Gigapocalypse là game hành động arcade với lối chơi tương tự thể loại “chạy miệt mài”, nhưng có nhiều cải tiến thú vị hơn và mang nhiều cảm giác hoài cổ của game Rampage kinh điển. Tuy trò chơi cũng có cốt truyện, nhưng yếu tố này chỉ để làm màu cho trải nghiệm game hơn. Hào hứng nhất vẫn là dàn nhân vật điều khiển “quái vật khổng lồ” Giga gây loạn trên đường trốn thoát khỏi nơi giam cầm. Sau cuộc phá hủy mọi thứ trên đường đóng vai trò như hướn dẫn cơ bản ngắn, nhân vật chui vào cổng dịch chuyển đưa người chơi đến với trải nghiệm game.
Đồ họa pixel bắt mắt với mức độ chi tiết cao là điểm cộng đầu tiên của Gigapocalypse. Bạn có thể thấy rõ điều này không chỉ từ môi trường, mà cả số lượng nhân vật và boss khổng lồ trong trải nghiệm game. Thậm chí, ngay cả những sprite nhỏ xíu của kẻ thù cũng có sự chăm chút kỹ lưỡng từ họa sĩ. Đó là chưa kể số lượng không hề nhỏ các skin mở khóa, giúp tô điểm thêm rất nhiều cho những pha hành động đậm chất hài hước và vui vẻ của trải nghiệm game. Nhạc nền cũng cực chất với những bản metal rất phù hợp không khí game.
Tuy nhiên, giao diện trò chơi nhìn hơi rối nếu không nói là thiếu tương xứng với các khía cạnh khác, đặc biệt hơi nhỏ khi trải nghiệm trên Nintendo Switch ở chế độ handheld. Cơ chế chiến đấu của Gigapocalypse cũng không hoạt động tốt với Joy-Con so với trên PC. Không hiếm lần người viết gặp tình trạng “phơ” không chính xác, nhưng chủ yếu do vấn đề cố hữu của tay cầm của máy Switch và tốc độ con trỏ di chuyển chậm. Mặt khác, giao diện của trò chơi không được tối ưu cho điều khiển bằng tay cầm, khiến việc truy cập vào menu hơi phiền phức.
Khía cạnh điều khiển được mô phỏng như di chuột trên PC. Người chơi phải sử dụng cần analog để di chuyển con trỏ đến các lựa chọn. Mặc dù vậy, Gigapocalypse có hỗ trợ điều khiển bằng cảm ứng khi chơi trên Nintendo Switch ở chế độ handheld, nên tôi không xem đây là điểm trừ. Tuy nhiên khi trải nghiệm ở chế độ gắn dock hoặc các hệ console khác, việc phải điều khiển con trỏ ảo thông qua tay cầm để tương tác gây nhiều ức chế. Đó là chưa kể cơ chế chiến đấu cũng đòi hỏi sử dụng cần analog di chuyển con trỏ ảo đến mục tiêu tấn công.
Về cơ bản, Gigapocalypse sở hữu lối chơi khá giống phiên bản lite của Dawn of the Monsters, nhưng nhiều nhân vật điều khiển hơn. Người chơi cũng chọn một nhân vật điều khiển, di chuyển trong màn chơi và tiêu diệt mọi thứ trên đường. Khác biệt lớn nhất giữa hai trò chơi là phong cách đồ họa và cơ chế di chuyển bán tự động. Thay vì điều khiển nhân vật đi tự do, tựa game của nhà phát triển Goody Gameworks cho nhân vật tự di chuyển theo nhịp độ nhất định. Người chơi chỉ vận hành các khả năng chiến đấu của Giga sao cho hiệu quả nhất.
Không những vậy, Gigapocalypse cũng rời xa trải nghiệm kinh điển Rampage khi không có những pha leo tường, bắt người bỏ vào miệng nhai như kẹo hài hước. Kỳ thực, trò chơi chỉ là trải nghiệm chạy miệt mại được “ngụy trang kiểu Úc” dưới lớp đồ họa pixel nhiều màu sắc và không kém phần thử thách. Mỗi nhân vật điều khiển đều có cây kỹ năng riêng, góp phần tăng thêm tính giải trí vui vẻ cho trải nghiệm game. Không những thế, các nhân vật điều khiển Giga còn thay cho các thiết lập độ khó khác nhau.
Chẳng hạn Ro’Gath giống như phiên bản ngưu ma vương của Godzilla, với khả năng phun lửa và xé toạc những tòa nhà cao tầng bằng móng vuốt sắt nhọn của nó. Đây là nhân vật mang đến trải nghiệm ít thử thách nhất và là ứng cử viên sáng giá cho người chơi mới. Azurath mang tạo hình giống con rết có đầu bạch tuộc, với sở trường kéo băng giá đến và tấn công tầm xa. DoomTerra cũng sở hữu tạo hình kỳ lạ không kém, nhìn như tòa thành di động khiến người viết cũng không biết phải mô tả thế nào cho chuẩn. Tuy nhiên, đây chỉ là những nhân vật khởi đầu.
Thông qua trải nghiệm Gigapocalypse, người chơi có thể mở khóa thêm rất nhiều Giga khác, mang đến giá trị chơi lại khá lớn cho trò chơi. Màn chơi trong game cũng được thiết kế rất đa dạng với nhiều chướng ngại vật rải rác. Do kích thước lớn, các Giga khổng lồ luôn là bia đạn của kẻ thù. Mục tiêu của người chơi là tấn công, phá hủy mọi thứ trong thời gian nhanh nhất, tránh để nhân vật bị các chướng ngại vật làm mắc kẹt rất dễ dẫn tới những khoảnh khắc ‘game over’ đầy ức chế.
Để hoàn thành yêu cầu nói trên, bạn phải tận dụng khả năng tấn công tầm xa lẫn gần của các Giga. Chẳng hạn Ro’Gath có khả năng bắn các tia laser biết dội lại giữa các vật thể khác nhau trong bán kính gần. Người chơi sử dụng cần analog trái để nhắm và bắn các chướng ngại vật hoặc kẻ thù từ xa, kết hợp cùng những cú cào vuốt ở tầm gần để đánh sập các tòa nhà. Trải nghiệm cứ thế lặp lại đến khi đánh boss và cứ tiếp tục như vậy, tuy nặng tính lặp lại nhưng vẫn hào hứng bất ngờ.
Mỗi lượt phá hoại như thế mang về cho bạn mutation point, dùng để mở khóa kỹ năng mới cho Giga. Xen kẽ với những lượt ra trận như thế là những khoảnh khắc mô phỏng nuôi thú như Tamagotchi ngày xưa. Người chơi có thể cho Giga ăn, chơi với nó và tất nhiên còn phải dọn chất thải của nó nữa. Tương tác nhiều với “thú cưng” Giga cũng mang đến cho bạn mutation point. Nói cách khác, hai yếu tố mô phỏng và chiến đấu được kết hợp với nhau khá tốt trong trải nghiệm game, có tính tưởng thưởng khá cao thông qua mở khóa kỹ năng mới giúp nhân vật mạnh hơn.
Sau cuối, Gigapocalypse mang đến một trải nghiệm hành động arcade rất hào hứng, nổi bật với khối lượng nội dung đồ sộ so với mức giá hạt dẻ. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là trải nghiệm chiến đấu hơi nặng tính cày cuốc. Ngược lại, điểm cộng của khía cạnh này là nó hào hứng một cách bất ngờ với tính tưởng thưởng hấp dẫn. Nếu bạn muốn tìm tựa game phù hợp cho những khoảnh khắc giải trí ngắn hạn với giá trị chơi lại cao, đây chắc chắn là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc cho thư viện game.
Gigapocalypse hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!