God Eater 3 là phần chơi chính thứ ba trong series game hành động nhập vai chặt chém God Eater.
God Eater là một series game nhập vai hành động lâu năm, lấy đề tài khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, nếu không có “thâm niên” chơi game, có thể bạn sẽ rất ít nghe đến series này vì nhiều lý do. Một trong những lý do đó là vì series này chủ yếu tập trung vào các nền tảng máy chơi game cầm tay PlayStation Portable và Vita hơn là console hay PC. Chỉ những năm gần đây, khi các hệ máy chơi game cầm tay của Sony không còn thu hút được nhiều người chơi thì series này mới bắt đầu đổ bộ lên các nền tảng chơi game khác. God Eater 3 là phần chơi mới nhất trong series này, rời bỏ các nền tảng portable để đến với console và PC.
Về cơ bản, có thể ví God Eater 3 như phiên bản anime của game Monster Hunter: World mà trước đây tôi từng trải nghiệm. Nhân vật của người chơi được thiết kế mang đậm phong cách anime của đất nước xứ mặt trời mọc. Mặc dù yếu tố gameplay không hoàn toàn thiên về yếu tố săn bắt quái vật, nhưng cơ chế gameplay lại có nhiều yếu tố tương đồng. Người chơi sẽ điều khiển một nhân vật chính và cùng với ba nhân vật đồng hành AI hoặc người chơi khác để tiêu diệt đủ loại quái vật mà trong game gọi là Aragami. Tuy nhiên, các Aragami này không hề liên quan gì đến tựa game hành động lén lút Aragami đâu nhé.
Bối cảnh trong God Eater 3 là một tương lai đen tối và thế giới bị hủy hoại khi những sinh thể sống gọi là Aragami xuất hiện, “nuốt chửng” tất cả mọi thứ. Thiên tai mới được gọi là Ashlands xuất hiện, tạo nên những hạt tàn tro trôi dạt trong không khí gọi là Ash Storm, lan rộng khắp các khu vực và biến bất cứ thứ gì chúng chạm vào thành tro bụi. Loài người rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, phải sống dưới những căn cứ ngầm dưới lòng đất gọi là Port. Họ tạo nên một thế hệ God Eater mới gọi là Adaptive God Eater (AGE), có thể chịu được tro độc nói trên một thời gian dài. Nhân vật của người chơi là một trong số đó.
Với những bạn nào chưa từng gắn bó với series trước đây, trò chơi có hẳn một mục Databases mà bạn có thể truy xuất ở các Terminal. Đây là một điểm cộng đáng khen của trò chơi khi cố gắng cung cấp những thông tin cần thiết trong trải nghiệm cho những người chơi mới, mà không làm mất thời gian của những người chơi lâu năm của series vốn không cần phải tìm hiểu lại những thông tin đó. God Eater 3 mặc định bạn đã từng chơi các phần chơi trước, nên không cung cấp các thông tin cũ trong phần trải nghiệm để người chơi hiểu thêm về những từ ngữ như God Arc hay Aragami. Tuy nhiên, game vẫn cung cấp những tutorial khá chi tiết về các yếu tố cơ bản.
Gameplay là yếu tố ấn tượng nhất mà God Eater 3 mang đến. Trò chơi mang đến cảm giác trải nghiệm khá hiện đại, với những vũ khí God Arc khổng lồ nhìn cực ngầu, có thể chuyển đổi để sử dụng làm vũ khí tấn công cận chiến hoặc thành súng để bắn từ khoảng cách xa. Tuy nhiên, trò chơi xây dựng hệ thống nhiệm vụ khá nặng tính lặp lại, chủ yếu chỉ đòi hỏi người chơi tiêu diệt toàn bộ quái vật trong màn chơi, bất chấp mô tả nhiệm vụ như thế nào. Điều này cũng gây tác động không nhỏ đến cốt truyện, khiến các tình tiết diễn ra với tiết tấu nhanh hơn các phần chơi trước.
Trò chơi xây dựng kẻ thù khá độc đáo không chỉ về hình dáng mà cả kịch bản tấn công, thường buộc người chơi phải liên tục thay đổi chiến thuật cho phù hợp với tình huống nhiệm vụ. Chúng trải dài từ những con chim sắt biết bay cho tới những con sư tử khổng lồ có chiêu “sư tử hống” ra lửa. Đặc biệt là tạo hình quái vật ấn tượng không kém những vũ khí God Arc nhìn rất “khủng bố” của nhân vật người chơi. Phần lớn các cuộc chiến thường đòi hỏi bạn phải phá hủy một phần cơ thể của Aragami nhằm làm suy yếu khiến chúng ngã xuống, thu thập những nguyên liệu chế tạo hiếm. Sau đó mới tận dụng cơ hội để tấn công vào core để tiêu diệt chúng.
Nói thì nghe dễ vậy, nhưng kỳ thực God Eater 3 không phải là một game dễ. Phần chơi này có chút thay đổi trong hệ thống chiến đấu, đòi hỏi người chơi phải chuẩn bị trước khi tham gia vào nhiệm vụ để tạo lợi thế cho nhân vật. Các Aragami trong game rất “cứng cựa”, chúng không những khá hung hăng mà thường xuyên gây khó cho người chơi với những bài tấn công nhanh lẹ hơn bạn rất nhiều. Nếu quen với kiểu chơi tấn công cuồng bạo để giành lợi thế trong những tựa game hành động nhập vai khác mà không chú trọng phòng thủ, bạn sẽ biết mùi thế nào là “lễ độ”.
Vũ khí của người chơi khá đa dạng trong lựa chọn, mỗi loại cũng đều có những ưu và khuyết điểm khác nhau. Việc lựa chọn vũ khí phù hợp cho nhiệm vụ màn chơi cũng là một yếu tố khá quan trọng ở những nhiệm vụ về sau. Sai lầm trong việc sử dụng vũ khí có thể là một hậu quả khó lường khi đối mặt với các Aragami. Đây cũng là một “kinh nghiệm xương máu” mà tôi từng trải khi ban đầu không sử dụng súng vì thấy nó khá rắc rối với thao tác chuyển đổi, chiến đấu không có cảm giác mượt mà và còn tốn Orable Point phải hồi lại bằng vật phẩm.
Thế nhưng, súng có thể là một chiến đấu mang tính hỗ trợ khi đối đầu với Aragami theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn bạn có thể chạy ra xa vừa tấn công, vừa thao tác sử dụng vật phẩm, giảm “thời gian nghỉ” khi thực hiện các thao tác tương tự. Chưa kể, mỗi loại vũ khí cận chiến, súng hay khiên đều có ưu và khuyết điểm khác nhau khá rõ rệt. Nếu biết trước kẻ thù mà bạn phải đối mặt, việc sử dụng đúng vũ khí phù hợp sẽ giúp hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn rất nhiều. Tất nhiên, bạn cũng có thể chiến đấu bằng loại vũ khí yêu thích của mình, nhưng nó sẽ không hiệu quả bằng sử dụng đúng loại trong nhiều trường hợp.
Đây là một thiết kế khá hay của God Eater 3 để khuyến khích người chơi đa dạng hóa lối chơi và trải nghiệm. Chưa kể, việc có thể chơi đa dạng nhiều phong cách chiến đấu khác nhau mang đến nhiều lợi thế khi bạn trải nghiệm multiplayer co-op với những người chơi khác. Một “tay chơi” đa dạng sẽ luôn có thể hỗ trợ đồng đội ở bất kỳ tình huống nào, nhất là khi chơi với những người chơi trên khắp thế giới có sự khác biệt khá lớn về trình độ cá nhân. Không những vậy, trò chơi còn nâng cấp hệ thống chiến đấu có chiều sâu hơn nhờ vào Burst Mode và Link Burst, giúp tăng sát thương và phòng thủ mạnh hơn trong một thời gian ngắn khi bạn thỏa được yêu cầu của hệ thống.
Điểm mới trong hệ thống chiến đấu của God Eater 3 là hệ thống Engage và Acceleration Trigger, mang đến buff cho nhân vật khi thỏa các điều kiện của hệ thống. Engage là hệ thống khuyến khích người chơi chiến đấu cùng với bạn bè để hưởng buff, trong khi Acceleration Trigger thì phức tạp hơn, chỉ có thể kích hoạt khi bạn đạt được điều kiện nhất định. Cả hai đều là những hệ thống hỗ trợ khá đắc lực trong chiến đấu, bên cạnh hai cơ chế tăng sát thương và phòng thủ quen thuộc nói trên trong các phần chơi cũ. Việc tận dụng những hệ thống này sẽ mang đến khả năng chiến đấu vượt trội cho nhân vật trong màn chơi.
Đáng tiếc là phần điều khiển trong God Eater 3 lại không có cải thiện gì so với các phần chơi trước. Nó vẫn được thiết kế thiếu trực quan và lủng củng, phức tạp một cách không cần thiết. Điều này thật sự gây nhiều phiền nhiễu trong trải nghiệm và mất rất lâu mới có thể làm quen thao tác điều khiển. Trò chơi sử dụng rất nhiều kiểu phối hợp hai nút nhấn cho những hành động cơ bản, không hiếm lần tôi bị trò chơi hiểu nhầm thao tác, khá là bực mình. Đơn cử như thao tác sử dụng vật phẩm như hồi máu phải qua ba bốn lượt nhấn nút khá mất thời gian, chỉ để tìm đúng vật phẩm cần thiết. Thử tưởng tượng đang lúc “dầu sôi lửa bỏng” của trận chiến sẽ gây rắc rối như thế nào.
Điều tôi khá thích ở God Eater 3 là phần lồng tiếng được thực hiện rất tốt cho cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật, nhưng cá nhân tôi thích giọng lồng tiếng Nhật hơn. Tuy nhiên, phần nhép môi của nhân vật lại có chút vấn đề, hay bị lệch khi trải nghiệm với giọng lồng tiếng Nhật. Phần lồng tiếng Anh thì ít bị lệch cử động môi hơn nhưng không phải không có. Mặc dù yếu tố này không gây tác động gì đến trải nghiệm nhưng nó vẫn là một điều khá đáng tiếc, nhất là khi trò chơi có rất nhiều các đoạn chuyển cảnh với các nhân vật trò chuyện với nhau. Nhìn tiếng một đằng, môi nhép một nẻo cũng khá khó chịu.
Ngược lại, đồ họa và soundtrack trong God Eater 3 lại khá ấn tượng so với hai phiên bản remaster của hai phần chơi chính ban đầu trong series. Tốc độ khung hình ổn định, các hiệu ứng ánh sáng và môi trường màn chơi đều hết sức ấn tượng. Nhạc hoành tráng. Ngay cả tạo hình nhân vật cũng gây ấn tượng, nhất là vài khía cạnh như “hiệu ứng bồng bềnh”. Thế nhưng, phần lớn nhiệm vụ đều tái sử dụng lại một màn chơi nhiều lần, không những vậy mà vị trí đặt các vật phẩm cũng y hệt nhau, mang đến cảm giác cày cuốc khá nặng nề. Đây có lẽ là điểm trừ không nhỏ của God Eater 3 và có thể mang đến cảm nhận khá trái chiều cho người chơi.
Sau cuối, God Eater 3 mang đến một trải nghiệm nhập vai hành động chặt chém khá hấp dẫn, với nhiều cải tiến so với các phần chơi trước, hướng đến đối tượng người chơi cũ lẫn những ai mới lần đầu đến với series game này. Nếu có thể bỏ qua cảm giác lặp lại trong trải nghiệm do thiết kế màn chơi tái sử dụng lại, đây chắc chắn là một trải nghiệm hấp dẫn mà bạn không thể bỏ qua, nhất là những ai yêu thích cảm giác chiến đấu hoành tráng với những con quái vật khổng lồ trong các series game tương tự đến từ Nhật Bản.
God Eater 3 được phát hành cho PC (Windows) và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác