Ngày 25/10, Công ty TNHH Grab đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quan ngại về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.
Theo Grab, với vai trò là đơn vị tiên phong ứng dụng CNTT, góp phần đưa ngành vận tải Việt Nam hòa nhập, bắt kịp làn sóng công nghệ 4.0, doanh nghiệp này cảm thấy bất ngờ và quan ngại với những nội dung, quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Giao thông Vận tải vừa trình lên Chính phủ.
Nổi bật, Điều 3.7 quy định “Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe vận tải ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên; Điều 3.2 quy định “Kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa, quyết định giá cước vận tải”.
Điều đó có nghĩa là xe ô tô từ 09 chỗ trở xuống sẽ không áp dụng hợp đồng vận tải điện tử, và tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải. Những quy định này không chỉ đi ngược chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chánh mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Liên quan đến phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi, Grab), vào chiều ngày 23/10 mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.
Cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát cho biết đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được nguyên đơn chứng minh trong quá trình xét hỏi.
Mặc dù theo đề án 24, Grab chỉ cung cấp nền tảng kết nối nhưng giấy đăng ký kinh doanh của Grab thể hiện lĩnh vực đăng ký kinh doanh vận tải. Đồng thời cũng điều hành dịch vụ vận tải taxi: thu tiền cước, quản lý tài xế, quyết định mức chiết khấu, thưởng phạt với tài xế,… Grab thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó có cả cuốc xe 0 đồng. Từ đây có đủ cơ sở xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, kinh doanh không đúng đề án 24.
Trên cơ sở các con số được điều tra và tính toán, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.