Habroxia là tựa game shoot ’em (shmup) mang nhiều cảm giác hoài cổ có thời lượng chơi ngắn đến bất ngờ, phù hợp với người chơi casual muốn thử sức với thể loại vốn nổi tiếng là “khó nhằn” này.
Habroxia được thiết kế để mang đến một trải nghiệm shmup khá kinh điển của dòng game shmup với yếu tố nâng cấp để “mồi chài” người chơi về giá trị chơi lại. Phần lớn các màn chơi đều thiết kế theo màn hình ngang, nhưng thỉnh thoảng cũng có những lúc trò chơi chuyển từ màn hình ngang sang dọc. Nếu không chú ý, người chơi có thể va vào kẻ thù “xếp lớp” trong những khoảnh khắc chuyển đổi này, khá là ức chế. Dù vậy, việc chuyển đổi giữa màn hình dọc và màn hình ngang không làm thay đổi lối chơi cơ bản của game. Nhiệm vụ của người chơi vẫn là tiêu diệt mọi thứ xuất hiện trên màn hình và chỉ có thế.
Điểm nhấn của Habroxia nằm ở phi thuyền chiến đấu của bạn có ba chế độ bắn: bắn thẳng, bắn ngang từ hai bên cánh và bắn tầm rộng. Trừ bắn thẳng, hai kiểu bắn còn lại sử dụng một tổ hợp nút bấm riêng nhưng phần lớn đều không cần thiết do thiết kế màn chơi không tận dụng những hướng bắn này. Hai cơ chế bắn còn lại thậm chí khá vô dụng trong những trận đánh boss, thật sự rất đáng tiếc. Hậu cảnh trong game cũng vậy, không tạo cảm giác khác biệt mà thường chỉ sử dụng cảnh nền không gian tăm tối cho tất cả màn chơi. Đây là một thiết kế khá lạ khi phần lớn những tựa game cùng thể loại đều tận dụng cảnh nền để gây khó cho người chơi.
Ở góc độ người chơi, Habroxia mang cảm giác như hướng đến người chơi casual hơn là những “tay súng” kỳ cựu của thể loại này. Nhiều lựa chọn thiết kế game của nhà phát triển thiết kế khiến trải nghiệm trở nên khá dễ dàng, không có nhiều tính thử thách. Đặc biệt, mỗi màn chơi đều có thời lượng chơi khá ngắn, phù hợp trải nghiệm cơ động trên Nintendo Switch và PlayStation Vita hơn là PlayStation 4. Yếu tố nâng cấp trong game được thiết kế như một cách để tạo giá trị chơi lại ở mức độ vừa phải, chủ yếu do những lần chơi đầu tiên thường gặp nhiều khó khăn vì kẻ thù “trâu bò” hơn so với vũ khí mặc định của phi thuyền.
Nhà phát triển cũng có đưa vào một số cơ chế để giúp tạo giá trị chơi lại, được mở khóa thì bạn hoàn thành các màn chơi nhất định. Tuy nhiên, các chế độ chơi này chỉ xoay quanh yếu tố trải nghiệm kiểu endless, với gameplay lấy trực tiếp từ phần chơi chính ra. Vấn đề ở chỗ, các chế độ chơi trong game, từ Story cho tới những chế độ chơi mở khóa khi hoàn thành trải nghiệm chính đều khá dễ, gần như không có tính thử thách, điều mà hầu hết những tựa game thuộc thể loại này ít nhiều đều cố gắng mang đến. Đơn cử như chế độ chơi Rescue, đòi hỏi bạn phải thu thập các phi hành gia xuất hiện trong không gian màn chơi, nhưng không được thiết kế giấu kín hay có động thái gì làm khó người chơi cả.
Hay như chế độ chơi được mở khóa cuối cùng là Shield Maiden, về cơ bản là độ khó cao của Habroxia. Phi thuyền của người chơi chỉ có vũ khí yếu nhất ở đầu trải nghiệm Story. Ngoài thu thập màn chắn cho phi thuyền, bạn cũng không được nâng cấp bất kỳ thứ gì như trong Story. Chế độ chơi này có tính thử thách khá cao và có lẽ được thiết kế dành cho những người chơi hardcore của thể loại này hơn là đối tượng chính mà trò chơi hướng đến. Tuy nhiên, do trải nghiệm vẫn là những màn chơi quen thuộc với cảnh nền tẻ nhạt, nên giá trị chơi lại trong trường hợp này không cao, khá là đáng tiếc. Ngược lại, boss trong game có một số thiết kế khá ngầu, nhưng lại thiếu tính thử thách cần thiết để tạo sự hào hứng cho người chơi.
Một điều mà tôi cũng lấy làm tiếc là Habroxia không hỗ trợ chơi co-op hai người. Với đặc trưng của thể loại này và đặc biệt là thiết kế hướng đến người chơi casual, tôi nghĩ game sẽ có giá trị chơi lại cao hơn nếu hỗ trợ co-op hai người dù chỉ là local. Điều này có thể ít nhiều bù đắp cho một số thiếu sót trong thiết kế của trò chơi. Sở dĩ tôi phải nói như vậy vì yếu tố quan trọng nhất là điều khiển được nhà phát triển làm rất tốt. Việc điều khiển phi thuyền chiến đấu hay “bay nhanh” trong trải nghiệm đều được phản hồi nhanh và chính xác theo tương tác nhấn nút của người chơi. Hiệu năng game cũng thế, rất tốt ngay cả ở chế độ handheld hay dock mà không có vấn đề gì. Chưa kể, nhạc nền lẫn đồ họa kiểu hoài cổ cũng khá ổn.
Sau cuối, Habroxia mang đến một trải nghiệm shoot ’em up khá trái chiều nếu bạn là một người chơi lâu năm của thể loại này. Trò chơi có mọi thứ cần thiết làm tiền đề cho một tựa game shmup hấp dẫn, tiếc là nhà phát triển không thể “bứt phá” trong thiết kế game để tạo nên một trải nghiệm khác biệt so với những gì hiện có trên thị trường. Dù vậy, người chơi mới của thể loại này hoặc những người chơi casual có lẽ sẽ hào hứng với độ khó “tưởng khó mà dễ” mà tựa game này mang đến hơn so với những đối tượng khác.
Habroxia được phát hành cho PlayStation 4, Nintendo Switch và PlayStation Vita.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác