Hitman 3 là phần chơi cuối cùng trong bộ ba game sandbox với lối chơi hành động lén lút được xây dựng trên nền tảng mới gọi là World of Assassination, khép lại câu chuyện về nhân vật chính Agent 47 với cái kết khá thỏa mãn. Mặc dù cốt truyện vẫn là điểm yếu nhất của trò chơi, nhưng mọi thứ khác đều được nâng tầm lên ít nhất một bậc. Từ đồ họa đẹp mắt và được tối ưu tốt trên hai thế hệ console cho đến thiết kế màn chơi xuất sắc, có giá trị chơi lại rất cao. Đặc biệt, đây cũng là phần chơi duy nhất trong bộ Hitman mới được phát hành cho Switch với hình ảnh đẹp như mơ.
Phần chơi này tiếp nối các sự kiện từ Hitman 2, đưa người chơi tiếp tục cuộc truy tìm những khuôn mặt đáng thương của tổ chức Providence. Tôi chỉ có thể bật mí một chi tiết thú vị là bạn sẽ lần đầu tiên thấy Agent 47 cười. Mặc dù phần chơi này có mục The Story So Far để tóm lược lại nội dung cho “tân sát thủ” chưa chơi hai phần trước, nhưng tôi khuyến cáo bạn nên trải nghiệm và tìm hiểu nội dung từ hai game Hitman cũ rồi hẵng chơi phần này. Hitman 3 có cách kể chuyện khá thú vị, nhưng nếu không tự tay trải nghiệm thì khả năng cao là bạn không cảm nhận được điều này.
Ở góc độ người chơi, Hitman 3 vẫn giữ nguyên công thức gameplay quen thuộc cũ, nhưng có thêm công cụ mới cho phép Agent 47 hack các loại cửa và khóa bảo mật cũng như bổ sung thêm hành vi mới của kẻ thù. Thay vì cải tiến hay bổ sung gameplay mới, nhà phát triển IO Interactive tập trung vào nâng cấp đồ họa và những cải tiến nhỏ giúp trải nghiệm thuận tiện hơn. Đây là hướng đi không mới nếu không nói là giống hệt Hitman 2 đã làm trước đây. Thế nhưng, những thử thách nho nhỏ mà đội ngũ phát triển đưa vào trải nghiệm giúp mang đến cho game cảm giác tươi mới hơn.
Về cơ bản, lối chơi của Hitman 3 vẫn không có gì thay đổi so với các game trước. Trong mỗi nhiệm vụ, trải nghiệm game vẫn yêu cầu người chơi ám sát các mục tiêu trong danh sách và kết thúc nhiệm vụ bằng cách trốn thoát khỏi môi trường màn chơi rộng lớn mà không bị phát hiện. Những gì bạn làm trong trải nghiệm hai phần chơi trước vẫn đóng vai trò quan trọng trong phần chơi này. Đó có thể là hạ gục kẻ thù, giấu xác hoặc làm bậc thầy hóa trang để qua mặt kẻ thù khác. Một số khu vực có những hạn chế này nọ kia hoặc có kẻ thù “nhìn xuyên thấu” bộ mặt thật của bạn.
Nếu bạn đã từng chơi hai phần Hitman trước, trải nghiệm vẫn rất quen thuộc mà không mất nhiều thời gian làm quen. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa Hitman 3 kém hào hứng so với người tiền nhiệm nếu không nói ngược lại là đằng khác. Tất cả nhờ vào thiết kế màn chơi xuất sắc, mang đến giá trị chơi lại rất cao dựa trên những kinh nghiệm hay thông tin mà bạn thu thập được trong lần chơi trước đó. Đây cũng là điểm cộng ấn tượng nhất của Hitman 3 khi so với các nhiệm vụ trong hai phần chơi tiền nhiệm, nhất là Hitman 2 từng để lại cho tôi cảm giác khá trái chiều.
Bạn có thể “tự biên tự diễn” ra kế hoạch và thực hiện theo cách mà bạn muốn. Có rất nhiều giải pháp để ám sát mục tiêu, từ dương đông kích tây lính canh để tiếp cận hay tạo lòng tin của NPC rồi “phản bội” họ. Đơn cử nhiệm vụ đầu tiên diễn ra trên tòa nhà chọc trời Burj Al-Ghazali nổi tiếng ở Dubai. Trong lần đầu trải nghiệm, tôi đã biến một mục tiêu ám sát thành vụ tai nạn ngoài ý muốn y như trong phim. Mặc dù gặp chút khó khăn với mục tiêu thứ hai nhưng tôi vẫn tìm được cách lấy lòng tin của nhân vật này, rồi “hẹn ăn trưa” và tiễn nạn nhân xấu số ra đi bằng “kẹo đồng”.
Trong suốt quá trình trải nghiệm, tôi có nhiều cơ hội khám phá tòa nhà và phát hiện ra những cách tiếp cận mới. Thay vì có kế hoạch ám sát như “tay mơ” nói trên, lần này tôi dùng kỹ năng hack cửa để ra vào như chốn không người. Từ đây, trải nghiệm diễn ra hoàn toàn khác dù vẫn là màn chơi đó. Thay vì “xử lý” từng NPC, lần này tôi hóa trang thành lính canh và dễ dàng tiếp cận cả hai mục tiêu trong căn phòng kín để dễ bề hành động. Kế hoạch ám sát mới diễn ra kín đáo hơn, dễ dàng đưa Agent 47 rời khỏi tòa nhà sau khi xong nhiệm vụ mà không bị ai phát hiện hay nghi ngờ.
Kỳ thực, đó chỉ là một trong nhiều tình huống trải nghiệm với giá trị chơi lại rất cao mà Hitman 3 mang đến. Mỗi lần chơi lại một màn chơi, bạn càng phác thảo được kế hoạch mới tốt hơn và tất nhiên khó lòng kiềm hãm sự sung sướng khi muốn thử nghiệm ngay và luôn hướng tiếp cận mới. Đó là cảm giác đầy thỏa mãn mà trải nghiệm game mang đến. Không khó để nhận ra phần chơi này được xây dựng tham vọng hơn rất nhiều so với hai phần trước, trao cho người chơi sự tự do hơn trong việc thực thi kế hoạch ám sát theo cách mà bạn muốn hay nghĩ ra.
Bạn có thể thực hiện ám sát theo cách kinh điển thường thấy trong phim là cho mục tiêu ăn “kẹo đồng” hoặc siết cổ. Thế nhưng, Hitman 3 cung cấp rất nhiều cách phức tạp và thú vị hơn để giành được điểm số cao làm Silent Assassin ở tổng kết cuối màn chơi thay vì Hired Gun. Mỗi màn chơi đều có rất nhiều thử thách được tạo ra để khuyến khích người chơi thực hiện nhiệm vụ theo cách mà bạn muốn. Đôi khi nó tạo cảm giác như là câu đố chờ bạn tìm lời giải thông qua trải nghiệm vậy. Những thử thách này giúp bạn rèn luyện kỹ năng hành động lén lút ngày một “gút chóp” hơn.
Đó có thể là một kế hoạch rất sáng tạo hay thậm chí rất quái dị mà chỉ cái đầu tinh vi của người chơi mới nghĩ ra. Thậm chí, bạn muốn làm rambo cũng được. Hitman 3 luôn khuyến khích bạn đa dạng trải nghiệm để nhận lại cảm giác tưởng thưởng xứng đáng. Khi hiểu rõ màn chơi trong lòng bàn tay, người chơi càng mở khóa thêm những điểm bắt đầu mới và tùy chọn trang bị dẫn đến cảm giác trải nghiệm cũng thay đổi. Đây là cách mà IO Interative “thả thính” bạn vào trải nghiệm và chơi đi chơi lại một màn, thay vì cố gắng hoàn thành liền tù tì các nhiệm vụ để xem ending.
Điều này có vẻ phù hợp với cách kể chuyện trong trải nghiệm game. Nếu như các phần trước người chơi nhận được từng mảnh ghép câu chuyện về những nhân vật trong “danh sách đen” để tìm cơ hội tiếp cận họ thì trong phần chơi này, cái chết của mỗi mục tiêu đều gây tác động đến cốt truyện. Nói một cách khác, cách kể chuyện trong Hitman 3 tạo cảm giác như bạn hay chính xác hơn là Agent 47 đang lãnh hậu quả từ những nhiệm vụ ám sát đó vậy. Chỉ có điều, nội dung game không để lại ấn tượng như thiết kế màn chơi vì mô típ quá quen thuộc trong phim hay game khác.
Trong số các nhiệm vụ của Hitman 3, tôi ấn tượng nhất là màn chơi Dartmoor rộng lớn được thiết kế gần như hoàn hảo với rất nhiều cách tiếp cận đầy sáng tạo. Màn chơi này trao cho bạn rất nhiều cơ hội tận dụng môi trường để đánh lạc hướng NPC, “tiễn” mục tiêu theo nhiều cách khác nhau và và mang đến giá trị chơi lại cực cao. Đó là chưa kể thiết kế bên trong và ngoài dinh thự nơi làm nhiệm chỉ có thể gọi là “đỉnh của chóp” với mức độ chi tiết cao. Kém hấp dẫn nhất có lẽ là nhiệm vụ Germany khi có quá đông NPC ở khắp nơi khiến việc ra tay rất khó khăn.
Không những vậy, thiết kế môi trường của màn chơi này cũng không để lại cho tôi nhiều ấn tượng khi so với Dubai hay Trùng Khánh (Chongqing). Tuy nhiên, tôi nghĩ những ai thích thử thách có lẽ vẫn cảm nhận được sự quyến rũ từ nhiệm vụ Germany vì lý do quá hiển nhiên. Đáng chú ý, dù bạn có thích màn chơi nào đó hay không thì vẫn có một điều bất di bất dịch trong trải nghiệm Hitman 3 là tất cả đều được thiết kế tỉ mỉ, trao cho người chơi nhiều phương án thực hiện nhiệm vụ. Đó là chưa kể đồ họa đẹp và sống động vẫn tiếp tục là điểm cộng của phần chơi này.
Bên cạnh hàng loạt điểm cộng nói trên, Hitman 3 còn có thêm điểm cộng thú vị trên từng hệ máy khác nhau. Hấp dẫn nhất phải kể đến bản PlayStation 5 hỗ trợ “phản hồi xúc giác” của tay cầm hệ máy này tương tự như Call of Duty: Black Ops Cold War, mang đến trải nghiệm nhiều cảm xúc hơn trong mỗi viên đạn. Mỗi loại vũ khí đều có độ giật khác nhau và được tái hiện thú vị qua tay cầm DualSense, đặc biệt là cảm giác bóp cò khẩu bắn tỉa khi bật Focus trong game rất khác biệt. Chưa kể, bạn cũng có thể “phê” trải nghiệm ở chế độ thực tế ảo nếu có bộ headset PlayStation VR.
Hấp dẫn vừa vừa là điểm cộng của Hitman 3 phiên bản Switch sở hữu đồ họa đẹp như mơ nhờ vào công nghệ stream hình ảnh qua internet thay vì dùng sức mạnh phần cứng của hệ máy để dựng hình. Phiên bản này có khá nhiều vấn đề mà chủ yếu liên quan đến đường truyền mạng chứ không vì lý do gì khác. Một trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng độ trễ giữa thao tác bấm nút trên tay cầm và hành động của nhân vật trong game đôi lúc khá ức chế. Tốc độ internet của bạn đóng vai trò rất lớn, biến hình ảnh từ đẹp như mơ đến mờ câm hay thậm chí giật hình trong chớp mắt.
Đó là chưa kể thời gian chờ kết nối với server stream dữ liệu cũng khá lâu, chờ rất sốt ruột. Khả năng cao là vài tháng nữa khi lượng người chơi giảm dần thì chắc không phải chờ lâu như thế nữa. Tuy nhiên, nếu có ý định trải nghiệm Hitman 3 trên hệ máy của Nintendo, lời khuyên của tôi là bạn nên tải game từ eShop và chơi thử nhiệm vụ ICA để kiểm tra kết nối internet có đáp ứng được tốc độ đường truyền không. Nếu được thì hẵng mua “trải nghiệm đầy đủ” được mở khóa trong phiên bản này, tránh trường hợp tiền mất tật mang vì không thể hoàn tiền trên eShop.
Chất lượng hình ảnh trong phiên bản Switch được điều chỉnh hoàn toàn tự động theo tốc độ đường truyền của người chơi theo thời gian thật. Thậm chí, mấy phân cảnh tối om trong game thường là điểm yếu chết người của công nghệ stream cũng được xử lý tốt, không gây ảnh hưởng đến chất lượng so với các clip thường thấy trên YouTube hay các trang stream khác. Tuy nhiên, phiên bản này có một điểm trừ khá lớn và gây ảnh hưởng đến trải nghiệm là không hỗ trợ con quay hồi chuyển vì lý do quá hiển nhiên, trong khi việc nhắm bắn bằng Joy-Con chẳng khác nào cực hình.
Điều đó cũng đồng nghĩa bạn đừng quan tâm nhiều đến “xuyên táo” trong trải nghiệm để chuốc thêm bực mình. Giải pháp thay thế trong trường hợp này là dùng tay cầm Pro Controller. Một vấn đề khác của phiên bản Switch là gần như không có khả năng chơi game cơ động vì phải stream dữ liệu liên tục từ internet. Tất nhiên, Hitman 3 cũng có vài điểm trừ nhỏ của riêng trò chơi chứ không liên quan hệ máy. Đầu tiên là chế độ chơi multiplayer Ghost bị “bay màu”. Đã vậy, thay vì hỗ trợ chơi co-op như Hitman 2, các nhiệm vụ Sniper Assassin giờ đây chỉ là trải nghiệm chơi đơn.
Sau cuối, Hitman 3 mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động lén lút sandbox rất đặc sắc với đồ họa đẹp, thiết kế màn chơi xuất sắc cùng giá trị chơi lại cao. Dù cốt truyện có mô típ cũ nhưng là cái kết thỏa mãn cho câu chuyện về chàng sát thủ mật danh 47 chưa từng cười, nay đã biết cười vì “it’s good to be back”. Nếu yêu thích nhân vật Agent 47 nói riêng và series Hitman nói chung, đây là cái tên phải có trong thư viện game của bạn nhưng nếu không, bạn biết phải bắt đầu từ đâu rồi chứ?
Hitman 3 được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series S|X, PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch và Google Stadia. Bản PC hiện chỉ có trên Epic Games Store.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!