là Mojo. Tiền này dùng để quay số trúng thưởng ở Gift Machine, giúp mở khóa ngẫu nhiên hình đại diện mới hoặc các yếu tố có tính trang trí và danh hiệu cho “nhân vật”. Nó chẳng có tác dụng gì ngoài xuất hiện cùng nickname của bạn trước những người chơi quốc tế mỗi khi thực hiện vũ đạo xuất sắc nhất một bài nhạc. Trong trải nghiệm game, những thứ này không có bất kỳ giá trị gì khiến việc thu thập được chúng không tạo cảm giác như phần thưởng tương xứng mà bạn vừa giành được.
Ngoài việc các bài nhạc được chọn ngẫu nhiên, chế độ chơi Quick Play không khác biệt gì nhiều so với Just Dance. Tùy vào mỗi bài hát mà bạn chỉ có thể thi thố hoặc “hợp đồng tác chiến” cùng người chơi khác. Bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm hỗ trợ tối đa 6 người cùng chơi, mỗi người một tay cầm Joy-Con hoặc smartphone. Tương tự, chế độ Kids giống như phiên bản đơn giản hóa về vũ đạo khi xét cùng một bài nhạc. Chế độ chơi này đi kèm với số lượng bài hát vô cùng hạn chế về ca từ, chủ yếu dành cho các bé chưa đến tuổi vị thành niên hơn là độ tuổi lớn hơn.
Đáng chú ý, 41 bài hát trong Just Dance 21 có phần ưu ái dòng nhạc pop hiện đại, hơn là đa dạng hóa thể loại như các phần chơi của rất nhiều năm trước đó trên thế hệ cũ như Xbox 360 và PlayStation 3. Đa phần các bài hát đều thuộc dòng nhạc nói trên và có rất ít những cái tên thật sự đáng chú ý, ít nhất là với gu nghe nhạc nước ngoài của tôi. KPop chỉ có đúng 3 bài hát đến từ 3 đại diện NCT 127, TWICE và Blackpink trong khi JPop không có bất kỳ bài nào. Thay vào đó, trò chơi hướng người chơi vào gói dịch vụ thu phí Just Dance Unlimited nhiều hơn.
Điều này được thể hiện ở các đoạn quảng cáo về dịch vụ này trong suốt trải nghiệm. Từ những playlist cho đến các bài hát được đề xuất đều lồng ghép vài bài hát trong gói dịch vụ này, đến mức khiến tôi cảm thấy khó chịu. Dù vậy, không thể phủ nhận số lượng bài nhạc đến 600 bài nhạc là con số rất hấp dẫn với những ai mê vũ đạo. Bạn cũng được dùng thử một thời gian trước khi quyết định móc hầu bao để trả phí. Những bài hát của dịch vụ này đa dạng thể loại hơn, nhưng đòi hỏi kết nối internet thường trực để stream nhạc và tải dữ liệu vũ đạo trước khi trải nghiệm.
Tuy tôi không gặp vấn đề gì với phần nhạc, nhưng hình ảnh vũ đạo thì thường hay khởi đầu với độ phân giải thấp và mờ. Một lúc sau có lẽ là khi dữ liệu đã tải về hoàn chỉnh thì mới rõ nét hơn. Bù lại, vũ đạo trong các bài nhạc của bản Just Dance 2021 lẫn gói dịch vụ Just Dance Unlimited đều khá đa dạng, không có sự trùng lắp trong số những bài hát mà tôi thể hiện và phiên bản năm ngoái. Ở góc độ người chơi, tôi nghĩ đây mới chính là giá trị lớn nhất mà phần chơi này mang đến, nhưng nếu có thêm tính năng mới hoặc khả năng tùy biến nhân vật sâu hơn thì càng hào hứng.
Sau cuối, Just Dance 2021 mang đến một trải nghiệm âm nhạc và vũ đạo rất hấp dẫn nếu bạn yêu thích cả hai khía cạnh này, bị cuốn hút bởi những bài hát của phiên bản năm nay. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là quảng cáo gói dịch vụ thu phí bất chấp, gây ảnh hưởng đến cảm giác trải nghiệm của người chơi. Đó là chưa kể tính năng hình đại diện vô dụng và tiền Mojo không có tác dụng tạo sự lôi cuốn, chẳng hạn dùng để mở khóa bài mới hoặc một số bài hát nhất định trong gói dịch vụ thu phí để tăng thêm “máu lửa” cho người chơi.
Just Dance 2021 hiện có cho PlayStation 5, PlayStation 4, Xbox Series X|S, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác