Gris là tựa game đưa bạn đến cuộc hành trình đầy cảm xúc với từng khung hình trong game giống như những bức tranh tuyệt tác độc đáo, nhạc nền sử dụng những giai điệu dương cầm nhẹ nhàng, sâu lắng, kết hợp cùng yếu tố đi cảnh, giải đố ở mức cơ bản.
Gris mở đầu khá khó hiểu, sử dụng những ý tưởng hình ảnh mang tính biểu tượng để kể lại câu chuyện thay vì dùng lời thoại như thường thấy. Nhân vật của người chơi là một cô gái trẻ đau khổ vì mất đi giọng nói, lang thang vô thức trong một thế giới cảnh quan được tạo hình chỉ có hai màu trắng và xám. Càng khám phá, người chơi càng mở ra những sắc màu mới, không gian mới và kỹ năng mới để vượt qua “sóng gió” phía trước. Liệu cô gái có lấy lại được giọng nói, tìm lại được tâm hồn và bản sắc của chính mình? Câu trả lời đang chờ bạn ở phía cuối cuộc hành trình.
Kỳ thực, với yếu tố đi cảnh và giải đố chỉ ở mức cơ bản, Gris là một tựa game rất dễ chơi và tiếp cận. Trò chơi gây cho tôi ấn tượng mạnh với phong cách mỹ thuật độc đáo, sử dụng những gam màu tương phản nhau hết sức ấn tượng như trắng đi với xám hay xanh đi với đỏ v.v… Đáng nói là đồ họa của trò chơi nhìn khá đơn giản với những thiết kế trông rất đối xứng và tinh tế, cho thấy người họa sĩ đã bỏ khá nhiều công sức để tạo nên những bức tranh hoàn mỹ như thế. Một trong những khoảnh khắc khiến tôi cảm thấy choáng ngợp là khi nhân vật rơi từ trên không xuống với ánh mặt trời rọi sáng cả một khoảng trời giữa một số đường kẻ dọc tương phản màu sắc khác.
Ngay cả tạo hình của nhân vật chính cũng vậy, mang nhiều cảm giác vẽ tay không chỉ ở tạo hình mà cả các hiệu ứng đồ họa đi kèm lẫn chuyển động của nhân vật. Chẳng hạn, bạn có thể nhìn chiếc váy của cô gái để so sánh mỗi khi nhân vật di chuyển hay những lúc thực hiện một kỹ năng đặc biệt nào đó, như lặn dưới nước hay biến nó thành một “quả tạ ngàn cân”, một kỹ năng chỉ được mở khóa về sau trong trải nghiệm. Không chỉ thể hiện đồ họa ấn tượng trong không gian màn chơi, Gris còn gây ấn tượng với hệ thống menu đơn giản nhưng đẹp tuyệt, được thiết kế gợi nhiều cảm giác như lấy cảm hứng từ những vật phẩm mà người chơi phải thu thập trong trải nghiệm game để mở khóa màn chơi và kỹ năng mới cho nhân vật chính.
Thậm chí, nói không sai khi đây là một trong những tựa game có đồ họa ấn tượng nhất mà tôi được trải nghiệm gần đây. Điều này đồng thời cũng được bảo chứng với giải thưởng Best Art dành cho Gris tại sự kiện BIG Festival 2019 vừa mới diễn ra tại São Paulo ở Brazil. Nhà phát triển có lẽ cũng muốn người chơi tập trung vào yếu tố này nên thường sử dụng góc nhìn camera ở khoảng cách xa nhất có thể, giúp tôn toàn bộ “bữa tiệc thị giác” mà trò chơi mang đến. Không may là yếu tố này đôi lúc là một trở ngại trên màn hình Nintendo Switch khá nhỏ ở chế độ handheld, khiến yếu tố trải nghiệm cơ động của hệ máy này phần nào giảm đi giá trị. Tôi khuyến khích bạn trải nghiệm ở chế độ dock hoặc PC hơn để cảm nhận trọn vẹn những khoảnh khắc đó.
Lối chơi của Gris khá đơn giản. Ban đầu, bạn chỉ có thể điều khiển nhân vật chạy và nhảy, nhưng không lâu sau đó bạn sẽ học được nhảy hai bước và nhiều kỹ năng mới trên cuộc hành trình. Tuy nhiên, những kỹ năng này chỉ mang tính hỗ trợ chứ không thật sự là điểm nhấn trong trải nghiệm khám phá của trò chơi. Phần lớn, người chơi phải tìm cách nhảy từ một độ cao nhất định, vận dụng “quả tạ ngàn cân” và trọng lực để mở lối đi. Chỉ một số khoảnh khắc khác mới đòi bạn tương tác. Thế nhưng càng về sau, yếu tố tương tác lại đảo chiều trở nên dày đặc hơn trong khi yếu tố “rơi tự do” nói trên lại giảm dần đi.
Nếu xét ở khía cạnh tổng quát thì trải nghiệm tương tác và khám phá khá cân bằng, nhưng nếu xét riêng từng thời điểm thì có lẽ không hề đối xứng như thiết kế mỹ thuật nói trên của trò chơi. Dù vậy, tôi cũng phải thừa nhận là chưa từng quan tâm vấn đề này trong suốt trải nghiệm, cho đến khi ngồi lại và hoàn thành bài viết. Phần lớn yếu tố thử thách của trò chơi nằm ở chỗ bạn có tìm được điểm tương tác hay một lối đi bí mật cần “quả tạ” như đã nói ở trên không. Nếu tìm được hoặc tinh mắt phát hiện ra, Gris sẽ là một game khá dễ chơi và tiếp cận, trong khi ngược lại thì đó sẽ là một điểm trừ trong trải nghiệm không tránh khỏi với bạn.
Trải nghiệm Gris khá tuyến tính dù màn chơi thường chia lối đi thành nhiều nhánh. Những nhánh này chủ yếu chỉ có mục đích để bạn thu thập các biểu tượng cho mục đích tương tác hoặc giải đố, không gây nhiều khó khăn ở hai khía cạnh này nếu không muốn nói là khá dễ. Hiếm hoi lắm mới có một tình huống khiến bạn phải động não một chút, nhưng chủ yếu là canh đúng thời điểm chẳng hạn như yếu tố “đóng băng”. Mọi thứ chỉ khó khi bạn không nhìn thấy lối đi hiển thị rõ ràng, nhưng tôi nghĩ đó cũng là ý đồ thiết kế của nhà phát triển. Chưa kể, nhiều khung cảnh choáng ngợp dễ khiến tôi bỏ thời gian ngắm cảnh hơn là tập trung trải nghiệm. Không biết đây nên gọi là điểm cộng hay điểm trừ của game nữa.
Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của trò chơi chính là ở yếu tố đồ họa ấn tượng về thị giác, nhưng không ít lần gây rối cho người chơi trong việc phân biệt đâu là “chướng ngại” có thể đi xuyên qua và đâu mới là chướng ngại thật sự trừ khi bạn thử kiểm chứng. Vấn đề này nhiều khi khá ức chế trong trải nghiệm, nhất là khi không hiếm trường hợp tôi bị nhầm lẫn giữa tiền cảnh, hậu cảnh và “lạc trôi” do sai lầm này, phải thực hiện thao tác đi cảnh để quay lại địa điểm cũ ban đầu, khá là bực mình. Mặc dù nghe có vẻ nhỏ nhặt nhưng với trải nghiệm thiên về yếu tố khám phá, đây thật sự một vấn đề gây nhiều khó chịu hơn bạn hình dung ban đầu và đó cũng là lý do nó là điểm trừ lớn nhất của Gris.
Sau cuối, Gris mang đến một trải nghiệm khá ấn tượng về thị giác và thính giác, tuy nhiên một số vấn đề trong yếu tố đi cảnh khám phá của trò chơi có thể mang đến cảm nhận khá trái chiều tùy vào mỗi người chơi. Nếu đặt nặng hai yếu tố nói trên trong trải nghiệm game, đây có thể là một điểm trừ rất lớn và ngược lại. Điều này khiến tựa game này khó có thể dành cho tất cả mọi người dù dễ chơi và dễ tiếp cận. Tuy vậy, trò chơi vẫn mang đến một trải nghiệm khá tuyệt vời mà tôi nghĩ bạn không nên bỏ qua vì lý do “cỏn con” nói trên. Không phải tự nhiên mà Gris mang về cả hai giải thưởng Best Game và Best Art tại sự kiện BIG Festival năm nay, cũng như các giải thưởng tương tự từ những sự kiện khác như Game Developers Choice, Webby, SXSW Gaming, National Academy of Video Game Trade Reviewers…
Gris hiện có cho PC (Windows, macOS), PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch, Android và iOS.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Để bổ sung thêm cho bài đánh giá, tôi muốn nhấn mạnh một số yếu tố đáng chú ý khác trong Gris mà có thể vẫn chưa được đề cập:
Dựng lại tâm trạng qua màu sắc
Gris không chỉ đơn thuần là một trò chơi mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tương tác thể hiện sâu sắc tâm trạng của con người. Mỗi sắc thái màu sắc không chỉ mang lại cảm giác thị giác mà còn tượng trưng cho trạng thái tâm lý của nhân vật. Thông qua những chuyển biến màu sắc từ xám sang xanh, đỏ và vàng, người chơi như được cảm nhận tiến trình hồi phục và sự tìm thấy bản thân của nhân vật, điều này khiến Gris trở thành một trải nghiệm chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn chỉ là một trò chơi thông thường.
Âm nhạc và trải nghiệm cảm xúc
Phần âm nhạc được sáng tác bởi Berlinist đã tạo nên một bầu không khí cực kỳ cuốn hút cho trò chơi. Những bản nhạc piano nhẹ nhàng, kết hợp hoàn hảo với các cảnh động, không chỉ làm nền mà còn tương tác cùng với cảm xúc của nhân vật. Âm nhạc không chỉ là một phần trong trò chơi mà nó có thể làm cho bạn cảm thấy hưng phấn, buồn bã hoặc thậm chí sững sờ tùy thuộc vào diễn biến của câu chuyện, tạo nên một sự kết nối sâu sắc với người chơi.
Cách kể chuyện độc đáo
Việc không sử dụng lời thoại mà vẫn truyền đạt được cảm xúc và câu chuyện một cách mạnh mẽ thật sự là một điểm cộng lớn cho Gris. Cách kể chuyện này không chỉ thách thức những chuẩn mực của ngành game mà còn khiến người chơi chú ý hơn đến từng hình ảnh và yếu tố đồ họa. Điều này cũng thúc đẩy bạn tự khám phá và hiểu sâu hơn về những gì đang diễn ra trong thế giới của Gris.
Khả năng tương tác thấp nhưng ý nghĩa
Đúng là lối chơi của Gris có vẻ đơn giản và trở ngại ít, tuy nhiên điều này không làm giảm giá trị của trải nghiệm. Thực tế, chính sự tối giản đó lại giúp người chơi tập trung vào cái đẹp của hình ảnh và âm thanh, khuyến khích khám phá và cảm thụ hơn là chỉ tập trung vào việc vượt qua thử thách. Mặc dù không có nhiều yếu tố tương tác, nhưng điều đó vẫn đủ để đem lại sự thoải mái và thư giãn trong suốt quá trình chơi.
Tóm lại, Gris không chỉ là một trò chơi mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang lại nhiều cảm xúc và suy tư cho người chơi. Hãy để cho mình đắm chìm trong thế giới của Gris và cảm nhận những điều tuyệt vời mà tựa game này mang lại!
Bài viết gợi ý thêm cho người đọc về những khía cạnh thú vị hơn của Gris, nếu chưa từng trải nghiệm tựa game này, hãy thử ngay nhé!