Ghostrunner là game đi cảnh vượt chướng ngại vật góc nhìn thứ nhất hấp dẫn không chỉ ở khía cạnh gameplay mà cả độ khó vô cùng bất công của nó. Trải nghiệm game đòi hỏi nhất cử nhất động của người chơi trong thao tác bấm nút đều phải hoàn hảo, không được có bất kỳ sai lầm nào. Phiên bản Switch tuy vẫn truyền tải được trải nghiệm game độc đáo nói trên ở gần như mọi khía cạnh, nhưng chút vấn đề hiệu năng cộng với độ chính xác thấp của tay cầm Joy-Con khiến trải nghiệm vốn đã bất công lại càng thêm bội phần ức chế.
Chất lượng đồ họa có lẽ là một trong những điểm khiến tôi ấn tượng với Ghostrunner phiên bản Switch. Đội ngũ phát triển đã tái hiện khá tốt chất liệu hình ảnh cyberpunk ngập tràn màu sắc của trò chơi lên phần cứng khiêm tốn hệ máy của Nintendo. Tuy nhiên, đó là cái nhìn trong trải nghiệm chứ khi nhìn cận cảnh, bạn sẽ phát hiện nhiều texture nhìn khá đau mắt và không chỉ xảy ra với cảnh nền mà cả hình dựng các NPC. May mắn là do trải nghiệm game có nhịp độ nhanh mà vấn đề này không nhất thiết là điểm trừ trong phần lớn trường hợp.
Dù vậy, tôi lại gặp chút khó khăn với thiết kế giao diện hành trang rất khó nhìn trên màn hình nhỏ xíu của Nintendo Switch ở chế độ handheld hay Switch Lite. Đó không phải là điểm trừ duy nhất của Ghostrunner phiên bản Switch mà còn ở hiệu năng không ngon dù là gắn dock hay ở chế độ handheld. Trong khi các hệ máy khác có tốc độ khung hình 60fps vô cùng mượt mà, trải nghiệm trên máy Switch lại lên xuống đâu đó giữa con số 20-30fps. Nó tùy thuộc vào từng phân cảnh nhất định, nhưng đôi lúc lại lại là vấn đề không nhỏ trên hệ máy của Nintendo.
Hiệu năng không tốt gây chút ảnh hưởng đến lối chơi thiên về tốc độ và sự hoàn hảo của Ghostrunner, nhưng không đến mức phá hỏng trải nghiệm. Người chơi nhập vai một sát thủ ninja với cốt truyện đơn giản về những mưu mô khá dễ đoán. Tùy vào mỗi người chơi mà đây có thể là điểm cộng hoặc điểm trừ. Tôi thì trung lập vì nội dung game không ảnh hưởng gì đến trải nghiệm, có hay không cũng được. Nó chỉ là phương tiện dẫn dắt bạn vào trải nghiệm đầy thử thách và bất công mà đội ngũ phát triển nghĩ ra mà thôi. Vấn đề là những bất công đó liệu có thể thu hút người chơi?
Câu trả lời là có và không. Trải nghiệm Ghostrunner mang cảm giác như phiên bản 3D hóa của Katana Zero, với chút gì đó mang dấu ấn của cái tên kinh điển Mirror’s Edge ngày xưa. Thay cho thiết kế đi cảnh màn hình ngang thì người chơi trải nghiệm trực tiếp ở góc nhìn thứ nhất. Bạn cũng vận dụng yếu tố môi trường và khả năng cơ động cao của nhân vật để tiễn kẻ thù xuống địa ngục. Bạn sử dụng vũ khí cận chiến cùng với một số kỹ năng cơ bản như chạy tường, đu dây, dash và các nâng cấp để khắc chế đủ loại kẻ thù, nhất là khi chúng bắn súng còn nhanh hơn bạn vung kiếm.
Kẻ thù this kẻ thù that sẽ cần cách tiếp cận riêng. Chẳng hạn đụng bọn cầm súng thì chạy tường tìm cách nhảy xổ vào kẻ thù khi chúng chưa kịp phản ứng hoặc không thấy bạn? Có thể nhưng không phải lúc nào cũng vậy, nhất là trải nghiệm về sau thiết kế màn chơi khá tuyến tính. Khi đó, bạn không có nhiều lựa chọn đi đường tắt hay đường vòng để đánh du kích kẻ thù như trải nghiệm ban đầu nữa. Thay vào đó, người chơi buộc phải vận dụng hoàn hảo những kỹ năng và nâng cấp của nhân vật chính cho mục đích nhiệm vụ. Không phải kẻ thù thì người mất mạng là bạn, vậy thôi!
Nói một cách đơn giản thì trải nghiệm Ghostrunner không dành cho số đông. Những ai thích thử thách với tính kiên nhẫn cao, chỉ cảm thấy thỏa mãn khi vượt qua thử thách sẽ vô cùng hào hứng với những gì mà trò chơi mang đến. Trải nghiệm game xoay quanh yếu tố thử và sai, đòi hỏi người chơi phải thực hiện thao tác vô cùng chuẩn xác và đúng từng khoảnh khắc để qua màn. Càng về sau, thiết kế màn chơi càng phức tạp hơn nhưng chuyển sang tuyến tính, không có lựa chọn hướng tiếp cận mà lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác đến hoàn hảo, không chừa chỗ cho bất kỳ sai sót nào.
Mọi sai lầm đều phải trả giá bằng việc đi lại từ checkpoint gần nhất, đòi hỏi người chơi phải tập đi tập lại mọi hành động của nhân vật chính trước khi tìm được ‘chân lý’. Vấn đề ở chỗ, lối chơi này dường như không phù hợp lắm với trải nghiệm trên Nintendo Switch ở chế độ handheld, đặc biệt khi trải nghiệm bằng tay cầm Joy-Con. Mức độ chính xác kém của cần analog trên thiết bị điều khiển này thường để lại cho tôi nhiều ức chế. Chưa kể, cảm giác cầm máy Switch ở chế độ handheld cũng không thoải mái trong những khoảnh khắc “cực gắt” của trải nghiệm game.
Điều này cũng vô tình trở thành vấn đề khác của phiên bản Switch, nhưng tôi không nghĩ đó là điểm trừ vì nó thuộc về lỗi thiết kế của máy Switch hơn. Nếu thay bằng Pro Controller và chơi ở chế độ tabletop thì cảm giác điều khiển tốt hơn hẳn. Đặc biệt, lối chơi đặc trưng và thiết kế màn chơi của Ghostrunner khiến trải nghiệm game tốt nhất là trên màn hình ti vi lớn thay vì màn hình nhỏ. Chính vì vậy mà Ghostrunner phiên bản Switch có lẽ không phải trải nghiệm phù hợp với những ai sở hữu Switch Lite, chiếc máy vốn chỉ có duy nhất khả năng chơi game cơ động.
Sau cuối, Ghostrunner phiên bản Switch mang đến một trải nghiệm đi cảnh vô cùng độc đáo, sở hữu đồ họa đẹp lộng lẫy và lối chơi hấp dẫn nhưng vô cùng thử thách. Nếu đam mê thử thách hoặc yêu thích speedrun, đây chắc chắn là cái tên mà bạn không thể bỏ qua và ngược lại.
Ghostrunner hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PC.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!