Hellpoint giống như kết quả từ cuộc tình oan trái giữa Dark Souls và Dead Space. Trò chơi sở hữu lối chơi kế thừa từ Dark Souls, trong khi bối cảnh mang nhiều nét tương đồng với Dead Space với một số “gen lặn” tạo sự khác biệt. Trải nghiệm game diễn ra trên trạm vũ trụ Irid Novo bỏ hoang. Nhân vật của người chơi được gọi là Spawn, do đấng tạo hóa bí ẩn khai sinh bằng công nghệ sinh sản vô tính hay in 3D gì đó. Nhiệm vụ của bạn chỉ đơn giản là đi thu thập và điều tra mọi thứ ở nơi đây cho kẻ bí ẩn nói trên.
Nếu đã từng chơi Dark Souls hoặc những tựa game lấy cảm hứng từ series này, bạn sẽ thấy hệ thống chiến đấu của Hellpoint có nhiều cảm giác quen thuộc. Bên cạnh việc quản lý các thanh thể lực (stamina) và năng lượng (energy), nhân vật điều khiển cũng có khả năng đỡ, cản đòn với khả năng tấn công nhanh và mạnh. Chiến đấu không chỉ gói gọn ở tấn công cận chiến bằng đao kiếm vô tình, bạn còn có thể sử dụng phép thuật, vũ khí tầm xa cùng những kỹ năng kích hoạt từ vũ khí thông qua việc sử dụng chúng hiệu quả trong trận chiến.
Thành thạo một loại vũ khí sẽ nhận về buff khá thú vị. Đơn cử như vũ khí yêu thích nhất mà tôi thường dùng có tính năng tăng chiều dài và sát thương sâu hơn, giúp mở rộng tầm tấn công và vô cùng hữu dụng cho những phân đoạn chặt chém trong màn chơi. Hellpoint mang đến cảm giác chiến đấu khá thỏa mãn, nhất là khi mọi thứ trên trạm không gian này chỉ chực chờ cơ hội tiêu diệt bạn. Ngay cả thời gian cũng là “đồng bọn” của chúng. Lý do là vì Irid Novo mà bạn chinh chiến vốn là một vệ tinh xoay quanh lỗ đen vũ trụ.
Một vòng quỹ đạo của nó sẽ gặp hai cơn bão làm thay đổi môi trường bên trong trạm, chẳng hạn hồi sinh lũ quái vật hoặc mở ra những lối đi mà trước đó bạn không thể tiếp cận. Thậm chí, cơn bão này cũng có thể cường hóa kẻ thù trong Irid Novo. Thông tin này được hiển thị ở góc trên cùng bên trái màn hình, ngay bên cạnh các thanh máu, năng lượng và thể lực của nhân vật. Đồng nghĩa người chơi phải chú ý đến “giao thời” để lên kế hoạch khám phá hoặc quay lại những khu vực cũ mà bạn tưởng đã “dọn” sạch sành sanh trước đó.
Đây là tính năng mang dấu ấn riêng của Hellpoint so với những tựa game có cùng lối chơi. Phần thưởng của nó khá hậu hĩnh. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của tính năng này lại nằm ở câu chuyện nghe có vẻ chẳng liên quan: tối ưu hóa hiệu năng. Trong những phân đoạn nói trên, tình trạng sụt giảm tốc độ khung hình diễn ra đến mức khó chịu, khiến việc chống đỡ trước lực lượng thù địch tràn tới đánh hội đồng bạn là điều không hề đơn giản. May sao, nhà phát triển cho biết vấn đề này sẽ được giải quyết với cập nhật Day 1 khi phát hành.
Tuy nhiên, thời gian xoay quanh lỗ đen vũ trụ của Irid Novo còn nhiều thứ hay ho hơn thế. Đúng “giờ hoàng đạo”, bạn có thể mở được căn phòng chứa kho báu hoặc đối đầu với boss ẩn rất hấp dẫn. Điều thú vị là thời khắc nói trên không cố định mà thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là thời điểm mà bạn đang lang thang khám phá trạm không gian. Do tiết lộ hết sẽ mất đi tính bất ngờ trong trải nghiệm với những ai chưa chơi, nên tôi chỉ úp mở sương sương thế thôi.
Hellpoint có cách hồi máu và năng lượng khá thú vị dựa trên chỉ số Leech của vũ khí. Về cơ bản, bạn cần chiến đấu với kẻ thù để phục hồi thanh energy hoặc vật phẩm hồi máu. Tùy vào chỉ số nói trên mà nhân vật hồi được ít, nhiều hay thêm lượt sử dụng để tăng cơ hội sống sót. Ở góc độ người chơi, cách hồi máu này giúp người chơi có lợi thế hơn trong những trận đánh boss. Đổi lại đó là phải bỏ chút thời gian cày cuốc mỗi khi “try hard” với boss một lần nữa. Không may, nó sẽ là vấn đề nếu bạn bại trận liên tiếp.
Khi đó, nơi bạn ngã xuống sẽ biến thành Ghost và quay sang săn lùng bạn. Chúng không gây nhiều khó khăn so với những kẻ thù thông thường, nhưng lại khá linh hoạt nên cũng tạo chút thử thách và bất ngờ trong vài lần đầu đụng độ. Thế nhưng cũng giống như đánh boss, chỉ cần người chơi phản ứng nhanh với các thao tác đỡ, cản đòn và kiên nhẫn né tránh chờ thời thì Ghost chẳng là cái đinh gì. Dù vậy, nếu sơ ý để nhân vật chết nhiều lần liên tục, chúng sẽ gây khó chịu không nhỏ nhất là trong những lần đối đầu với boss.
Thiết kế màn chơi đa dạng với những pha đi cảnh tận dụng khả năng nhảy của nhân vật chính có lẽ là một trong những điểm cộng khác của Hellpoint. Chịu khó khám phá thường thưởng cho bạn vật phẩm hoặc lối tắt, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu vực khác nhau. Thậm chí, bạn cũng có thể tận dụng các lối tắt đó để tránh những cuộc chiến khó nhằn hoặc không cần thiết. Tuy nhiên, điểm trừ nhỏ là cảm giác điều khiển đi cảnh kém chính xác, nhiều trường hợp rất khó ước lượng khoảng cách nhảy giữa các vị trí.
Trong khi đó, trạm không gian Irid Novo được thiết kế theo nguyên tắc bình thông nhau. Mỗi khu vực thường được phân biệt bằng những gam màu và âm thanh tiếng động nhất định, khá dễ nhận biết nếu bạn chú ý đến tiểu tiết trong thiết kế game. Đơn cử như khu vực Embassy ở đầu trải nghiệm sử dụng tông màu cam ấm nóng với màn chơi khá tăm tối. Nếu chịu khó ẩn mình trong bóng tối và khám phá, bạn có thể tìm được kha khá bí mật của màn chơi, giúp trải nghiệm về sau “dễ thở” và đỡ mất thời gian di chuyển hơn rất nhiều.
Thế nhưng, phần thưởng khi khám phá đôi khi cũng là đụng độ kẻ thù mạnh hơn. Chưa kể, điểm trừ lớn nhất của Hellpoint là tối ưu hiệu năng chưa tốt, không ít lần biến nó trở thành kẻ thù của người chơi trong chiến đấu. Đáng nói, với một tựa game nhập vai hành động đòi hỏi đỡ và cản đòn chính xác, hiệu năng kém là điểm trừ rất lớn dù vấn đề này có thể giải quyết bằng những bản vá trong tương lai gần. Không những vậy, game cũng không cung cấp những thông tin cần thiết để người chơi biết phải đi đâu hay làm gì.
Hellpoint có câu chuyện kể bí hiểm và chẳng giúp ích gì trong vấn đề tưởng chừng rất cơ bản nói trên. Phần lớn trường hợp, bạn phải tự lực cánh sinh và đó không phải là con đường hoa hồng với bất kỳ người chơi mới nào của thể loại này. Ở góc độ người chơi, tôi không nghĩ đây là điểm trừ nhưng nếu gọi là điểm cộng cũng không phải. Nó tùy thuộc vào trình độ chơi game của mỗi người. May mắn là “đứa con tinh thần” của nhà phát triển Cradle Games cũng không đặt nặng vấn đề trừng phạt những sai sót của người chơi.
Trừ Axion có thể xem như một loại tiền tệ dùng để “sắm sửa” cho nhân vật, mọi thứ mà bạn thu thập được đều không bị mất đi khi người chơi không thể bảo toàn sinh mạng cho Spawn. Ngược lại, Axion chia thành hai loại với điều kiện khác nhau khi bạn để nhân vật chính “đi về nơi xa”. Một loại do người chơi thu thập từ những mảnh pha lê vẫn được bảo toàn khi Spawn “về thành dưỡng sức”, nhưng Axion có được từ việc tiêu diệt kẻ thù sẽ nằm lại nơi chiến trường. Bạn phải quay lại để thu thập nếu để nhân vật chết.
Một điểm cộng khá thú vị khác là bên cạnh chế độ online “gọi điện thoại cho người thân” quen thuộc của dòng game Dark Souls, Hellpoint còn hỗ trợ co-op chia đôi màn hình hai người cùng chơi. Đây là tính năng hiếm thấy trong các tựa game phát hành những năm gần đây, nhất là trên nền tảng console khi chơi online vốn là dịch vụ phải trả phí. Thú vị hơn hết, hiệu năng khi chơi ở chế độ chia đôi màn hình có phần tốt hơn so với solo, cho thấy vấn đề lớn nhất của trò chơi nằm ở khâu tối ưu chưa tốt chứ không phải do game engine.
Sau cuối, Hellpoint mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động nhập vai khá hấp dẫn và có phần khác biệt thú vị so với những tựa game dùng chung công thức Dark Souls. Tuy một số cơ chế gameplay như hệ thống chiến đấu mang nhiều cảm giác quen thuộc của series nói trên, nhưng khía cạnh khám phá được mở rộng với nhiều bí mật và hấp dẫn hơn chính là điểm cộng lớn nhất của tựa game này. Câu kết kinh điển lần này chắc bạn cũng đoán ra rồi đấy!
Hellpoint hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4 và Xbox One. Bản Nintendo Switch dự kiến ra mắt vào cuối năm 2020.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác