Hue là một tựa game kết hợp khá độc đáo giữa lối chơi đi cảnh và giải đố, sử dụng màu sắc như một yếu tố chính trong cả hai cơ chế gameplay này và có thể không phù hợp với những bạn nào bị chứng mù màu. Sau một thời gian dài ra mắt trên các nền tảng khác, đến tận bây giờ người chơi Nintendo Switch mới được trải nghiệm tựa game độc đáo này.
Hue vừa là tựa game mà cũng vừa là tên nhân vật chính trong game. Nhiệm vụ của người chơi là giúp Hue tìm người mẹ đã mất tích rất lâu không rõ nguyên nhân. Điều đặc biệt là toàn bộ không gian màn chơi chỉ có một sắc xám đầy u ám như câu chuyện kể mở đầu vậy. Người chơi sẽ dần mở khóa thêm nhiều màu sắc mới khi càng trải nghiệm về sau và đó là một trải nghiệm khá ấn tượng với những cơ chế đơn giản nhưng độc đáo.
Lối chơi của Hue khá độc đáo trong cách vận dụng màu sắc. Về cơ bản, dọc màn chơi sẽ có những chướng ngại mà bạn có thể “hô biến” thông qua việc thay đổi màu sắc cảnh nền chính. Đơn cử như một cánh cửa màu xanh sẽ “hoàn toàn biến mất” nếu bạn chọn màu xanh và chỉ những màu sắc khác vẫn xuất hiện. Cơ chế đơn giản này được áp dụng cho cả hai yếu tố đi cảnh và giải đố, khiến trải nghiệm ngày càng “hack não” khi người chơi mở khóa thêm nhiều màu sắc mới. Chẳng hạn, một bức tường “khác màu” cản lối sẽ “biến mất” một khi bạn chuyển màu sắc môi trường sang màu đó, giúp Hue có thể “xuyên tường” theo cả nghĩa đen lẫn bóng.
Vấn đề ở chỗ, cơ chế này có thể gây “đau đầu” hay thậm chí khiến bạn nổi điên về sau do cách thức vận hành của nó hơi khác với “cách nhìn” màu của não. Đôi lúc, một ngõ cụt có thể ẩn giấu cánh cửa nào đó rất dễ bị bỏ sót do đang bị “che khuất” bởi màu sắc mà bạn thiết lập. Chưa kể, yếu tố đi cảnh cũng được xây dựng trên yếu tố này, nên không ít lần gây những tình huống sinh tử cho nhân vật rất khó chịu trong trải nghiệm. Thậm chí, nói không sai khi nhiều lúc trải nghiệm game không khác gì “tra tấn” não, nhất là những ai lần đầu đến với Hue. Đó là chưa nói đến độ khó ngày càng tăng khi số lượng màu mở khóa được ngày càng nhiều, góp phần không nhỏ trong việc kích động tinh thần người chơi theo hướng tiêu cực ngoài mong muốn.
Điều thú vị là mặc dù độ khó “không phải dạng vừa đâu”, nhưng nhà phát triển lại làm khá tốt các yếu tố còn lại để bổ trợ cho trải nghiệm game như câu chuyện kể hấp dẫn, được kể lại thông qua những lá thư mà Hue tìm thấy trong màn chơi với những chủ đề khá đời thường về tình yêu hay sự mất mát, ít nhất cũng chạm vào trái tim của người chơi chứ không chỉ là một câu chuyện kể nhạt nhòa cho có. Không những vậy, phần nhạc nền cũng mang đến cảm giác nhẹ nhàng với những bản nhạc dương cầm mang tính thư giãn, phù hợp với “hoạt động não” tăng cao trong suốt trải nghiệm. Đây là một trong những tựa game khiến tôi khá ấn tượng phần nhạc nền, dù một số phân đoạn nghe hơi buồn thỉnh thoảng mang đến cho tôi cảm giác khá mông lung.
Đáng tiếc nhất của Hue có lẽ là thời lượng chơi khá ngắn, không có giá trị chơi lại vì người chơi đã biết hết tất cả mọi thứ một khi hoàn thành trải nghiệm. Tôi nghĩ sẽ thú vị hơn nếu nhà phát triển bổ sung thêm một số yếu tố như vật phẩm thu thập hoặc những bí mật để thử thách người chơi. Dù vậy, không khó để nhận thấy Hue mang đến một trải nghiệm khá ấn tượng và độc đáo về yếu tố nghe nhìn, trải nghiệm và ý tưởng giải đố. Do phần đồ họa vẽ tay 2D “siêu” nhẹ, tựa game này không gặp vấn đề hiệu năng nào trên phần cứng yếu kém của Nintendo Switch ở cả chế độ dock xuất hình ra tivi lẫn handheld, nên tôi cũng không xem đây là điểm cộng.
Sau cuối, Hue mang đến một trải nghiệm giải đố khá độc đáo với ý tưởng đơn giản nhưng cũng không kém phần thử thách. Ngoại trừ thời lượng chơi khá ngắn, trò chơi không có điểm gì để chê trách và xứng đáng nằm trong bộ sưu tầm game nếu bạn chưa từng sở hữu trên các nền tảng đã phát hành trước đó.
Hue được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch và PlayStation Vita.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác