Hoa là game phiêu lưu đi cảnh thiên về câu chuyện kể nhiều cảm xúc và đầy tham vọng đến từ Skrollcat Studio khá non trẻ. Mặc dù studio chỉ thành lập từ năm 2019, nhưng trò chơi được các thành viên trong nhóm thai nghén và lên ý tưởng phác thảo từ năm 2017. Ban đầu chỉ là dự án nhỏ như một thú vui bên ngoài công việc và học tập. Thế nhưng, đội ngũ phát triển bắt đầu bị cuốn vào dự án cá nhân đang thành hình của họ lúc nào chẳng biết. Cuối năm 2019, đồng sáng lập Cao Sơn Tùng quyết định nghỉ việc, dành toàn tâm toàn ý cho dự án.
Cơ may đã đưa Skrollcat Studio và studio Kyx đến với nhau. Nói như cách của Tùng là đôi bên hoàn thiện lẫn nhau và bổ sung những gì còn thiếu. Thế nhưng, thành công của Hoa không thể không kể đến chỉ đạo nghệ thuật của Lê Sơn Trà. Cô gái trẻ tràn đầy sức sống này chính là “nội lực” đằng sau phong cách đồ họa vẽ tay vô cùng ấn tượng trong trải nghiệm. Hình ảnh trong game gợi nhớ những bộ anime kinh điển của Studio Ghibli nhưng vẫn rất Việt Nam. Chúng là một phần tuổi thơ nhiều biến cố của người viết cũng như nhân vật chính vậy.
Kỳ thực, Hoa giống như phiên bản game của quyển sách thiếu nhi Dế mèn phiêu lưu ký của cụ Tô Hoài. Trải nghiệm bắt đầu khi nhân vật chính trở về quê hương sau thời gian dài xa cách. Ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên, bạn có thể thấy phép màu của Hoa khi thổi bùng sự sống trở lại trong mỗi bước chân trước vùng đất đang dần trở nên cằn cỗi, đánh thức cư dân ở đây khỏi giấc ngủ dài. Hành trình trở về cội nguồn của Hoa khiến người chơi tò mò đi tìm lời giải đáp. Đó cũng là câu chuyện kể để lại nhiều cảm xúc.
Đội ngũ phát triển khá tinh tế khi loại bỏ giao diện game, tránh che khuất tầm nhìn khỏi những chi tiết được chăm chút rất kỹ để tạo nên thế giới tuyệt vời trong Hoa. Đồ họa là điểm cộng lớn nhất của trò chơi, mang nhiều cái hồn Việt trong xây dựng bối cảnh. Bạn có thể bắt gặp những sinh vật quen thuộc của làng quê Việt Nam trong nhiều khung hình. Từ chuồn chuồn bay thấp thì mưa cho đến lá sen và thường xuân vốn là dược liệu quý trong đông y. Những tạo hình này để lại dấu ấn đồ họa rất riêng cho trò chơi trong suốt trải nghiệm.
Tuy nhiên, khía cạnh đi cảnh giải đố thì không ấn tượng như vậy. Hoa hướng đến trải nghiệm có tính thư giãn cao hơn là thử thách người chơi. Giống như Unravel, trò chơi không có chiến đấu. Môi trường đa dạng của màn chơi chẳng có yếu tố gây hại cho nhân vật trong suốt trải nghiệm. Tuy bọn người máy có thể làm phiền Hoa, nhưng mức độ nghiêm trọng nhất mà chúng gây ra là đẩy nhân vật văng vài bước và chỉ có thế. Những “ông trùm” từ vương quốc đá phủ đầy rêu và bác bạch tuộc chẳng hạn, nhìn khổng lồ vậy chứ cực kỳ thân thiện.
Các sinh vật khác trong thế giới của Hoa cũng vậy. Từ cậu sâu róm giúp bạn nhảy cao hơn đến bác bọ hung không biết bao lâu chưa được vươn cánh. Đội ngũ phát triển dường như muốn truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường thông qua game. Các NPC trong trải nghiệm đều là những côn trùng quen thuộc từ cuộc sống như bọ cánh cứng hay đom đóm… Ngược lại, lũ người máy đóng vai trò thù địch trong câu chuyện kể yên bình của trò chơi. Chúng dường như đại diện cho sự hỗn loạn và xung đột giữa người chơi và thiên nhiên trong thế giới game.
Định hướng thiết kế phi bạo lực này được duy trì trong suốt trải nghiệm Hoa. Mặc dù gần cuối trải nghiệm có phân đoạn đậm chất hành động với nhịp độ nhanh, nhưng chỉ để tăng kịch tính cho câu chuyện kể hơn là vì mục đích nào khác. Ý tưởng giải đố của Hoa cũng khá đơn giản, không lần nào khiến người viết cảm thấy hại não. Chỉ riêng màn chơi cuối là có tính thử thách tăng cao hơn trước đó, đòi hỏi khả năng nhìn nhận sự vật dưới góc độ khác. Thế nhưng, tôi không nghĩ nó đủ gọi là khó với phần lớn người chơi casual.
Hoa sẽ kém hào hứng hơn nếu thiếu những bản nhạc không lời tuyệt vời giúp thổi hồn cho trải nghiệm. Tuy nhiên, khía cạnh này để lại cho tôi cảm giác khá trái chiều, nhưng không phải vì chất lượng của soundtrack mà do cách thể hiện. Ở nửa đầu trải nghiệm, những phân đoạn khi nhạc cất lên được xử lý khéo léo, mang đến nhiều cảm xúc cho trải nghiệm. Thế nhưng về sau, bản nhạc tươi vui không còn phù hợp không khí trải nghiệm và bối cảnh, trong khi cách xử lý lúc nào tắt và mở nhạc để lại cho tôi cảm giác khá hụt hẫng vì thiếu tinh tế.
Tất nhiên, Hoa cũng còn vài vấn đề cần bàn khác. Một trong số đó là thiết kế hình ảnh của trò chơi tuy rất đẹp, tách bạch giữa các lớp tiền và hậu cảnh rất có chiều sâu, đôi lúc khiến người chơi suy nghĩ phức tạp như tôi khó định vị được đâu mới là mặt phẳng có thể di chuyển được. Tuy nhiên, do trải nghiệm khá tuyến tính và tương đối ngắn nên vấn đề này không đến mức gây ức chế. Cỡ chữ trong game cũng khá nhỏ, đặc biệt khi trải nghiệm ở chế độ handheld của máy Switch khiến người viết rất khó đọc được phụ đề tiếng Việt.
Ngay cả khi gắn dock thì phụ đề tiếng Anh cũng khá nhỏ. Mặc dù có hiệu năng khá tốt ở chế độ handheld, nhưng Hoa phiên bản Switch lại có chút vấn đề hiệu năng khi gắn dock. Chế độ này có hiện tượng suy giảm tốc độ khung hình dễ nhận thấy ở một số phân cảnh, trong khi hiệu năng tổng thể cũng thấp hơn chế độ handheld một chút. Tuy trải nghiệm “cầm tay” có hiệu năng tốt hơn, nhưng tôi vẫn gặp tình trạng giảm nhẹ tốc độ khung hình trong vài cảnh nhất định dù nó không ảnh hưởng lớn đến cảm giác trải nghiệm.
Đáng chú ý, Hoa phiên bản PlayStation 5 khai thác khá tốt tính năng adaptive trigger và haptic feedback đặc trưng của tay cầm DualSense trong trải nghiệm. Đơn cử như adaptive trigger cụ thể hóa thời gian bay của Hoa. Khi nhân vật sắp cạn sức bay, nút cò R2 sẽ khó bóp hơn. Tương tự, các hoạt động của Hoa trong trải nghiệm game cũng đều tận dụng tính năng haptic feedback. Tuy chưa tới mức sáng tạo nhưng cũng đủ làm mới cảm giác trải nghiệm. Bạn thậm chí còn nghe tiếng cây cỏ xào xạc từ loa tay cầm khi trải nghiệm nữa.
Sau cuối, Hoa mang đến một trải nghiệm phiêu lưu đi cảnh vô cùng ấn tượng về khía cạnh nghe nhìn và cũng là điểm cộng lớn nhất của trò chơi. Tuy cơ chế gameplay chỉ dừng ở mức cơ bản và có phần lặp lại trong thiết kế, nhưng khiếm khuyết này được bù đắp bằng cảm giác thư giãn nhẹ nhàng, truyền tải thông điệp thú vị thông qua trải nghiệm và câu chuyện kể của trò chơi. Đó cũng là lý do khiến nó trở thành cái tên vô cùng đáng cân nhắc, trừ khi bạn thích trải nghiệm phức tạp đậm tính hành động hơn.
Hoa hiện có cho PC (Windows, macOS), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!