It Takes Two là game phiêu lưu hành động co-op hai người đến từ nhà phát triển Hazelight. Chỉ đạo game Josef Fares cũng là người “cầm trịch” cho hai tựa game sở hữu cùng lối chơi co-op độc đáo Brothers: A Tale of Two Sons và A Way Out vô cùng hấp dẫn. Kỳ thực, giữa vô vàn những trải nghiệm game chơi đơn hoặc đi theo trào lưu battle royale trên thị trường trong vài năm gần đây, những tựa game của nhà phát triển Hazelight đã thổi luồng gió mới về hướng đi rất khác biệt trong xây dựng trải nghiệm co-op quen thuộc từ trước đến nay.
Một trong những khác biệt đáng chú ý nhất trong những tựa game của Hazelight là bạn phải có “người ấy” mới có thể trải nghiệm game. Điều này đi ngược với thông lệ của những cái tên khác khi luôn xây dựng trải nghiệm hỗ trợ solo và co-op đồng thời. Nói cách khác, bạn không thể trải nghiệm It Takes Two nếu không có người chơi co-op cùng. Trò chơi tuy hỗ trợ cả hai trải nghiệm chia đôi màn hình lẫn chơi online, nhưng không nhất thiết hai người phải mua game mà chỉ cần một bản game duy nhất. Người còn lại có thể tải Friend’s Pass để cùng trải nghiệm.
It Takes Two kể về câu chuyện cơm không lành canh không ngọt của gia đình Rose dẫn đến quyết định ly hôn của ba mẹ cô bé. Thế nhưng, đó không hẳn là kết thúc buồn khi điều ước của cô bé trở thành sự thật. Hàng loạt những chướng ngại vật và nhiều bài học ứng xử dành cho đấng sinh thành của Rose biến thành cuộc hành trình gắn kết hai nhân vật chính với nhiều bất ngờ. Liệu quý ông Cody và quý bà May có hàn gắn được mối quan hệ đang trên bờ vực đổ vỡ của họ không? Câu trả lời đang chờ bạn ở cuối trải nghiệm với nút thắt khá thú vị.
Khác với A Way Out trước đây, It Takes Two có sự thay đổi về phong cách đồ họa. Mặc dù các nhân vật vẫn được tạo hình theo hướng tả thực, nhưng phần lớn trải nghiệm game xoay quay hai nhân vật chính và thiết kế thế giới nhiều màu sắc được hoạt hình hóa hài hước hơn. Sự thay đổi này giúp đội ngũ phát triển xây dựng cơ chế gameplay sáng tạo, đa dạng và hấp dẫn hơn trong thiết kế màn chơi, khiến tôi nhớ đến bộ phim kinh điển ‘Honey, I Shrunk the Kids’ của hãng Walt Disney từng chiếu trên HTV ngày xưa với nhiều nét tương đồng về ý tưởng.
Về cơ bản, cặp đôi Cody và May bị thu nhỏ khiến thế giới quan của họ trở nên khổng lồ. Trải nghiệm game diễn ra ở những căn phòng, thậm chí là các khu vực xung quanh ngôi nhà của cặp vợ chồng trẻ như “khu vườn sinh tồn” trong Grounded. Để trở về hình hài cũ, cả hai phải vượt qua hàng loạt chướng ngại vật cũng như những con boss được xây dựng từ nhiều yếu tố quen thuộc trong cuộc sống. Đó có thể là chiếc máy hút bụi cũ kỹ và hư hỏng, bị người dùng vứt xó khiến nó mang thù hận trong lòng hay chỉ đơn thuần là sinh vật có ích nào đó cho cuộc sống.
Thế giới mà người chơi trải nghiệm trong It Takes Two vô cùng gần gũi, được tạo thành từ những thứ mà bạn tương tác hàng ngày trong cuộc sống. Có lẽ vì vậy mà người chơi dễ dàng biết phải làm gì với yếu tố giải đố. Mỗi khu vực trải nghiệm đều sở hữu cơ chế gameplay riêng rất hấp dẫn và phong phú. Chẳng hạn hai vật phẩm tưởng chừng rất quen thuộc là búa và cây đinh có thể tạo nên hàng loạt thử thách tuyệt vời trong trải nghiệm. Búa có thể đập chướng ngại vật và tương tác nút bấm, còn đinh dùng để đu qua khoảng trống và không chỉ có thế.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều ý tưởng gameplay trong trải nghiệm. Điều thú vị nằm ở cách mà các câu đố được xây dựng để tận dụng kỹ năng của hai nhân vật chính mà không tạo cảm giác lặp lại hay sao chép lẫn nhau. Mỗi nhân vật sở hữu các kỹ năng không hề giống nhau và thực hiện những yêu cầu có tính tương trợ lẫn nhau. Đơn cử như ở đầu trải nghiệm, Cody được trang bị súng bắn nhựa thông, có khả năng tạo sức nặng lên các yếu tố tương tác trong môi trường màn chơi. Ngược lại, May có thể kích nổ các khối màu vàng nói trên nhằm loại bỏ chướng ngại vật.
Nói cách khác, mỗi người chơi đều đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong trải nghiệm. Không ít tình huống giải đố đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai người chơi. Tuy cách tiếp cận của mỗi người khác nhau, nhưng đều chung một mục đích nhằm vượt qua chướng ngại vật nhất định, chẳng hạn bật công tắc để thay đổi luồng khí giúp đẩy nhân vật lên cao hoặc rơi xuống chỗ chết. Những phân đoạn đi cảnh như thế không phải hiếm nếu không nói chiếm phần lớn trải nghiệm game. Nó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và rất ăn ý giữa hai người chơi.
Thế nhưng nói dễ hơn làm. Vấn đề lớn nhất của It Takes Two là bạn chơi với ai và trình độ đi cảnh của người đó như thế nào. Đó là khi xét ở khía cạnh checkpoint xuất hiện khắp mọi nơi, bạn không phải chạy đua với thời gian trong trải nghiệm và những phân cảnh chiến đấu cũng không nhiều ngoài những trận phối hợp đánh boss hoành tráng. Phần lớn các chướng ngại vật trong trải nghiệm game không quá thử thách, nhưng sự khác biệt quá lớn về trình độ giữa hai người chơi và thiếu ăn ý trong tương tác hỗ trợ lẫn nhau dễ khiến trải nghiệm trở thành thảm họa.
Đó mới chính là thử thách lớn nhất trong trải nghiệm It Takes Two. Ngay cả khi hai người chơi có trình độ trải nghiệm đi cảnh tương đồng cũng khó tránh khỏi những tình huống hài hước, khiến bạn dở khóc dở cười nhìn người ấy chật vật với thử thách “không sợ kẻ thù mạnh, chỉ sợ đồng đội…” Tuy nhiên, đừng vội cười hay chỉ trích vì có khi không lâu sau đó lại đến lượt bạn mắc vào tình huống tương tự đó thôi. Một số khoảnh khắc như thế trong trải nghiệm là theo kịch bản trong thiết kế game, nhưng hầu hết là do người chơi sơ xuất. Cố ý cũng có!
Đáng chú ý, mặc dù trải nghiệm khá tuyến tính nhưng It Takes Two vẫn dành nhiều không gian cho người chơi khám phá. Nếu chỉ quan tâm giải đố để qua màn thì khả năng cao là bạn sẽ bỏ lỡ những yếu tố gameplay được lồng ghép vô cùng khéo léo vào trải nghiệm. Đó là tôi đang nói đến hàng loạt các minigame “trải nghiệm bên lề” rất đa dạng và hào hứng không thua gì thiết kế màn chơi hấp dẫn nói trên. Kỳ thực, hai người chơi có thể tham gia so tài cùng nhau để hâm nóng tình yêu hoặc thắt chặt mối quan hệ của đôi bên khá thú vị.
Có một điều mà tôi cũng không thể không nhắc tới chính là hệ thống achievement/trophy mang cảm giác sáng tạo hơn. Nếu so với những tựa game trước đó của cùng nhà phát triển, các điều kiện mở khóa achievement/trophy trong It Takes Two không chỉ xoay quanh việc hoàn thành trải nghiệm theo tuyến tính nữa. Thay vào đó, trò chơi khuyến khích bạn trải nghiệm một cách sáng tạo, đòi hỏi khám phá nhiều hơn nên cũng cần bỏ nhiều công sức và thời gian hơn. Khá đáng tiếc là bản PS5 không hỗ trợ “phản hồi xúc giác” của tay cầm DualSense.
Sau cuối, It Takes Two mang đến một trải nghiệm phiêu lưu co-op vô cùng đặc sắc. Trò chơi xây dựng cũng như kết hợp các ý tưởng gameplay một cách sáng tạo và độc đáo. Đội ngũ phát triển rất biết lắng nghe để rút tỉa kinh nghiệm từ những điểm trừ trong các tựa game trước đó, sẵn sàng tinh chỉnh thậm chí loại bỏ những cơ chế gameplay không phù hợp để tạo nên trải nghiệm co-op tuyệt vời theo mọi nghĩa. Nếu yêu thích trải nghiệm co-op và có “người ấy là ai” để chơi cùng, đây chắc chắn là cái tên phải có trong thư viện game của bạn!
It Takes Two hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!