CCG vốn không phải quá hiếm trên thị trường, thế nhưng việc kết hợp thể loại đậm tính chiến thuật theo lượt này với dòng game chiến thuật thời gian thật nghe có vẻ gì đó sai sai. Vậy mà Golem Gates làm được điều ngược lại, không những không sai mà còn mang đến một trải nghiệm khá độc đáo, với mức độ thử thách “không phải dạng vừa đâu”.
Golem Gates mở đầu với câu chuyện mà tôi nghĩ bạn cũng sẽ chẳng quan tâm đến làm gì. Đại loại là hậu tận thế, cả thế giới trở nên hoang tàn và các máy móc gọi là Golem Gates lên ngôi. Vấn đề ở chỗ, những máy móc này chỉ có thể điều khiển bởi những kẻ có thể thao túng một thứ gọi là Ash. Người chơi vào vai Harbinger, một kẻ có khả năng thao túng Ash để tạo những đạo quân máy chiến đấu cho hắn. Thế nhưng, nhân vật này không có ý định điều khiển các Golem Gates mà mục đích chính là muốn phá tan tất cả những cỗ máy này, đồng thời tiêu diệt những kẻ có khả năng thao túng Ash nhưng lại mang mưu đồ bất chính.
Với một cốt truyện như thế, những tưởng Golem Gates sẽ có một thế giới rất hấp dẫn với nhiều thông tin về những con boss “phá làng hại xóm” nói trên. Đáng tiếc là trò chơi lại khiến tôi khá thất vọng ở yếu tố này khi sở hữu một cốt truyện không có gì đáng nhớ. Ngược lại, gameplay lại khá hào hứng và hấp dẫn khi kết hợp giữa hai thể loại vốn mang đến cảm giác trải nghiệm trái ngược nhau. Trong game, các thẻ bài được gọi là glyph và người chơi điều khiển chúng thông qua lối chơi chiến thuật thời gian thật quen thuộc. Nhìn chung, lối chơi của Golem Gates khá đơn giản, nhưng tính chiến thuật thì không hề đơn giản như tôi tưởng.
Bạn chọn nhân vật hoặc quân để di chuyển chúng từ nơi này sang nơi khác và sử dụng thẻ bài để triệu hồi thêm quân, các công trình phòng thủ, buff cho quân ta hoặc các loại bẫy rập. Mỗi trận, người chơi được trao cho năm loại glyph khác nhau và nếu không ưng, bạn có thể xào lại bài để đổi năm glyph khác sau một thời gian chờ đợi nhất định. Các glyph này đều nằm trong bộ bài ban đầu mà bạn có thể tùy biến và bổ sung với số lượng không hạn chế. Vấn đề ở chỗ, mỗi khi xào bài thì bạn sẽ bị giới hạn không thể di chuyển trong 15 giây. Thời lượng này thoạt nghe có vẻ không nhiều nhưng nó lại là cơ hội sống còn trong không ít trường hợp do lối chơi nhịp độ nhanh đặc trưng của trò chơi.
Trong suốt trải nghiệm, người chơi có thể nhận thêm các glyph mới mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ, hoặc bạn cũng có thể sử dụng tiền tệ trong game để “nặn” (forge) thêm glyph mới. Đáng chú ý, trò chơi không có bất kỳ các yếu tố free-to-play nào trong trải nghiệm gây ảnh hưởng đến cân bằng hay cho phép người chơi mua thêm glyph bằng tiền thật. Không những vậy, bạn cũng có thể mở khóa thêm các hero mới nhưng trong mỗi trận chiến chỉ có thể sử dụng một hero. Mỗi nhân vật đều có một kỹ năng riêng khi chiến đấu và họ rất mạnh so với các quân thông thường mà bạn triệu hồi.
Ngay mỗi đầu màn, trò chơi chơi sẽ bắt đầu tăng dần số lượng glyph và một thanh năng lượng có sẵn. Bạn sẽ cần năng lượng để sử dụng những glyph nói trên. Đây có lẽ là cách mà nhà phát triển hạn chế người chơi sử dụng những glyph mạnh ngay từ đầu trận có thể làm giảm đi yếu tố thử thách mà trải nghiệm game mang đến. Với quyền năng đặc biệt, nhân vật Harbinger có thể sử dụng glyph để làm phép lên kẻ thù hoặc đặt bẫy, nhưng đó là khi bạn đã mở được “màn sương” che phủ quen thuộc trong những tựa game thuộc thể loại chiến thuật thời gian thật. Yếu tố này không những giúp người chơi ẩn khỏi kẻ thù mà còn trao cho bạn cơ hội hành động lén lút khi cần, mang đến một lớp chiến thuật khá hấp dẫn.
Tuy nhiên, có glyph ngon mà không đủ năng lượng để triển khai thì cũng như không. Trò chơi đẩy nhanh vấn đề này bằng các generator mà bạn có thể chiếm lấy, được sắp đặt rải rác màn chơi. Chúng không những giúp tăng thanh năng lượng nhanh hơn mà còn tạo thêm một lớp chiến thuật trong cuộc chiến. Không chỉ người chơi mà kẻ thù cũng có thể dễ dàng chiếm lại các generator để “tư lợi” cho bản thân. Không những vậy, hầu hết mục tiêu nhiệm vụ đều tận dụng ưu thế của yếu tố này, buộc người chơi phải vận dụng chiến thuật để bảo vệ các generator khỏi kẻ thù ở nhiều vị trí khác nhau. Vấn đề ở chỗ, càng về sau thì trải nghiệm Golem Gates mang cảm giác lặp lại vì lối chơi đặc trưng này.
Bên cạnh phần chơi đơn Campaign theo cốt truyện, Golem Gates còn có các chế độ chơi khác như Trials mang tính thử thách, trao cho người chơi cơ hội chiến đấu trong một tình huống nhất định; hay Survival hỗ trợ co-op với người chơi khác và cuối cùng là chế độ chơi Versus hỗ trợ so tài cùng người chơi khác hoặc với AI. Tuy nhiên, tôi không có điều kiện thử nghiệm những tính năng này đủ để viết về chúng. Trước đây, các phần chơi này từng gây khó khăn cho tôi khi không kiếm được người chơi cùng trên phiên bản PC và Nintendo Switch cũng không phải là ngoại lệ, dù có thể do thời điểm bài viết thì trò chơi chưa có nhiều người tham gia vào trải nghiệm.
Sau cuối, Golem Gates mang đến một trải nghiệm khá hào hứng và hấp dẫn khi kết hợp giữa hai lối chơi thẻ bài và chiến thuật thời gian thật. Ngoài đồ họa kém cạnh so với PC, bản Nintendo Switch cũng có chút vấn đề với tốc độ khung hình bị sụt giảm nhẹ ở những cảnh hành động nặng, nhưng may mắn là chưa khi nào đến mức phá hỏng trải nghiệm. Dù vậy, với lối chơi đặc trưng, tựa game này lại khá phù hợp với khả năng cơ động của nền tảng này, khiến nó nhanh chóng trở thành một lựa chọn đáng chú ý trong thư viện game nếu bạn yêu thích thể loại chiến thuật thời gian thật.
Golem Gates được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác