Nhân ngày An toàn mạng thế giới – Safer Internet Day 2024 (6/2), Google phối hợp cùng Cục An Toàn Thông Tin (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) phát hành video hướng dẫn người cao tuổi cách nhận biết và phòng vệ trước những thủ đoạn lừa đảo trực tuyến.
Đây là nỗ lực tiếp theo của Google trong chương trình “An toàn thông tin trên không gian mạng cho người lớn tuổi”, giúp người lớn tuổi tại Việt Nam tự tin sử dụng internet, tăng cường nhận thức về an toàn thông tin và phòng tránh lừa đảo.
Với tên gọi “An toàn lên mạng, An tâm vui sống cùng Google”, video đã giả lập 3 tình huống lừa đảo trực tuyến mà người lớn tuổi thường gặp phải và hướng dẫn cách xử lý đối với từng tình huống. Các tình huống bao gồm: Trang web giả mạo, ứng dụng không rõ nguồn gốc, kẻ gian chiếm tài khoản. Nội dung video được nghệ sĩ Xuân Bắc thể hiện thông qua những lời thơ dí dỏm và dễ nhớ, nhấn mạnh thông điệp “Nâng cao cảnh giác – Cập nhật thường xuyên – An tâm vui sống”.
Cũng trong các hoạt động hướng đến ngày An toàn mạng thế giới 2024, Google đã thực hiện khảo sát trên 1.248 người dùng internet Việt Nam về an toàn thông tin trực tuyến. Kết quả khảo sát cho thấy 90% người dùng đã từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến và hơn 70% từng là nạn nhân. Nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương, với 49% đã từng bị lừa đảo.
Khi tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân, top 3 lý do khiến người lớn tuổi sập bẫy lừa đảo trực tuyến là: Không nhận ra tình huống là một trò lừa đảo (48%), giao dịch/giải thưởng có vẻ hấp dẫn (39%), cảm thấy tò mò (38%). Về ảnh hưởng của thói quen, 78% người dùng có thói quen online không an toàn đã từng bị lừa, cao hơn so với con số tương ứng là 66% ở nhóm người dùng có thói quen online an toàn.
Một số thói quen không an toàn phổ biến là: Sử dụng các tổ hợp dễ nhớ làm mật khẩu, sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản, hoặc bỏ qua các cảnh báo từ trình duyệt web hoặc cửa hàng ứng dụng. Điển hình như việc sử dụng mật khẩu đơn giản, khảo sát cho thấy 33% nhóm người dùng trên 55 tuổi mắc phải thói quen này – chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm tuổi.
Lưu ý rằng, người dùng internet tại Việt Nam không có sự khác biệt rõ ràng về tỷ lệ bị lừa đảo giữa nhóm nông thôn và thành thị hoặc theo thời gian online. Cụ thể, tỷ lệ người sống ở nông thôn có tỷ lệ bị lừa là 69% – so với nhóm sống ở thành thị là 73%. Tỷ lệ bị lừa ở nhóm online nhiều (hơn 7 giờ/ngày trong 3 tháng gần nhất) là 69% – so với nhóm online ít là 75%. Như vậy sự cẩn trọng trong thói quen lên mạng là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến năng lực phòng chống lừa đảo trực tuyến.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng những thói quen online an toàn, chương trình “An toàn thông tin trên không gian mạng cho người lớn tuổi” được Google triển khai với trọng tâm là xây dựng thói quen tốt cho người lớn tuổi như: Bảo mật tài khoản, thận trọng khi chia sẻ thông tin trên mạng, nhận diện các thủ đoạn lừa đảo, các nguyên tắc hành động khi gặp trường hợp lừa đảo và khi đã bị lừa đảo.
Cẩm nang An toàn trực tuyến và các tài liệu tham khảo khác hiện đã được Google phát hành miễn phí tại đây. Video “An toàn lên mạng, An tâm vui sống cùng Google” được phát sóng trên kênh YouTube chính thức của Cục An Toàn Thông Tin.
Trước đó, chương trình “An toàn thông tin trên không gian mạng cho người lớn tuổi” đã được Google triển khai tại Việt Nam từ tháng 8/2023 thông qua sự phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Trung tâm Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng (CFC Việt Nam). Google đã cung cấp cuốn “Cẩm nang An toàn trực tuyến” làm tài liệu đào tạo, giúp chương trình tập huấn cho hơn 9.000 thanh niên trên toàn quốc về an toàn trực tuyến, qua đó tập huấn lại cho hơn 6.700 người cao tuổi về thói quen giữ an toàn thông tin trực tuyến thông qua các hoạt động cộng đồng tại địa phương.
Ngày 30/11/2023, Google đồng hành cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức sự kiện “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong chuyển đổi số”, kết hợp tập huấn cho các đoàn viên thanh niên và hội Cựu chiến binh Việt Nam. Tại sự kiện, Google đã trao tặng 500 suất Học bổng An ninh mạng cho thanh niên Việt Nam.