Màn hình cảm ứng là thành phần quan trọng cấu tạo nên chiếc điện thoại, và đồng thời cũng là thành phần dễ trục trặc nhất do chủ quan lẫn khách quan. Bốn vấn đề được giải đáp về cấu tạo, nguyên nhân và cách sửa chữa màn hình điện thoại sẽ giúp bạn nắm rõ hơn.
1) Cấu tạo màn hình cảm ứng smartphone hiện nay như thế nào?
Màn hình điện thoại, đúng hơn là cụm màn hình, thường được cấu tạo từ ba thành phần: lớp kính bảo vệ, lớp cảm ứng và tấm màn hình LCD. Trên hầu hết các smartphone hiện nay, cả ba thành phần của màn hình (lớp kính bảo vệ, lớp cảm ứng và tấm màn hình LCD) đều được gắn liền với nhau để tăng chất lượng quang học và giảm độ dày của cụm màn hình. Chính vì vậy, khi màn hình bị hỏng, cách xử lý tối ưu nhất là thay hoàn toàn màn hình. Mặc dù có trường hợp chỉ cần thay kính bảo vệ, đây cũng chỉ là cách xử lý tạm thời và thường không đảm bảo độ bền về lâu dài.
2) Bạn có tự sửa chữa màn hình được không?
Đối với phần lớn điện thoại, để tháo được màn hình ra là một quá trình rất phức tạp. Với các điện thoại không nguyên khối, kỹ thuật viên có thể tháo máy và lấy được cụm màn hình khá dễ dàng. Tuy nhiên với các điện thoại nguyên khối hoặc siêu mỏng, việc tiếp cận màn hình khó hơn nhiều. Phần lớn trường hợp màn hình kết nối với phần khung bằng keo dính, do vậy cần phải gia nhiệt ở cụm màn hình để lớp keo này chảy ra. Quá trình gia nhiệt này nếu làm không khéo có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng màn hình và các linh kiện của máy. Với quy trình như trên, có thể nói việc thay màn hình không hề đơn giản, không phải ai cũng làm được. Do vậy, nếu có điều kiện thì người dùng nên lựa chọn thay màn hình tại các trung tâm bảo hành chính hãng. Không chỉ có quy trình tốt, các trung tâm này cũng có hình thức bảo hành sau khi thay màn hình cho khách.
3) Những nguyên nhân nào thường gặp xảy ra đối với màn hình cảm ứng trong quá trình sử dụng của người dùng?
Có nhiều lý do khiến màn hình bị hỏng, cả khách quan lẫn chủ quan. Tai nạn thường gặp nhất đối với người dùng smartphone là đánh rơi điện thoại, từ đó có thể dẫn tới trầy xước, hoặc nứt vỡ màn hình. Chiếc điện thoại của bạn cũng có thể bị hư hại nếu để trong túi chung với nhiều vật dụng to, nặng, hoặc đặt dưới gối khi ngủ. Sức ép lên điện thoại có thể khiến cho màn hình bị nứt. Đôi khi chỉ một vết nứt rất nhẹ ở góc là đủ khiến màn hình hỏng, mất cảm ứng.
Một trường hợp hỏng màn hình hay gặp khác là màn hình bị hỏng cảm ứng trong quá trình sử dụng, mặc dù không rơi vỡ gì. Thường thì trong trường hợp này chỉ có một phần màn hình không nhận cảm ứng, nhưng điều đó cũng đủ để gây khó chịu và làm ảnh hưởng tới trải nghiệm khi sử dụng. Trường hợp này thường chỉ xảy ra với các loại máy xách tay, có xuất xứ không rõ ràng, có thể là hàng loại 2, loại 3 được nhập từ nước ngoài về. Các loại máy này có thể được ghép linh kiện từ nhiều nguồn khác nhau, do đó chất lượng màn hình không được đảm bảo.
Ngoài ra, việc sử dụng các loại sạc kém chất lượng cũng có thể dẫn tới tình trạng này. Ngoài ra, còn một trường hợp hư hỏng màn hình khác có thể xảy ra ngay khi vừa mua máy, đó là lỗi điểm chết màn hình. Điểm chết là những điểm chỉ có thể hiển thị một màu sắc, thường là đen hoặc sáng trắng, chứ không thay đổi được theo nội dung.
4) Địa chỉ những nơi sửa chữa bảo hành, thay thế uy tín
Khi lựa chọn thay màn hình, bạn nên lựa chọn các trung tâm bảo hành chính hãng nếu được hỗ trợ, để có linh kiện và quy trình đảm bảo. Trong trường hợp buộc phải thay ở cửa hàng ngoài, bạn nên tham khảo kỹ các đánh giá của những người đã từng sửa chữa ở cửa hàng đó, để xem cửa hàng có uy tín hay không.
Ở Hà Nội và Hồ Chí Mình bạn có thể đưa máy đến các trung tâm bảo hành FPT hay các hệ thống phân phối lớn như Viettel Store, CellphoneS, Hoàng Hà để yêu cầu sửa dịch vụ và được tư vấn kĩ hơn về giá linh kiện và công sửa chữa.