GRIP: Combat Racing là tựa game đua xe hành động “tốc độ bàn thờ” hấp dẫn và vô cùng kịch tính trong từng khoảnh khắc.
Extreme-G là một trong những tựa game đua xe tốc độ trên nền tảng Nintendo 64 những năm cuối thập niên 90 mà đến giờ vẫn còn nhớ mãi. Trò chơi mang đến trải nghiệm đua xe tốc độ cao, với thiết kế màn đua cực kỳ sáng tạo giống như một tàu lượn siêu tốc trong những khu vui chơi giải trí cảm giác mạnh. Hơn 20 năm trôi qua nhưng tôi gần như vô vọng trong tìm kiếm một tựa game mang đến cảm giác đua xe “máu lửa” ngày xưa, cho đến khi GRIP: Combat Racing xuất hiện.
Về cơ bản, GRIP: Combat Racing là một tựa game đua xe kết hợp giữa yếu tố viễn tưởng giống như series WipEout về đỉnh cao tốc độ, cộng với yếu tố thu thập power-up như các tựa game đua xe kart chẳng hạn Mario Kart. Trước đây, cũng có một số tựa game chạy theo thiết kế độc đáo này như Blur hay Split/Second, nhưng cả hai đều thất bại nặng nề về mặt thương mại có lẽ vì không đáp ứng được kỳ vọng của người chơi mà tôi là một trong số đó. Liệu thời thế thay đổi bây giờ có giúp GRIP làm nên chuyện?
GRIP trong tiếng Anh có nghĩa là sự nắm chặt và danh từ này là một cái tựa hết sức phù hợp với toàn bộ trải nghiệm của trò chơi. Bạn sẽ điều khiển cỗ máy “siêu tốc độ” trên môi trường đường đua gần như không trọng lực, thu thập các power-up với mục tiêu cuối cùng là triệt hạ tất cả đối thủ để giành thứ hạng cao nhất. Thú vị ở chỗ, con xe của người chơi di chuyển gần ngang với tốc độ âm thanh, tức hơn 300 mét mỗi giây hay nói cho khoa học một tí thì là cỡ 0,5 Mach. Đua xe ở tốc độ cao như vậy mà còn kèm theo chiến đấu triệt hạ đối thủ thì có lẽ không còn gì hấp dẫn hơn. GRIP: Combat Racing là một game như thế.
Trên thực tế, để có thể “đua như bay” ở tốc độ khủng khiếp nói trên thì bất kỳ một dao động nào trong điều khiển cũng rất dễ khiến tay đua tử nạn. GRIP: Combat Racing cũng không phải ngoại lệ. Một cái đẩy nhẹ cần analog cũng có thể khiến “tốc độ bàn thờ” mà bạn đang duy trì lệch khỏi đường đua. Trò chơi kỳ thực là một game đua xe khá khó, nhất là với những ai chưa từng trải nghiệm bất cứ tựa game nào mà tôi đề cập đến trong bài. Ngay cả khi đã chơi những tựa game nói trên, bạn cũng sẽ cần một chút thời gian để làm quen với trải nghiệm đường đua tử thần trong trò chơi.
Cảm giác đua trong GRIP: Combat Racing rất “đã” và phấn khích, với phần điều khiển trực quan và khá dễ dàng, không mất nhiều thời gian để làm quen. Người chơi sẽ dễ dàng nhận thấy điều này ngay từ vài vòng đua đầu tiên, hay thậm chí là trong phần tutorial ban đầu. Hiệu ứng vật lý được thiết kế rất tốt, cảm giác va chạm ở tốc độ cao dễ dàng trở thành một thảm họa gần giống như ngoài đời. Một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến xe của bạn quay vòng. Thiết kế này buộc người chơi phải cố gắng né tránh những va quẹt mà tập trung vào trình độ “tay lái lụa” của mình để bứt phá đối thủ.
Thú vị nhất vẫn là khả năng bám dính mọi môi trường đường đua của cỗ máy tốc độ nhờ vào những bánh xe đầy gai nhìn rất ngầu. Nếu không tận dụng toàn bộ đường đua theo đúng nghĩa đen, trải nghiệm GRIP: Combat Racing có thể gây khó khăn nhiều hơn bạn tưởng. Bạn có thể di chuyển ở mặt đường ban đầu, từ cạnh bên hay thậm chí là “nhảy tót” lên tấm trần với mục đích duy nhất là giữ con xe duy trì ổn định ở tốc độ cao. Con xe có thể di chuyển qua lại như đang đua trong một ống lồng vô trọng lực, với hàng loạt những chướng ngại vật và “cơ hội” chờ đón phía trước.
Dọc đường đua là những power-up được đặt ở những khúc cua hoặc những vị trí khá nguy hiểm, mang đến một cảm giác khá phấn khích cho những ai có tư tưởng “liều ăn nhiều”. Bạn sẽ làm gì để giành vị trí của đối phương trong trường hợp này: xả hết tốc độ bằng “tay lái lụa” hay chơi chiêu? Lựa chọn nào cũng có rủi ro, nhưng đường tắt như chơi chiêu thì rủi ro tăng vọt đến 96 lần. Nếu không cẩn thận, bạn có thể lao thẳng vào chướng ngại vật hay “I believe I can fly” ra khỏi đường đua khi cố thu thập power-up. Ngược lại, bứt phá đối thủ bằng kỹ năng xử lý “tốc độ bàn thờ” cũng không phải là chuyện dễ thực hiện.
Thiết kế đường đua khá đa dạng về trải nghiệm, nhưng không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Nhà phát triển cho biết họ cố gắng đa dạng hóa yếu tố này để mang đến trải nghiệm hấp dẫn nhất cho tất cả mọi người. Tất nhiên, đa dạng cũng đồng nghĩa sẽ có lúc bạn thích hoặc không thích điều này hay điều kia và các đường đua trong GRIP: Combat Racing là ví dụ điển hình. Bản thân tôi khá thích những đường đua không gian mở trong game, một phần vì nó mang cảm giác bứt phá tốc độ rất phấn khích và nhiều lựa chọn đường nhánh hơn. Mọi chuyện trở nên khó khăn hơn khi vào những đường đua hẹp.
Tuy nhiên, ở góc độ người chơi thì tôi không xem đây là điểm trừ của GRIP: Combat Racing. Mỗi đường đua đều có ưu và khuyết điểm riêng, tùy mỗi chế độ chơi mà mang đến cảm giác trải nghiệm hào hứng khác nhau. Chẳng hạn đường đua mở dễ khiến bạn đi lạc ở vòng đua ban đầu nhưng cho bạn nhiều cơ hội để làm quen vòng đua và triệt hạ đối thủ bằng power-up hơn. Ngược lại, đường đua hẹp có nhiều chướng ngại vật hơn, đòi hỏi thực lực của người chơi hơn là phụ thuộc vào power-up. Hầu hết chỉ khó và thử thách người chơi nhiều hơn một chút so với những đường đua có không gian rộng lớn và mở mà thôi.
Mặt khác, GRIP: Combat Racing khá đa dạng về nội dung. Trò chơi có rất nhiều chế độ chơi khác nhau và khả năng tùy biến cho con xe cao. Phần chơi đơn khá thú vị khi các cơ chế hay đường đua mới lần lượt được giới thiệu đến trải nghiệm trong một khoảng thời gian hợp lý khi bạn hoàn thành các Tournament. Bạn cũng có thể mở khóa thêm các “cỗ máy tốc độ” mới khi đạt cấp độ nhất định thông qua trải nghiệm game. Các con xe đều khá cân bằng, kết hợp với các chế độ chơi đa dạng mang đến những trận đua khá thỏa mãn dù độ khó khá cao.
Tuy nhiên, điều này không hẳn là vấn đề vì bạn có thể restart lại trận đua bất kỳ lúc nào và bao nhiêu lần cũng được. Nó giống như một cách để gian lận trong game hợp pháp vậy. Với những tay đua hardcore của thể loại này thì đây có thể là một điểm trừ, nhưng nó là tính năng tùy chọn và cần thiết với người chơi mới, nhất là với độ khó khá cao của trò chơi. Hấp dẫn nhất có lẽ là phần chơi Arena, cho phép nhiều người chơi cùng tham gia vào vòng đua tử thần kiểu game Twisted Metal kinh điển ngày xưa, với hàng đống kiểu chơi hết sức hào hứng.
Đồ họa cũng là một điểm cộng trong trải nghiệm GRIP: Combat Racing. Tôi chủ yếu trải nghiệm trên Xbox One với bản cập nhật mới nhất có tốc độ khung hình ổn định, điều khá quan trọng trong bất kỳ tựa game đua xe nào. Quang cảnh đường đua khá đẹp và mang đậm chất viễn tưởng dù chưa đến mức gây được ấn tượng. Tuy nhiên, thử nghiệm trên bản Nintendo Switch thì người chơi phải hy sinh khá nhiều về chất lượng đồ họa, răng cưa xuất hiện khắp nơi và hình ảnh nhìn chung hơn mờ để che xấu. Dù vậy, tôi nghĩ điều này không quan trọng lắm vì bạn sẽ không có nhiều cơ hội để săm soi đồ họa của trò chơi khi bắt đầu “tốc độ bàn thờ” trên đường đua. Điểm cộng là tốc độ khung hình ổn định ở hai chế độ handheld và dock.
Sau cuối, GRIP: Combat Racing mang đến một trải nghiệm đua xe tốc độ chiến đấu cực kỳ hấp dẫn. Điểm nhấn lớn nhất của trò chơi là thiết kế màn đua ấn tượng, đa dạng với cảm giác đua và chiến đấu hết sức hào hứng. Soundtrack cũng là một điểm cộng thú vị với dòng nhạc điện tử DnB đầy sôi động, khá “chất”, tạo cảm giác “máu lửa” cho cuộc đua. Chưa kể, đồ họa khá đẹp và nhiều nội dung khiến tựa game này là một lựa chọn rất đáng chú ý với những ai đam mê tốc độ trong từng khoảnh khắc.
GRIP: Combat Racing được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.