Huawei đang nỗ lực để kịp ra mắt hệ điều hành Huawei dành cho Android và Windows. Theo một báo cáo mới, mọi nỗ lực của họ đều được hỗ trợ bởi các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc.
Theo một báo cáo của Global Times, các công ty lớn của Trung Quốc như Tencent, OPPO và VIVO đã gửi nhân viên đến Huawei để thử nghiệm HongMeng OS (tên nội bộ của hệ điều hành Huawei).
Theo các báo cáo gần đây, nền tảng này được gọi là HongMeng, nhưng theo nhiều thông tin rò rỉ đã được công bố thì có thể nó có tên là Ark OS. Nó được coi là một hệ điều hành thay thế cho cả Android và Windows, mặc dù các ứng dụng Android sẽ là ưu tiên của công ty.
Nguồn tin nói trên khẳng định các thử nghiệm cho thấy tốc độ sử dụng HongMeng tăng đáng kể so với phiên bản Android hiện có. “HongMeng nhanh hơn ít nhất 60% so với Android”, báo cáo ghi nhận.
Shao Yang – Giám đốc chiến lược của Huawei cho biết: “Huawei chưa thể cung cấp bất kỳ thông tin cụ thể nào về thời điểm hệ điều hành có thể ra mắt công khai, ngày phát hành vẫn là một bí mật”.
Tuy nhiên theo giới phân tích thì HongMeng có thể được hoàn thiện cho các thiết bị Trung Quốc ngay trong mùa thu này, trong khi việc ra mắt “phiên bản quốc tế” phải đến năm 2020.
Do không còn được phép sử dụng Android và Windows trên các thiết bị của mình, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã phải đẩy lùi việc ra mắt một số thiết bị, bao gồm cả một máy tính xách tay Windows dự kiến sẽ ra mắt trong tuần này.
Theo lệnh cấm hành pháp được ký bởi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5, Huawei có thể tiếp tục cung cấp các bản cập nhật cho các thiết bị đã có trên thị trường, nhưng mặt khác, không được phép tung ra các sản phẩm mới sử dụng phần mềm hoặc phần cứng thuộc các công ty Mỹ.
Do đó, Huawei đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào các công ty có trụ sở tại Mỹ và sử dụng nhiều bộ phận hơn từ các công ty Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy phát triển hệ điều hành Huawei “cây nhà lá vườn” của mình để thay thế Android và Windows.
Tuy nhiên, việc có thể “chuyển đổi” người dùng chuyển qua HĐH mới này là một vấn đề rất khó với Huawei. Trong quá khứ, nhiều hãng công nghệ có tiếng tăm từng thử sức với HĐH riêng của mình nhưng cùng chung kết quả là sự thất bại, chẳng hạn Windows Phone của Microsoft hay Tizen của Samsung. Một trong những điểm khó nhất đó chính là số lượng ứng dụng hỗ trợ.
Có thể nói mặc dù việc nỗ lực ra mắt sớm nền tảng riêng sẽ giúp Huawei bớt phụ thuộc vào đối tác. Nhưng để có thể thúc đẩy hệ sinh thái ứng dụng mới đi kèm hệ điều hành và thu hút người dùng nó là thách thức lớn nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào, không nói riêng Huawei.