Hannah là trải nghiệm đi cảnh giải đố 3D với câu chuyện kể đáng nhớ, nhiều cảm xúc, có thể gây ám ảnh với những người chơi nhạy cảm. Trò chơi sở hữu khía cạnh nghe nhìn ấn tượng với thiết kế môi trường trải nghiệm theo phong cách hình ảnh siêu thực, đưa người chơi đến với cuộc hành trình đi tìm búp bê bị thất lạc của nhân vật chính Hannah như cái tựa gợi ý. Tuy vậy, game có vài ý tưởng thiết kế hơi khó hiểu.
Một trong số đó là khía cạnh câu chuyện kể được thuật lại thông qua những băng VHS mà người chơi thu thập được trong mỗi màn chơi. Thế nhưng những băng VHS này được giấu khá kỹ, đến mức bạn có thể vô tình hay cố ý bỏ qua. Vấn đề ở chỗ, thu thập thiếu những băng VHS sẽ dẫn đến người chơi bị mất đi những phần ký ức được kể lại nhằm giúp bạn hiểu rõ về câu chuyện của Hannah nói riêng và trải nghiệm game nói chung.
Đây có vẻ là ý tưởng nhằm buộc người chơi phải trải nghiệm đầy đủ mọi ngóc ngách trong các màn chơi của Hannah, thậm chí phải chơi lại thu thập đủ băng VHS chỉ để hiểu cốt truyện. Mặc dù cũng lùng sục khá kỹ nhưng tôi cũng không tránh khỏi bỏ sót vài băng VHS khi mở trúng cánh cửa qua màn nào đó. Thiết kế này hơi lạ vì thời lượng chơi của game vừa đủ, không quá dài cũng chẳng quá ngắn như Puppet House mà tôi mới trải nghiệm gần đây.
Ý tưởng giải đố và xây dựng môi trường màn chơi của Hannah có vài nét tương đồng Little Nightmares II, thường đòi hỏi người chơi thử sai trước những cạm bẫy trong màn chơi. Những phân đoạn đi cảnh cũng vậy, thường xuyên khiến nhân vật chết tức tưởi vì khó cảm nhận được vị trí nhảy chính xác do chủ ý thiết kế. Trong một số trường hợp gây ức chế, Hannah còn bị ném đồ từ trên trời xuống đầu khiến tôi không kiểm soát được cú nhảy của cô bé.
Thế nhưng khó chịu nhất là góc nhìn camera thường xuyên thay đổi liên tục, khiến tôi cảm thấy rất dễ bị chóng mặt và tạo ra những sai lầm đi cảnh rất bực bội. Tôi đồ rằng nhà phát triển muốn tạo những góc quay có tính điện ảnh để tăng tính nghệ thuật cho trải nghiệm Hannah. Tuy nhiên, việc tập trung quá mức vào yếu tố điện ảnh lại vô tình gây ức chế, thậm chí tác dụng ngược đến trải nghiệm của người chơi thì cần phải cân nhắc.
Nếu đủ bao dung để bỏ qua các vấn đề kể trên, Hannah mang đến trải nghiệm rất đáng nhớ theo nhiều cách khác nhau. Trò chơi mở đầu đã tạo nên chút cảm giác bất an cho người chơi khi nhân vật chính rơi vào thế giới kỳ lạ. Mọi thứ từ môi trường xung quanh đến ký ức của cô bé đều có gì đó không bình thường. Đó có thể là những đồ vật nằm rải rác hay những sinh vật đáng sợ với hình thù quái dị như được khâu vào nhau thành hình dạng mà bạn thấy.
Mỗi đồ vật trong màn chơi đều mang đến cảm giác như đội ngũ phát triển tạo ra chúng đều có chủ đích. Từ chiếc đồng hồ, tấm ván sàn nhà bị hỏng, cho tới những món đồ nội thất rất khổng lồ so với hình dạng của nhân vật chính, khiến tôi không khỏi nghĩ ngay đến Little Nightmares của Tarsier Studios. Khác biệt lớn nhất so với Six hay Kid trong series game vừa đề cập là Hannah có tạo hình không hề dễ thương và luôn mang biểu cảm sợ hãi trên khuôn mặt.
Vẻ sợ hãi này cũng được thể hiện trong những hình ảnh siêu thực trong trải nghiệm game thông qua môi trường màn chơi. Trò chơi không cung cấp thông tin cho người chơi. Thay vào đó là sử dụng yếu tố môi trường, các đoạn video trong những băng VHS thu thập được và tương tác đồ vật thông qua nhân vật điều khiển để xây dựng những mảnh ghép của câu chuyện kể. Chính vì vậy mà việc thu thập thiếu băng VHS biến cốt truyện trở nên hổng lỗ chỗ rất khó chịu khi hoàn thành game.
Câu chuyện kể của Hannah vừa mang tính cá nhân vừa khá phổ quát, xoay quanh những chủ đề thường thấy trong thể loại game kinh di như nỗi sợ hãi và những ký ức mơ hồ không có lời thoại, đòi hỏi người chơi phải chú tâm để hiểu. Nhiều tựa game đã từng khai thác những đề tài tương tự, nhưng nhà phát triển Spaceboy có những thiết kế khá lạ để tạo nên dấu ấn riêng cho đứa con tinh thần của họ, từ khía cạnh nghe nhìn và điều khiển cho đến đi cảnh, giải đố.
Các câu đố trong trải nghiệm Hannah có thể khá thử thách vì thường không có gợi ý nào về hướng giải đố. Người chơi phải tận dụng hiệu quả môi trường màn chơi, kết hợp với những phân đoạn đi cảnh đôi lúc khá ức chế. Điều khiển chẳng hạn. Trò chơi xây dựng cơ chế điều khiển không có cảm giác trực quan dù sử dụng tay cầm hay bàn phím. Tuy nhiên tôi không khuyến cáo bạn trải nghiệm game bằng bàn phím để tránh rước bực bội không cần thiết.
Nói vậy không có nghĩa trải nghiệm bằng tay cầm có cảm giác trực quan hơn. Chỉ là ít ức chế hơn. Đơn cử những phân đoạn đu dây. Trong các game đi cảnh thường đơn giản hóa việc đu dây bằng cách kéo cần analog lên hoặc xuống. Nhà phát triển Spaceboy thì chọn lối đi của người thành công là dùng nút trigger phải để đu dây lên và trigger trái để đu dây xuống. Nó không trực quan đã đành mà giống như cố tình gây khó cho người chơi vậy.
Phần lớn những thử thách trong trải nghiệm Hannah dù là giải đố hay đi cảnh đều là chủ ý của nhà phát triển. Có phân đoạn đi cảnh tôi để Hannah rơi xuống vực nhiều tới nỗi tự hỏi tại sao phải ngồi hành xác với tựa game này, trong khi có nhiều trải nghiệm vui vẻ hơn đang chờ. Đấy là lý do mà thay vì lên bài dịp Halloween cho đúng điệu, đến tận giờ tôi mới lên bài dù trò chơi có thời lượng không quá dài. Ai bảo do chơi dở thì tôi cười duyên thôi.
Tương tự series Little Nightmares, trải nghiệm Hannah đòi hỏi sự kiên trì không nhỏ, đặc biệt khi game thiết kế không có tính định hướng người chơi trong thiết kế màn chơi. Cá nhân tôi phải chơi hơn nửa game mới bắt đầu quen dần với cảm giác khó chịu ban đầu và tập trung cảm xúc vào khám phá thế giới nội tâm của nhân vật chính thông qua những hình ảnh có chủ đích trong môi trường màn chơi. Thật khó để nói đây là điểm cộng hay điểm trừ của Hannah.
Trong khi đó, khía cạnh nghe nhìn của trò chơi lại rất ấn tượng. Đồ họa đẹp, sử dụng những tông màu tối trong phần lớn thiết kế. Những phân đoạn nào cần làm nổi bật cảm giác sợ hãi thì được nhà phát triển tạo điểm nhấn tối đa bằng cách sử dụng hiệu ứng ánh sáng. Tuy không đến mức khiến tôi nổi da gà nhưng những ai thần kinh yếu hoặc trí tưởng tượng phong phú có thể khó tránh khỏi cảm giác lạnh sống lưng khi gặp những sinh vật trong game.
Nhà phát triển khá chắc tay trong việc tạo dựng nên bầu không khí căng thẳng thường trực khi kết hợp chặt chẽ khía cạnh nghe nhìn. Ánh sáng mờ ảo đan xen tạo cảm giác hình ảnh cong vênh hay những sinh vật quen thuộc được gắn thêm vài chi tiết dị hình nào đó. Mọi khía cạnh trong môi trường màn chơi đều làm nổi bật cái cảm giác rùng rợn xuyên suốt trải nghiệm game, gợi lên những ký ức bất ổn của nhân vật chính. Hay là ai đó mà người chơi chưa rõ?
Âm thanh tiếng động cũng được xử lý rất đỉnh trong trải nghiệm Hannah. Những tiếng động trong môi trường màn chơi luôn tạo cảm giác bất an khi không biết chúng đến từ đâu trong suốt cuộc khám phá đầy ám ảnh về nội tâm của nhân vật chính. Tôi chỉ ghét nhất là tiếng hét hoảng loạn của Hannah mỗi khi cô bé rơi xuống vực sâu. Thậm chí nhiều khi chỉ suýt rơi cũng gào lên, nhức cả đầu. Tiếng thét vô tội vạ đó không rõ có phải lại là một chủ đích khác của Spaceboy hay không.
Sau cuối, Hannah mang đến một trải nghiệm phiêu lưu giải đố 3D khá ấn tượng ở nhiều khía cạnh, miễn là bạn có thể vượt qua những cảm giác khó chịu ban đầu, dù là sự kiên nhẫn hay vì chủ ý thiết kế của đội ngũ phát triển. Đồ họa và âm thanh ấn tượng. Xây dựng màn chơi xuất sắc. Bầu không khí đầy căng thẳng. Câu chuyện kể nhiều cảm xúc nhưng dễ tạo những lỗ hổng khó chịu. Lối chơi thử thách đến mức có thể gây ức chế. Nhiêu đó liệu có đủ thuyết phục bạn chưa?
Hannah hiện có cho PC (Windows), Xbox Series X|S, Xbox One và hỗ trợ Xbox Play Anywhere.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox Series X và PC.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!