Sự kiện WWDC 2016 vừa qua có một thuật ngữ mà Apple đề cập đến nhưng ít được giới công nghệ quan tâm, đó là APFS. Vậy APFS là gì, nó quan trọng như thế nào với Apple?
Theo Apple, hệ thống mới này có tên là File System Apple (APFS) sẽ được sử dụng trên tất cả các thiết bị của Apple, có nghĩa là nó sẽ có mặt trên các hệ điều hành gồm: macOS, iOS, watchOS và tvOS. Để hiểu rõ về APFS đầu tiên bạn phải hiểu File System nghĩa là gì?
File system hay hệ thống tập tin (HTTT) có chức năng tổ chức và kiểm soát các tập tin và siêu dữ liệu tương ứng, được lưu trên ổ đĩa nhằm cho phép truy cập nhanh chóng và an toàn. HTTT sắp xếp dữ liệu được lưu trên đĩa cứng của máy tính, kiểm soát thường xuyên vị trí vật lý của mọi thành phần dữ liệu trên đĩa trong khi vẫn cho phép người dùng truy cập nhanh chóng và an toàn khi cần thiết. HTTT làm việc như một hệ chỉ mục số, cho phép máy tính nhanh chóng tìm thấy một tập tin nào đó, bất chấp kích thước hay cấu hình của ổ đĩa lưu trữ cũng như vị trí lưu trữ của các byte dữ liệu nằm ở đâu trên đĩa. Mọi hệ điều hành từ MS-DOS cho đến Windows 95, Windows XP, Windows 10, OS X hay Linux đều có HTTT riêng. Tuy mọi HTTT đều thực hiện cùng chức năng nhưng chúng lại khác nhau về thiết kế và mức độ phức tạp.
Nhắc lại với Apple, họ đã chính thức áp dụng APFS vào bản beta của hệ điều hành mới nhất của họ – macOS Sierra. Trước đó, Apple sử dụng HTTT HFS+ cho hệ điều hành của mình từ năm 1998. APFS là một hệ thống hoàn toàn mới được thiết kế nhằm phù hợp hơn cho phần cứng hiện đại ngày nay cũng như công nghệ “điện toán đám mây”, đồng thời thêm vào các tính năng mã hóa, bảo mật và độ tin cậy mà hệ thống cũ của Apple là HFS+ không có. Tuy nhiên, việc thay đổi một HTTT là không dễ dàng (như Microsoft cũng từng gặp rất nhiều vấn đề với FAT, FAT32 và NTFS). Apple sẽ tích hợp từ từ vào bên trong các HDH của mình với tham vọng thống nhất HTTT mới này vào tất cả nền tảng của mình bao gồm macOS, iOS, watchOS và tvOS.
Trên cơ bản, bạn sẽ không nhận thấy nhiều khác biệt khi Apple thay đổi HTTT qua APFS. Tuy nhiên đằng sau nó là rất nhiều sự cải tiến. Đầu tiên có thể kể đến là khả năng mã hóa và giải mã tốt hơn và nhanh hơn với APFS. Hay như HTTT cũ của Apple khả năng monitor các tập tin tính bằng giây (không đủ để theo dõi các thay đổi tập tin với phần cứng hiện nay) thì APFS thời gian sẽ tính trên nano giây. Việc phân bổ không gian cũng có thể thao tác dễ dàng hơn trên APFS khi bạn muốn “mượn” không gian trống của ổ này cho ổ khác, hay tạo một phân vùng mới với một số “tài nguyên” còn trống. Khả năng cuối cùng của APFS được nói đến là hỗ trợ ổ SSD tốt hơn rất nhiều so với HFS+ và với xu hướng sử dụng ổ SSD ngày một phổ biến thì buộc Apple phải thay đổi.
APFS cũng có nhược điểm, trước mắt là khả năng tương thích với các nền tảng cũ. Tuy nhiên điều này Apple có lẽ sẽ khắc phục được trong tương lai. Trước mắt, trong bản beta của macOS Sierra, Apple đã cho phép tạo một ổ đĩa định dạng APFS. Tuy nhiên chưa có nhiều tính năng trên ổ đĩa này ngoài tính năng ghi và đọc thông thường. Bạn cũng không thể tạo Startup Disk trên APFS. Có lẽ bạn phải đợi đến năm 2017 mới thấy được thật nhiều thay đổi mới được tích hợp sâu trong các nền tảng Apple nhằm hỗ trợ cho APFS.