Jump, Step, Step là một tựa game giải đố khá độc đáo do người Việt thiết kế và phát triển, có độ khó cao đến bất ngờ.
Jump, Step, Step đưa người chơi đến với người máy Bob, tỉnh dậy và không nhớ chuyện gì đã xảy ra với các bộ phận cơ thể của mình, để lại cho người chơi một trải nghiệm cũng hết sức éo le vì không biết phải làm gì. Nếu chịu khó mò mẫm với mọi thứ trên màn hình, rồi bạn cũng dần dần hiểu ra cơ chế điều khiển của trò chơi nhưng mọi thứ sẽ dễ dàng hơn một chút nếu có ai đó nói qua cho bạn nghe về nó.
Theo chia sẻ của nhà phát triển thì trò chơi lấy cảm hứng từ BIG TRAK nhưng tôi không rõ phiên bản nào. Nếu bạn không biết thì BIG TRAK là một chiếc xe điện đồ chơi có thể lập trình được do công ty Milton Bradley của Mỹ sản xuất đầu tiên vào năm 1979 và nó có nhiều phiên bản khác nhau được tiếp tục bán ra từ năm 2010. Thế nhưng, với tôi thì trò chơi lại gợi nhớ đến một series game giáo dục kinh điển của hãng Sierra On-Line vào thập niên 90: Dr. Brain.
Dr. Brain là một series game phiêu lưu thiên về giải đố rất đặc sắc ở thời điểm đó với một số màn chơi mang cơ chế gameplay điều khiển một người máy, di chuyển và thu thập các vật phẩm trên màn hình rồi mang chúng về một vị trí cố định. Điểm độc đáo của các màn chơi này là người chơi không thật sự điều khiển người máy bằng các nút di chuyển, thay vào đó bạn sẽ phải đưa ra các lệnh di chuyển và hành động vào bộ nhớ của người máy. Khi thực thi thì người máy sẽ chỉ vận hành theo đúng toàn bộ chuỗi lệnh mà bạn lập trình sẵn đó, nếu có va chạm vì đưa lệnh sai thì bạn sẽ phải chơi lại từ đầu với chuỗi lệnh mới.
Trải nghiệm trong Jump, Step, Step cũng tương tự vậy, nhưng với đồ họa dễ thương và hiện đại hơn rất nhiều, kèm theo một chút hài hước nữa. Nó có cái gì đó trái ngược khá hài hước theo nghĩa tốt với món đồ chơi BIG TRAK mang đến cảm hứng cho nhà phát triển khai sinh ra trò chơi. BIG TRAK có hình dạng như một chiếc xe tăng đậm chất khoa học viễn tưởng rất ngầu với sáu bánh xe, phía trước có họng súng chiếu đèn và được lập trình để thực hiện tối đa 16 lệnh một lần. Trong khi đó, nhân vật của người chơi thì ngược lại, cứ “khóc lóc” vì bị xì nhớt suốt, nhìn xa xa còn thấy dễ thương chứ nhìn gần thấy toàn “vai u bắp thịt” thì thương hết nổi. Chưa kể, Bob lại được nhà phát triển tô hồng và có khuôn mặt “gian” không thể tả, khiến tôi không tài nào nhịn được cười khi lần đầu tiên nhìn thấy nhân vật này.
Thế nhưng, nụ cười vụt tắt mất trên môi ngay khi bạn bắt đầu trải nghiệm game. Jump, Step, Step không có bất kỳ chỉ dẫn nào về cơ chế điều khiển ở đầu trò chơi, những thứ cần thiết để bạn biết phải làm gì với nhân vật. Nếu không biết trước lối chơi thì chắc chắn bạn sẽ gặp không ít khó khăn khi khởi đầu. Chính vì điều này mà ban đầu tôi nghĩ trò chơi khá kém thân thiện với người chơi mới, dù đây là một tựa game giải đố. Tuy nhiên, trò chơi chỉ làm khó bạn ở những bước đi đầu tiên, còn các lệnh và cơ chế mới mà Bob mở khóa sau đó đều được giải thích phần nào, nhường phần trải nghiệm lại cho người chơi với lối chơi thử và sai quen thuộc.
Ở khía cạnh trải nghiệm, có thể nói trò chơi dung hòa khá tốt giữa giới thiệu cơ chế mới và độ khó tăng dần hợp lý, giúp bạn dễ dàng trải nghiệm và làm quen với tính năng mới hơn. Thiết kế màn chơi của Jump, Step, Step cũng vậy, tuy đơn giản nhưng lại vận dụng rất tốt mọi cơ chế được xây dựng. Thiết kế này mang đến độ thử thách không hề nhỏ nếu không muốn nói là tương đối khó, nhất là những ai lần đầu trải nghiệm. Một phần cũng có thể là vì cơ chế giải đố của trò chơi khá khác biệt với nhiều tựa game giải đố khác trên thị trường, khiến người chơi mới khó làm quen với các yếu tố lạ lẫm này hơn.
Mặt khác, để có thể giải được các câu đố, bạn thường phải tính toán trước rất nhiều bước đi cần lập trình cho Bob. Đây cũng chính là “cơn ác mộng” trong trải nghiệm mà trò chơi mang đến. Ban đầu chỉ là vài cơ chế di chuyển và xoay hướng khá đơn giản, nhưng những màn về sau thì cơ chế này càng phức tạp hơn. Rất nhiều hành động như vòng lặp Mark và Go To hay Check Direction rồi Check Floor, chia thành rất nhiều nhánh hành động khác nhau trong các trường hợp để đáp ứng với sự thay đổi đôi lúc mang tính ngẫu nhiên của môi trường màn chơi. Nó buộc người chơi phải tính trước nhiều bước đi để lập trình Bob cho hợp lý, nếu không nhân vật sẽ rơi tõm xuống vực vì những sai lầm đó.
Không chỉ hấp dẫn với những màn “giải toán đố” độc đáo, Jump, Step, Step còn “khích tướng” người chơi bằng hệ thống leaderboard top 10 được thể hiện ngay ở góc phải màn hình trong những màn thật sự khó. Thật khó tả cái cảm giác “ghen ăn tức ở” khi bạn đến một màn chơi nào đó và phát hiện “cao thủ” khác có số bước lập trình cho Bob ít hơn. Tôi từng khá điên đầu nghĩ lời giải tối ưu hơn trong những tình huống này vì cái tính sân si, thay vì tập trung qua màn. Thậm chí, một số màn chơi có “cao thủ” nghĩ ra số bước lập trình “không thể tin được”, buộc tôi phải thắc mắc không hiểu có phải người chơi đó đang gian lận hệ thống xếp hạng hay không.
Đây có thể nói cũng chính là một trong số những mặt hạn chế của trò chơi. Vì người chơi có thể lợi dụng sự thay đổi ngẫu nhiên của môi trường trong một số màn chơi để kiếm được số bước lập trình ít nhất, giành vị trí đầu bảng xếp hạng. Tuy nhiên, điểm yếu kém nhất của trò chơi có lẽ lại nằm ở phần chuyển động của nhân vật khi thực hiện các hành động trong môi trường màn chơi. Nhân vật Bob tạo cảm giác không thật sự bước đi trên màn chơi mà như đang lơ lửng trên mặt đất vậy. Ngay cả các thao tác như nâng đồ cũng tạo cảm giác mọi thứ đều lơ lửng lưng chừng không chứ không hề chạm vào nhau theo kiểu cầm nắm thật sự.
Đáng tiếc là điều này càng thể hiện rõ nét hơn sau khi bạn hoàn thành trò chơi và mở khóa được chế độ Real-time, biến trải nghiệm giải đố ban đầu thành một tựa game đi cảnh góc nhìn từ trên xuống. Không may là chế độ chơi này dẫn tới hàng loạt vấn đề đồ họa đan xen vào nhau rất khó chịu. Thậm chí phần điều khiển mới này cũng mang cảm giác vụng về và giật cục, khiến việc thao tác Bob rất khó khăn. Dù nó không phải là trải nghiệm chính nhưng vẫn là điểm trừ rất lớn cho trò chơi. Đó là chưa kể, từ lúc này thì trải nghiệm đi cảnh gặp không ít bực mình do thiết kế màn chơi khiến bạn khó phân biệt được khoảng cách không gian thật sự trong di chuyển, trong khi với trải nghiệm lập trình bước đi trước đó thì nó không phải là vấn đề to tát.
Sau cuối, Jump, Step, Step là một tựa game giải đố độc đáo và thú vị, nhưng có lẽ không dành cho tất cả mọi đối tượng người chơi. Lối giải đố của trò chơi có vẻ phù hợp với những bạn nào học khối A và B hơn vì thiên về tính toán nhiều, vô tình có thể dẫn đến sự hạn chế người chơi khá đáng tiếc. Mặc dù trò chơi có không ít vấn đề nhưng nếu bạn có thể bỏ qua những thứ “gai mắt” đó, thì đây vẫn là trải nghiệm giải đố hấp dẫn đáng cân nhắc giữa muôn vàn tựa game cùng thể loại trên thị trường. Chưa kể đồ họa tươi sáng và dễ thương, cộng với nhạc khá vui tai và các câu thoại pha chút hài hước đều là những điểm cộng của trò chơi.
Jump, Step, Step hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát triển hỗ trợ.