Irem Collection Volume 2 là bộ sưu tầm game arcade hoài cổ gồm Air Duel, GunForce, GunForce II. Trong đó ngoài bản arcade, GunForce còn có thêm bản SNES va SFC nhưng trải nghiệm phiên bản này giống như hàng tặng kèm hơn. Những tựa game này được trải nghiệm thông qua phần mềm giả lập được thiết kế nhằm mang đến cảm giác hoài cổ chân thật nhất.
Điều đó cũng đồng nghĩa mỗi tựa game được giả lập sẽ không có nhiều tính năng giúp cải thiện chất lượng trải nghiệm. Hầu hết không có gì đáng đề cập cộng với phần trình bày khá sơ sài khiến tôi cũng phần nào bớt đi cảm giác hào hứng ban đầu, đặc biệt khi đây còn là Volume 2 lẽ ra đã có thể làm tốt hơn dù tôi chưa từng chơi Volume 1 bao giờ.
Nói một chút về lịch sử của Irem thì đây là nhà phát triển có nhiều dây mơ rễ má với SNK và Capcom. Một trong số nhân sự của Irem trước đây là người sáng lập ra Capcom thời kỳ khởi nghiệp, với vô số những tựa game arcade hấp dẫn trước khi tiến vào thị trường game console và PC. Một số khác thì trở thành “cha đẻ” của series Metal Slug sau này.
Đầu tiên là Air Duel, tựa game đầu tiên trong Irem Collection Volume 2. Nếu từng chơi Metal Slug 3, bạn sẽ nhận ra một số giai điệu quen thuộc được remix từ tựa game này. Đây là một game shoot’em up khá cơ bản với đồ họa tương đối chi tiết ở thời điểm phát hành năm 1990. Người chơi có thể chọn giữa chiến đấu cơ và máy bay trực thăng trước mỗi màn chơi.
Chiến đấu cơ chỉ có thể bắn về phía trước trong khi máy bay trực thăng thì bắn theo hướng di chuyển của người chơi với góc bắn tương đối hạn chế. Ngoài ra, bom khi thả có thể điều khiển hướng của vụ nổ, cũng khá hữu ích trong những lúc kẻ thù kéo tới quá đông khiến bạn bắn không xuể. Nhưng game không có gì nổi bật so với 1943 – The Battle of Midway được Capcom ra mắt trước đó nhiều năm.
GunForce ra mắt năm 1991 có thể xem là nguyên bản chưa được mài dũa của Metal Slug sau này. Trò chơi sở hữu lối chơi hành động nhanh gun and run, khiến tôi nhanh chóng liên tưởng đến series Contra kinh điển với rất nhiều nét tương đồng, chẳng hạn mấy con boss. Người chơi điều khiển nhân vật chiến đấu chống lại những kẻ thù ngoài hành tinh xâm lược trái đất và bắt cóc các cô gái.
Trong suốt mỗi màn chơi, bạn có thể tận dụng các loại phương tiện như nhiều loại xe khác nhau hay ụ súng để mở rộng khả năng sinh tồn của nhân vật. Tôi thích nhất là xe tăng, mặc dù khó bắn chính xác nhưng cứ lù lù tiến tới là bao chướng ngại vật cũng ngã rạp. Tuy nhiên, điểm trừ của GunForce là kẻ thù thiếu đa dạng và cảm giác trải nghiệm không thật sự thỏa mãn dù thời lượng ngắn.
Mọi thứ hoàn toàn thay đổi với GunForce II hay còn có tựa Genstorm ở thị trường Nhật Bản. Đồ họa đẹp và chi tiết hơn, mang nhiều cảm giác Metal Slug hơn với lối chơi run and gun hành động nhanh và những pha bắn súng chiến đấu chống người ngoài hành tinh vô cùng máu lửa. Thiết kế màn chơi cực kỳ hấp dẫn khi tận dụng đa dạng các loại phương tiện chiến đấu.
Hào hứng nhất là những trận boss chiến trong GunForce II, mang nhiều sáng tạo gợi nhớ đến bản Metal Slug XX “đỉnh của chóp” mà tôi từng chơi. Tuy nhiên, do hạn chế phần cứng ngày xưa và thiết kế phần mềm giả lập nhằm tái hiện trải nghiệm chính xác nhất, trải nghiệm game có nhiều đoạn slow-mo khá khó chịu khi có quá nhiều sprite chuyển động cùng xuất hiện trên màn hình. Hầu hết là những phân đoạn mà người chơi đang chiến đấu rất máu lửa.
Nhàm chán nhất là bản chuyển nền sang Super NES và Super Famicom từ nguyên bản GunForce trên arcade. Tuy lối chơi tương tự game gốc, nhưng có lẽ do hạn chế phần cứng trên hệ máy 16 bit của Nintendo ngày xưa mà trải nghiệm rất lề mề. Không chỉ nhân vật mà đạn cũng bay rất chậm đến buồn ngủ khiến tôi không đủ kiên nhẫn chơi hết. Tốc độ khung hình đã tệ, chất lượng đồ họa và âm thanh của GunForce bản SNES và SFC cũng kém hơn rất nhiều khi so với “người anh em” arcade.
Thế nhưng không như Atari 50: The Anniversary Celebration, phần trình bày của Irem Collection Volume 2 thật sự rất sơ sài. Từ giao diện chọn game cho tới wallpaper mặc định vô cùng lạc quẻ để che hai viền đen xung quanh khi trải nghiệm game. Wallpaper này gần như chẳng liên quan gì đến những tựa game trong bộ sưu tầm này, cảm giác như được đưa vào cho có. Thất vọng nhất là cũng không có bất kỳ tài liệu hay “hồ sơ trinh sát” gì về những tựa game trong bộ sưu tầm này.
Điều an ủi là cả ba game đều hỗ trợ chơi co-op local 2 người, kể cả bản console dành cho hệ máy kinh điển của Nintendo. Tuy nhiên, tôi đã thử sơ qua bản JP thì thấy hình ảnh hầu như không có gì khác biệt giữa hai phân vùng bản arcade của GunForce và GunForce II, trong khi cốt truyện game hầu như chẳng có. Tuy không rõ khác biệt giữa bản World và JP là gì, nhưng theo phong cách quen thuộc của các nhà phát triển đất nước mặt trời mọc đó giờ, tôi đồ rằng bản JP có độ khó mặc định cao hơn.
Sau cuối, Irem Collection Volume 2 mang đến trải nghiệm 4-trong-1 với chất lượng không đồng đều. Hấp dẫn nhất vẫn là GunForce II, đặc biệt những ai yêu thích series Metal Slug được kế thừa bởi cùng đội ngũ phát triển. Điểm trừ lớn nhất là bộ sưu tầm này có phần trình bày kém, sơ sài, không mang cảm giác “bộ sưu tầm” như cái tên của nó.
Irem Collection Volume 2 hiện có cho Xbox Series X|S, PlayStation 5, PlayStation 4, Xbox One, Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!