Bên cạnh phần chơi Campaign khá hấp dẫn với một số nét mới trong gameplay, Gears 5 cũng gây nhiều chú ý với phần chơi multiplayer. Mặc dù không có sáng tạo gì so với các chế độ chơi “chuẩn” mà bạn có thể tìm thấy ở hầu hết những cái tên cùng thể loại khác, nhưng trò chơi mang đến nhiều cải tiến đáng chú ý, đặc biệt là chế độ chơi Horde trứ danh góp phần làm nên tên tuổi cho series Gears of War từ trước đến nay.
Về cơ bản, Gears 5 vẫn tiếp tục mang đến những chế độ chơi multiplayer quen thuộc với menu thiết kế gọn gàng hơn, nhiều lựa chọn để đáp ứng nhu cầu khác nhau cho từng đối tượng người chơi. Nếu bạn thích PvP, đã có Versus với hai lựa chọn “chơi nhanh” trong Quickplay và Ranked cho những ai thích tranh đua bảng xếp hạng. Quickplay tập trung những chế độ chơi quen thuộc trong Gears of War 3 như Team Death Match, Arms Race cùng chế độ chơi multiplayer mới trong Gears of War 4 là Dodgeball với quy mô nhỏ, từ một đến ba người chơi một đội.
Team Deathmatch trong Quickplay thì không cần phải nói, còn Arms Race thì tương tự Team Deathmatch nhưng là cuộc chạy đua vũ trang của mỗi đội để giành lượt kill nhiều nhất. Hấp dẫn nhất trong Quickplay là Dodgeball, chế độ chơi mới rất được yêu thích từ Gears of War 4. Trong đó, các thành viên mỗi đội chỉ có thể respawn khi đồng đội của họ tiêu diệt được một thành viên của đội đối thủ, mang đến cảm giác khá kịch tính và căng thẳng so với hai chế độ chơi quen thuộc còn lại. Nếu không thích PvP, bạn cũng có thể chọn chế độ Co-Op vs AI với 5 người cùng hợp đồng tác chiến với phe đối thủ do AI điều khiển trong nhiều độ khó khác nhau.
Trong Ranked, Gears 5 mang đến bốn lựa chọn quen thuộc là King of the Hill, Team Deathmatch, Escalation và Guardian với quy mô lớn và kịch tính hơn Quickplay, lên đến 5 thành viên mỗi đội. Hai chế độ chơi đầu quá quen thuộc với “dân chơi” game multiplayer bắn súng nên tôi không đề cập. Escalation về cơ bản là một biến thể của lối chơi “cướp cờ” quen thuộc. Điểm khác biệt làm nên dấu ấn riêng của chế độ chơi này là mỗi vòng đấu sẽ thay đổi toàn bộ vũ khí trong màn chơi. Kịch tính là ở đây khi bạn không thể tiếp tục sử dụng vũ khí quen thuộc. Nó liên quan nhiều đến cảm giác bắn của mỗi loại vũ khí, điều này tạo nên một cuộc chiến vô cùng hấp dẫn. Cuối cùng, Guardian với điểm nhấn là phe nào kết liễu (execute) được leader của phe đối thủ thì các thành viên bên đó không thể respawn được nữa và bạn biết điều đó hấp dẫn thế nào rồi đấy.
Nét mới trong multiplayer của Gears 5 là chế độ chơi Escape, mang nhiều cảm giác lấy cảm hứng từ Left 2 Dead với quy mô màn chơi nhỏ hơn. Một nhóm ba người chơi sẽ được đưa vào không gian màn chơi thiết kế như mê cung. Tất cả phải hợp sức chiến đấu với kẻ thù, mở cửa và tìm cách thoát khỏi màn chơi trong thời gian sớm nhất trước khi khí độc lan khắp nơi và giết chết tất cả. Escape mang tính đổi gió là chủ yếu nhưng độ khó của nó cũng “không phải dạng vừa đâu”, khiến tôi nhớ đến chế độ chơi Beast trong Gears of War 3 ngày xưa. Mỗi nhân vật sẽ có kỹ năng riêng dùng chung với chế độ chơi Horde. Màn chơi Escape xoay tua hàng tuần và bạn cũng có thể “chế map” để thử thách những người chơi khác.
Hấp dẫn nhất vẫn là Horde, chế độ chơi multiplayer kịch tính và căng thẳng nhất của series Gears of War. Phần chơi mới nhất của series này đã mang đến sự thay đổi khá lớn, lai giữa chế độ chơi Horde trong ba phần chơi đầu tiên và Horde 3.0 trong Gears of War 4, đi kèm với một chút yếu tố nhập vai. Một nhóm năm người chơi sẽ cùng nhau chiến đấu chống lại 50 đợt (wave) tấn công của kẻ thù có số lượng áp đảo trong một không gian màn chơi cố định về thiết kế. Điều thú vị là yếu tố ngẫu nhiên, không chỉ kẻ thù mà vị trí chúng xuất hiện cũng ngẫu nhiên trong mỗi lần chơi. Do vậy, bạn đừng lấy làm lạ nếu một lần “retry” trong đó lại là cuộc chiến mới mẻ. Đặc biệt, các đợt thứ 10, 20, 30, 40 và 50 sẽ “bonus” thêm con boss ngẫu nhiên đậm tính thử thách từng khiến bạn “điên đảo” trong trải nghiệm Campaign.
Độ khó càng cao thì quái càng manh động, máu “trâu bò”, gây sát thương cao và bắn cũng “bách phát bách trúng” hơn. Chưa kể, boss sẽ tăng số lượng tùy theo độ khó thiết lập ban đầu. Đây là chế độ chơi cực kỳ thử thách, đòi hỏi kiên nhẫn lớn ngay từ độ khó thấp nhất Beginner. Đáng nói, hệ thống Power trong Gears 5 có sự thay đổi về cơ cấu, giờ đây được chia đều cho tất cả người chơi bất kể ai là người thu thập. Thay đổi này cũng làm thay đổi “tác phong” của người chơi theo hướng tiêu cực. Có những người chơi không chịu đi thu thập Power mà chỉ “cắm chốt” rồi hưởng ké, khá là bực mình.
Horde cũng nâng độ khó từ con số 5 trong Gears of War 4 lên đến 8, mức độ thử thách này chắc chắn sẽ khiến bất kỳ “dị nhân” nào cũng cảm thấy hài lòng. Trước đó, Horde trong ba phần chơi đầu của series này chỉ có bốn độ khó mà thôi. Đây là chế độ chơi co-op đòi hỏi kiên nhẫn rất nhiều vì thời gian hoàn thành 50 đợt có thể kéo dài vài tiếng liền ở độ khó thấp nhất là chuyện thường. Điểm cộng lớn nhất và cũng hấp dẫn nhất là nó vô cùng kịch tính, không những đòi hỏi kỹ năng chiến đấu của cả năm người chơi mà mọi người còn phải phối hợp ăn ý, đồng lòng để tử thủ đến đợt tấn công cuối cùng.
Điểm khác biệt lớn nhất của chế độ chơi này trong Gears 5 so với các phần chơi cũ là khi hệ thống match making không kiếm đủ số người chơi thỏa các điều kiện cần thiết chẳng hạn như ping, game sẽ tự động thêm người chơi AI cho đủ số. Yếu tố lớp nhân vật được lựa chọn riêng trong Gears of War 4 giờ được gán cố định vào từng nhân vật, đi kèm với hệ thống Skill Card và Perk độc lập. Để dễ hình dung, Skill Card là những thẻ kỹ năng tương tự như Horde trong Gears of War 4, được thưởng cho người chơi thông qua trải nghiệm Horde bất kể bạn thắng hay thua. Nó mang tính ngẫu nhiên và có thể nâng cấp khi nhận được trùng thẻ. Độ khó Horde càng cao thì thẻ thưởng càng ngon, hỗ trợ khá nhiều trong việc tăng cường khả năng chiến đấu của nhân vật.
Tương tự, Perk mang đến bốn hỗ trợ riêng cho nhân vật của người chơi trong Horde nhưng chỉ có thể mua bằng Power trong những khoảng thời gian xây dựng căn cứ giữa mỗi wave. Cùng với thay đổi này, mỗi nhân vật sẽ có một kỹ năng Ultiamte đặc trưng làm điểm nhấn riêng, tương tự như thẻ Ultimate cho các lớp nhân vật trong Gears of War 4. Chẳng hạn, nhân vật khách mời Sarah Connor từ series phim Terminator có kỹ năng Heavy Hitter bắn đạn làm stun kẻ thù. Nét mới trong Horde phiên bản mới là Power Tap, một “máy in tiền” xuất hiện sau mỗi 10 wave ở vị trí xa căn cứ, có thể kích hoạt để “thu nhập thêm” Power. Các yếu tố này mang đến lớp chiến thuật mới trong trải nghiệm Horde của Gears 5, nâng cao yếu tố cá nhân gắn liền với nhân vật trong trải nghiệm co-op đặc trưng, giảm đi sự phụ thuộc quá nhiều vào các công cụ hỗ trợ như trước đây.
Ở góc độ người chơi, sự thay đổi này khiến trải nghiệm Horde được đón nhận tốt hơn từ những người chơi lâu năm của series Gears of War, nhưng nó có thể là một điểm trừ vì khiến người chơi mới khó tiếp cận hơn. Đáng nói, chế độ chơi này có phần hướng dẫn vô cùng hạn chế, gây khó hiểu ngay cả với người chơi cũ như tôi. Trò chơi thậm chí cũng không cho phép bạn tùy biến nhân vật trước khi vào lobby chờ hệ thống match making “làm cầu nối” giữa các người chơi, nên mọi thứ khá cập rập. Mặt khác, thay đổi trong cơ chế gameplay của chế độ chơi Horde trong Gears 5 cũng khiến sự khác biệt giữa trình độ người chơi càng dễ trở thành rào cản lớn theo hướng tiêu cực. Không hiếm trường hợp thu thập Power để nâng cấp cho nhân vật của mình thay “góp vốn” xây các công trình hỗ trợ, nhất là thời điểm độ khó tăng cao từ wave 30 về sau.
Những tưởng multiplayer trong Gears 5 đã làm khá tốt, thế nhưng trò chơi lại hay bị những lỗi vặt có lẽ từ phía hệ thống máy chủ. Ở thời điểm phát hành sớm tại thị trường Mỹ, trò chơi gần như bị sập server khiến việc chơi co-op cũng rất khó khăn do người chơi không thể kết nối vào hệ thống dịch vụ online của game. Còn thời điểm phát hành chính thức hôm qua, tình trạng này cũng lại tái diễn với mức độ nhẹ hơn nhưng vẫn gây bực mình. Cách đây nhiều năm, thời điểm Gears of War 4 tung ra bản cập nhật lớn đầu tiên cũng bị tình trạng này suốt những ngày cuối tuần. Hệ thống không ghi nhận lại công sức người chơi đã bỏ ra, nhất là phần chơi Horde 3.0 khi đó phụ thuộc nhiều vào điều này và lootbox làm phần thưởng cho người chơi.
Multiplayer trong Gears 5 tuy không còn lootbox nhưng việc hệ thống không đáp ứng được số lượng người chơi tăng đột biến vào thời điểm phát hành là một điều khiến tôi khá thất vọng, đặc biệt khi nó đã từng xảy ra trước đó và gây ức chế cực kỳ sau khi bạn đã trải qua nhiều tiếng đồng hồ để hoàn thành 50 wave Horde ở độ khó Hardcore hay Insane mà không được ghi nhận. Không những vậy, việc nhà phát triển quyết định thay đổi cách gọi độ khó vốn là đặc trưng trong series game và thay bằng những cái tên hoàn toàn xa lạ cũng là một điểm trừ không nhỏ. Sự thay đổi này gây rắc rối không cần thiết cho người chơi cũ vốn đã quen với cách gọi độ khó độc đáo của series này trong suốt gần 13 năm nay và nó thật sự đáng chỉ trích.
Gears 5 được phát hành cho PC (Windows) và Xbox One. Trò chơi hỗ trợ Xbox Play Anywhere và cross-play giữa người chơi PC và Xbox One. Xem thêm Kinh nghiệm chơi game Gears 5 (Multiplayer).
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!