HyperParasite là tựa game hành động độc đáo khi kết hợp giữa yếu tố roguelike và lối chơi twin-stick, trao cho bạn cơ hội nhập vai kẻ phản diện gây náo loạn thế giới.
HyperParasite mở đầu với câu chuyện về loài ký sinh trùng ngoài hành tinh có ý định thôn tính trái đất. Trong khi tổng thống độc nhãn không biết của nước nào lên truyền hình để vận động người dân đồng lòng tiêu diệt loài ký sinh trùng nói trên, chúng đã và đang thực hiện kế hoạch biến trái đất thành nơi ở mới thông qua sự giúp đỡ của người chơi. Bạn sẽ nhập vai ký sinh trùng nói trên và giúp chúng chiếm lấy các vật chủ, sử dụng kỹ năng của những con người đáng thương nói trên đi làm loạn khắp nơi.
Điểm cộng đáng chú ý nhất của HyperParasite là số lượng nhân vật mở khóa nhiều kinh khủng. Mỗi nhân vật đều có ưu và khuyết điểm riêng. Tất cả đều là những con người rất “bình dân học vụ” nhưng lại vô cùng hài hước mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp trong bất kỳ xã hội nào. Mỗi nhân vật sẽ có kỹ năng khác nhau chiến đấu khác nhau, tha hồ cho người chơi “quẹo lựa” đối tượng phù hợp nhất với lối chơi yêu thích của bản thân. Số lượng nhân vật mở khóa đa dạng với tạo hình hài hước và nhiều “chiêu trò” khác nhau khiến trải nghiệm luôn giữ được sự hấp dẫn cần thiết. Đơn cử như một trong những nhân vật đầu tiên mà bạn đụng độ là người đi siêu thị với “vũ khí trên tay” là xe hàng, có thể “ủi bay” bất kỳ đối thủ thích “cà khịa” nào.
Về sau, tùy vào khả năng “cày cuốc” và lựa chọn của bạn mà các nhân vật mở khóa ngày càng “dữ dằn” hơn, trải dài từ vũ khí boomerang cho đến súng laser hầm hố và không chỉ dừng ở đó. HyperParasite chia thời lượng mở khóa rất đều đặn trong suốt thời lượng chơi. Trong khi đó, yếu tố roguelike được dùng để xây dựng màn chơi bằng thuật toán, góp phần giúp trải nghiệm luôn cuốn hút và thăng hoa. Do không có lần chơi nào giống lần nào nên cảm giác trải nghiệm luôn mới mẻ và có giá trị chơi lại cao. Mặc dù có yếu tố roguelike nhưng trải nghiệm game không trừng phạt người chơi quá đáng. Nếu để ký sinh trùng bị tiêu diệt, các nhân vật mà bạn mở khóa lẫn tiền thu thập được đều được giữ nguyên, nhưng cũng chỉ trong cùng chapter mà thôi.
Thế nhưng, giống như Enter the Gungeon vốn không hề dễ chơi, HyperParasite cũng có tính thử thách rất cao. Sau chương đầu tiên chủ yếu cho mục đích tutorial và để bạn làm quen với gameplay cơ bản, trò chơi mới lộ bộ mặt “không phải dạng vừa đâu”. Về cơ bản, ký sinh trùng của người chơi có thể sống tốt nếu nó chiếm được vật chủ, mượn thân xác này làm bia đỡ đạn và “gây náo loạn” khắp nơi. Thế nhưng, nếu bạn để chủ thể bị tiêu diệt khiến ký sinh trùng “hiện nguyên hình”, trải nghiệm sau đó không khác gì cơn ác mộng. Thậm chí, tình hình còn tệ hơn nếu trước đó bạn chưa nâng cấp cho con “hyper parasite” này, vì nó chỉ trúng một đòn của kẻ thù là đã thành vong, tưởng không nhanh ai ngờ nhanh không tưởng.
Vấn đề lớn nhất của HyperParasite là độ khó quá cao, thậm chí nhiều khi phi lý đến mức khiến người chơi cảm thấy vô cùng ức chế. Kỳ thực, đó cũng là cảm giác của tôi trong không ít lần trải nghiệm, dễ khiến nhiều người chơi sớm bỏ cuộc, nhất là khi mỗi chương mới chẳng khác nào bắt bạn phải “cày” từ đầu. Đây rõ ràng không phải tựa game dành cho người chơi casual. Đáng nói, nếu “ragequit” quá sớm, bạn sẽ bỏ lỡ trải nghiệm hấp dẫn hơn nhiều về sau, đáng chú ý nhất là toàn bộ thiết kế màn chơi xoay quanh những chủ đề khá độc đáo cùng hàng loạt nhân vật “siêu anh hùng”. Mặt khác, một điểm trừ không thể không nhắc đến là thiết kế gameplay đặc trưng chưa tạo cảm giác phần thưởng tương xứng với công sức mà người chơi bỏ ra.
Ở góc độ người chơi, thay vì bắt bạn phải “cày lại từ đầu” để mở khóa nhân vật sau mỗi chương mới, tôi nghĩ nhà phát triển nên hào phóng hơn trong việc tặng nhân vật mới, chẳng hạn mỗi khi hoàn thành một chương nội dung hoặc cho phép giữ lại một số nhân vật cơ bản đã được mở khóa trước đó. Có như thế mới đủ tạo động lực thu hút người chơi với trải nghiệm khá thử thách và nặng tính cày cuốc mà HyperParasite mang đến. Mặc dù vẫn biết nhà phát triển sử dụng thiết kế game nói trên cho mục đích tăng độ khó trải nghiệm, nhưng nó tạo cảm giác bất công khá lớn và phủ nhận công sức mà người chơi đã bỏ ra trong thời gian trải nghiệm trước đó, theo tôi là một điều không hợp lý và cần phải điều chỉnh.
Sau cuối, HyperParasite mang đến một trải nghiệm hành động hấp dẫn và độc đáo, nhưng đi kèm với một số bất cập trong thiết kế gameplay tạo cảm giác bất công, nặng tính “cày cuốc” và lặp lại. Tuy vậy, nếu “vượt qua chính mình” là đam mê của bạn thì đây chắc chắn là cái tên rất đáng chú ý với khả năng chơi co-op hai người ở chế độ split-screen. Đáng tiếc, điều đó cũng đồng nghĩa phần lớn người chơi sẽ khó lòng cảm thấy hào hứng với thử thách tưởng không khó ai ngờ khó không tưởng mà game mang đến.
HyperParasite được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác