Gibbous – A Cthulhu Adventure là game phiêu lưu giải đố point-and-click với đồ họa vẽ tay ấn tượng hiếm hoi, tiếp tục chọn Nintendo Switch để gieo rắc không khí Halloween sau khi làm điều tương tự trên PC năm ngoái. Nội dung game lấy chất liệu từ Cthulhu, một vũ trụ hư cấu của nhà văn người Mỹ H.P. Lovecraft. Người chơi nhập vai chàng thám tử tư Don R. Ketype trong cuộc phiêu lưu tìm kiếm quyển sách Necronomicon, được cho là nắm giữ sức mạnh thần bí và đối mặt vô vàn trở ngại thông qua hình thức giải đố.
Tuy nhiên, không lâu sau đó thì nhân vật chính được đổi sang chàng sinh viên nghèo hiếu học Buzz Kerwan và từ đây, nhiều câu chuyện nhuốm đầy màu sắc rùng rợn bắt đầu diễn ra. Đơn cử như cô mèo có cái tên vô dùng dễ nhầm lẫn Kitteh với thái độ “chảnh chó”, lúc nào cũng nhìn Buzz bằng nửa con mắt và xem cậu như một tên ngốc. Kỳ thực, trong những tình huống giải đố mà người chơi bí và không biết phải làm gì, Buzz có thể ngốc thật nhưng đấy rõ ràng đâu phải là lỗi của anh chàng thủ thư này?
Trải nghiệm Gibbous – A Cthulhu Adventure đòi hỏi người chơi phải thường xuyên chuyển qua lại giữa hai nhân vật Don và Buzz. Mỗi nhân vật đều có những đặc trưng riêng tạo nên cái hồn cho trải nghiệm game. Cặp đôi Buzz và Kitteh “nổi bật” với những màn hỏi xoáy đáp xoay mà phần thắng thường thuộc về cô mèo thông minh sắc sảo này. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hài hước với anh chàng thám tử tư Don nhiều hơn vì mức độ thiếu muối iod của nhân vật này, đặc biệt khi xét đến nội dung giải cứu thế giới.
Lời thoại và phần lồng tiếng cũng là điểm cộng khác của Gibbous – A Cthulhu Adventure. Đội ngũ biên kịch chấp bút các câu thoại rất dí dỏm và hài hước, nhất là những trích dẫn đi vào lòng người của Kitteh. Các diễn viên lồng tiếng cũng chẳng hề kém cạnh khi thật sự thổi hồn cho dàn nhân vật chính. Thái độ “chiếu trên” không lẫn vào đâu được mà cô mèo của Buzz thể hiện hệt như con Méo của tôi, khiến người viết bật cười không ngớt trong suốt trải nghiệm. Chưa kể, các NPC cũng được xây dựng khá tốt.
Một trong những điểm cộng đầu tiên Gibbous – A Cthulhu Adventure phiên bản Switch là hỗ trợ điều khiển cảm ứng. Tôi không hiểu vì sao vấn đề này trở nên khó khăn, đến mức các nhà phát triển của nhiều tựa game point-and-click trên hệ máy này lại quyết định bỏ hoàn toàn tính năng tuyệt vời này. Trong khi đó, điều khiển cảm ứng giúp trải nghiệm trên Nintendo Switch ở chế độ handheld thuận tiện hơn rất nhiều. Nếu không chơi trên Switch Lite, bạn thậm chí có thể tháo cả hai tay cầm Joy-Con cho gọn, nhẹ.
Lối chơi của Gibbous – A Cthulhu Adventure không khác nhiều tựa game point-and-click khác. Người chơi cũng trò chuyện cùng các NPC và tương tác với môi trường để lấy thông tin, phục vụ cho mục đích giải đố. Nhà phát triển Stuck in Attic xây dựng khía cạnh khám phá và tương tác khá tốt. Điều thú vị là cả hai nhân vật chính không chỉ có cá tính riêng mà cả cách tương tác vật phẩm cũng khác biệt. Buzz có thể nhờ Kitteh tương tác thay trong một số trường hợp, còn Don sau này có siêu năng lực khai thác thông tin vật phẩm.
Tôi chỉ cảm thấy hơi tiếc là dù có cá tính rất riêng, nhưng Kitteh không được sử dụng nhiều trong giải đố. Bi kịch ở chỗ, cô mèo của Buzz có khả năng nói tiếng người từ quyền năng của quyển sách Necronomicon, nhưng Kitteh chẳng có chút hào hứng nào về điều đó. Tuy nhiên, tôi phải có lời khen đội ngũ biên kịch đã tái hiện mối quan hệ người và vật nuôi này giống hệt ngoài đời. Từ lý do mà Buzz miễn cưỡng bắt đầu cuộc phiêu lưu để giải lời nguyền cho Kitteh đến các tình huống mà chỉ những ai nuôi mèo mới hiểu thấu.
Với những ai đã kinh qua thể loại phiêu lưu giải đố point-and-click lâu năm thành ‘hardcore’, yếu tố giải đố trong Gibbous – A Cthulhu Adventure có thể hơi dễ. Kỳ thực, tuy vẫn có một số câu đố khiến bạn cảm thấy hoang mang, nhưng hầu hết không gây nhiều khó khăn vì lời giải đều khá logic. Nó cũng không quá sáng tạo so với những cái tên cùng thể loại khác từ trước đến nay trên thị trường. Đáng chú ý, khía cạnh giải đố khá hài hước và không làm khó người chơi phải mang hành trang có quá nhiều vật phẩm như thường thấy.
Phiên bản Switch cũng có hiệu năng khá ổn định, nhất là khi Gibbous – A Cthulhu Adventure không phải game 3D đòi hỏi sức mạnh phần cứng. Cá nhân tôi cảm thấy thoải mái với trải nghiệm game ở chế độ handheld hơn là gắn dock. Màn hình cảm ứng của Nintendo Switch giúp việc tương tác nhanh và tiện lợi hơn nhiều so với sử dụng tay cầm Joy-Con với cần analog di chuyển con trỏ rề rề. Chưa kể, trò chơi cũng không cho phép thiết lập độ nhạy của cần analog khiến việc tương tác chậm một cách khó chịu ở chế độ dock.
Sau cuối, Gibbous – A Cthulhu Adventure phiên bản Switch mang đến một trải nghiệm phiêu lưu giải đố point-and-click khá xuất sắc ở nhiều khía cạnh. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là khía cạnh câu đố có phần hơi dễ so với những người chơi lâu năm thể loại này. Thế nhưng, đó không hẳn là điểm trừ đối với phần lớn người chơi. Nếu yêu thích thể loại này, đây chắc chắn là cái tên mà bạn không muốn bỏ qua trong mùa Halloween này.
Gibbous – A Cthulhu Adventure được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!