Ginga Force là game shoot ’em up hiếm hoi được xây dựng cốt truyện tử tế, đưa người chơi đến với những cơn mưa đạn đậm chất hành động. Trò chơi có sự hiện đại hóa trong lối chơi bullet hell với đồ họa 3D dễ nhìn và hệ thống nâng cấp vũ khí và trang bị cho phi thuyền của người chơi. Tuy điều này không làm thay đổi hoàn toàn trải nghiệm shmup quen thuộc, nhưng ít nhất cũng tạo sự hấp dẫn và mới mẻ cùng chút thử thách, không chỉ với người chơi mới và cả người chơi lâu năm của dòng game này.
Lối chơi của Ginga Force không khác nhiều so với những tựa game bullet hell trên thị trường. Về cơ bản, nhiệm vụ của bạn vẫn là né tránh những cơn mưa đạn và kẻ thù, trong khi di chuyển phi thuyền bắn phá tất cả mọi thứ xuất hiện trên màn hình. Phi thuyền của người chơi có hai loại đạn mà bạn có thể bắn cùng lúc hoặc chỉ sử dụng một loại, nhưng đây không phải là yếu tố khác biệt duy nhất. Đáng chú ý, mỗi loại đạn sẽ cần đến nguồn năng lượng khác nhau mà bạn có thể thu thập từ màn chơi.
Ginga Force sở hữu cơ chế gameplay vô cùng hấp dẫn và không kém phần thử thách. Các trang bị mà bạn có thể nâng cấp nhiều vô kể, mỗi loại đòi hỏi những điều kiện nhất định bên cạnh số tiền mà bạn kiếm được từ việc hoàn thành các màn chơi. Bên cạnh vũ khí chính và phụ, người chơi còn có thể nâng cấp phi thuyền trong Parts Shop, giúp trải nghiệm qua màn trở nên dễ dàng hơn. Mặc dù yếu tố tùy biến linh hoạt là một trong những điểm cộng lớn nhất của game, nhưng Ginga Force lại có vài điểm trừ thiết kế.
Một trong số đó là các loại vũ khí trong Parts Shop không thể hiện tính thực chiến bằng hình ảnh, mà chỉ hiển thị cho bạn biết mức độ năng lượng tiêu thụ mà thôi. Cách duy nhất để biết được vũ khí mới có hiệu quả hay không là nhắm mắt mua đại ngẫu nhiên đúng kiểu thử và sai, trong khi game không cho bạn “trả hàng hoàn tiền”. Ngược lại, thiết kế màn chơi khá thú vị khi thỉnh thoảng đổi góc nhìn và hướng bắn, tạo nên những khoảnh khắc né tránh chướng ngại vật đòi hỏi sự tập trung.
Trải nghiệm game có hai chế độ chơi Story Mode và Score Attack cùng phần thưởng là Gallery Mode. Số lượng màn chơi vừa đủ với các lựa chọn độ khó khác nhau để mở khóa màn chơi riêng, mang đến giái trị chơi lại khá cao. Phần cốt truyện chỉ ở mức đưa ra lý do để người chơi trải nghiệm, nhưng cũng xây dựng khá chỉn chu cùng với lời thoại tương đối hài hước. Chưa kể, Ginga Force còn có hai màn chơi Training Simulator mà bạn có thể mở khóa khi thỏa điều kiện trải nghiệm nhất định.
Thế nhưng, trong quá trình trải nghiệm tôi gặp một số kẻ thù có xu hướng tập hợp sát cạnh dưới cùng của màn hình, gây không ít khó khăn để bắn hạ nếu phi thuyền của bạn không trang bị vũ khí nhất định như tên lửa tìm diệt. Không những vậy, một số đạn của kẻ thù sử dụng màu sắc gần như tiệp màu với cảnh nền, trở thành những cái bẫy bất công với người chơi. Tương tự, lựa chọn vũ khí hợp lý góp phần không nhỏ giúp trải nghiệm dễ dàng hơn, điều mà bạn chẳng thể biết nếu không thử mua và sử dụng.
Vấn đề lớn nhất của Ginga Force là thiết kế màn chơi khá bất công do không đồng đều về thời lượng cũng như độ khó tăng dần. Tuy số lượt chơi tiếp mỗi khi nổ phi thuyền trong mỗi màn bằng nhau, nhưng thời lượng một màn chơi dài hơn cũng đồng nghĩa rủi ro sẽ lớn hơn so với các màn có thời lượng ngắn. Đáng nói là hoàn thành màn chơi ở các độ khó khác nhau còn là điều kiện cần để mở khóa hết trang bị và màn mới. Chính vì vậy, thiết kế nói trên tạo cảm giác như cố ý kéo dài thời lượng game vậy.
Một vấn đề cũng không thể không đề cập là nội dung trong Ginga Force được thuật lại qua hội thoại giữa các nhân vật. Tuy nhiên, cả phần lời thoại bằng tiếng Nhật lẫn được phụ đề tiếng Anh ở góc trên cùng bên phải này rất hay xuất hiện ngay giữa trải nghiệm, thời điểm mà bạn còn đang tất bật chiến đấu với kẻ thù. Nếu không biết tiếng Nhật và mải đọc phụ đề, khả năng bạn mất tập trung vào trải nghiệm và dẫn đến hậu quả ngoài mong muốn không cần liệt kệ ở đây gần như là chắc chắn.
May mắn là câu chuyện kể trong Ginga Force không có gì đặc sắc hay nhiều nút thắt “hack não” để cuốn hút người chơi, nhưng ít nhiều cũng để lại cho tôi chút gì đó khó chịu vì cảm giác thiếu trọn vẹn khi theo dõi cốt truyện. Tương tự, đồ họa của game cũng chỉ ở mức tròn vai chứ không ấn tượng hay có mức độ chi tiết cao. Artwork các nhân vật lẫn menu đều có thiết kế khá đơn giản và mang cảm giác thiếu chăm chút từ nhà phát triển Qute. Hơi đáng tiếc là phần nhạc nền cũng vậy.
Sau cuối, Ginga Force mang đến một trải nghiệm shmup rất hấp dẫn và thỏa mãn ở khía cạnh gameplay. Trò chơi có sự kết hợp khá tốt trong việc thử thách kỹ năng điều khiển của người chơi ở mức độ cao cùng vài yếu tố tạo sự mới mẻ trong trải nghiệm. Phần thưởng thú vị với khả năng tùy biến phi thuyền của người chơi cao là điểm cộng rất lớn của game so với nhiều cái tên cùng thể loại trên thị trường. Nếu yêu thích dòng game khá kén người chơi này, đây chắc chắn là cái tên mà bạn không thể bỏ qua.
Ginga Force hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 4.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác