Syberia II là phần tiếp theo trong series game phiêu lưu giải đố kinh điển cùng tên mà chắc chắn fan của thể loại này không muốn bỏ qua.
Thời điểm Syberia phát hành, trên thị trường gần như không có tựa game phiêu lưu giải đố nào đáng chú ý. Trong khi đó, tựa game này lại có gần như tất cả thứ mà người chơi thể loại này muốn, nắm bắt được tinh thần của một game phiêu lưu thật sự phải như thế nào, thứ mà nhiều game khác cùng thể loại lại thiếu. Không những câu chuyện đậm tính nhân văn và ấn tượng, kết thúc của nó khiến nhiều người chơi ngỡ ngàng.
Thế nhưng với tôi, ấn tượng mà Syberia để lại chính là những nhân vật hết sức ấn tượng, được xây dựng rất có chiều sâu. Thậm chí anh người máy Oscar cũng có cái hồn rất “người”. Tôi đặc biệt thích nhân vật bí ẩn Hans Voralberg khi ông dám bỏ tất cả những gì đang có để theo đuổi mơ ước của cả đời mình. Nhưng ấn tượng nhất lúc đó vẫn là hình ảnh nhân vật chính Kate Walker nhảy lên chuyến tàu định mệnh đó để theo đuổi một sự mệnh mới mà cô vừa thoáng nghĩ tới. Và Syberia II tiếp nối ngay sau kết thúc của phần một, đưa người chơi tiếp tục với cuộc hành trình dài của cô nữ luật sư này.
Giao diện điều khiển trong Syberia II vẫn rất quen thuộc, vừa đơn giản lại vừa trực quan. Nhà phát triển vẫn giữ nguyên giao diện điều khiển khiến những ai đã từng trải nghiệm phần đầu của trò chơi sẽ rất dễ trải nghiệm Syberia II. Mọi thứ vẫn hoàn toàn là trải nghiệm trỏ và nhấn chuột quen thuộc, những thứ có thể tương tác sẽ đổi con trỏ sang biểu tượng tương ứng hoặc sáng lên. Có khác biệt có lẽ là điện thoại di động của Kate Walker giờ đây gần như cắt đứt liên lạc với thế giới, chỉ dùng trong một số tình huống cần thiết trong cốt truyện, chứ không nhận cuộc gọi suốt như trong phần một. Bạn vẫn tiếp tục sử dụng chuột phải để truy cập vào hành trang cho mục đích sử dụng hoặc xem vật phẩm nào đó như trước đây, cảm giác điều khiển hết sức quen thuộc như thể cả hai phần chơi chỉ là một tựa game vậy. Tôi nhớ chỉ đạo game Benoît Sokal từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng Syberia ban đầu dự tính chỉ làm một phần game duy nhất, nhưng do nội dung quá đồ sộ của trò chơi nên sau cuối họ quyết định làm thành một series. Chính vì vậy việc Syberia II giữ nguyên giao diện điều khiển thật sự là một quyết định đúng đắn.
Ở khía cạnh trải nghiệm, trước đây phiên bản đầu thường bị chỉ trích rất nhiều bởi phần trải nghiệm khá ngắn và thiếu những câu đố mang tính thử thách. Nhà phát triển thật sự lắng nghe và cải thiện rất nhiều trong Syberia II. Trò chơi giờ đây đa dạng hóa những câu đố hơn, thay vì chỉ gói gọn trong những câu đố sử dụng hành trang quen thuộc. Và như thế, độ khó của các câu đố cũng có sự tăng đáng kể, thậm chí sẽ có đôi lúc bạn cảm thấy bế tắc thật sự không biết phải làm sao để giải quyết một vấn đề khó trong trò chơi. Thậm chí, giống như một hiệu ứng domino, sự đa dạng của những câu đố vô tình đã giúp kéo dài thời lượng chơi trong Syberia II gần gấp đôi phiên bản đầu, đồng thời mang đến cảm giác giải đố thỏa mãn hơn.
Đáng tiếc là được cái này thì mất cái kia. Dù đã cải thiện rất nhiều phần giải đố nhưng yếu tố phát triển nhân vật lại mất đi. Trong phần game đầu, tính cách của nhân vật Kate Walker được lý giải qua tương tác với các nhân vật khác và cuộc trò chuyện qua điện thoại. Nhưng trong phần chơi này, có thể một phần do cuộc sống và môi trường của nhân vật vậy thay đổi mà các tương tác mang ý nghĩa nhận định lại trở nên rất hiếm hoi. Nếu như trong phần đầu thì những cuộc gọi điện thoại đều giúp khắc họa được tâm hồn và cảm xúc của Kate Walker thì giờ đây sự loại bỏ gần như hoàn toàn chiếc điện thoại khiến người chơi không còn cách nào để hiểu được tâm tư của nhân vật ngoài cách tự phỏng đoán không có căn cứ. Thiếu sự cộng hưởng cảm xúc thật sự làm tổn hại trò chơi ở khía cạnh này hay khía cạnh khác. Mặc dù Syberia II vẫn có vài khoảnh khắc căng thẳng, thậm chí gây được ấn tượng vì bất ngờ, lạ thường và giàu xúc cảm, nhưng xét ở tổng thể câu chuyện lại không tạo được nhiều cảm xúc cho người chơi như phần đầu, thậm chí nhiều lúc có phần lạc điệu với không khí chung trong trò chơi.
May sao, phần đồ họa của trò chơi vẫn làm rất tốt so với những gì đã tốt ở phần đầu của trò chơi. Mọi thứ liên quan đến hình ảnh, từ các đoạn phim chuyển cảnh, cảnh nền và nhân vật đều được cải thiện và đẹp hơn so với phần đầu của trò chơi. Biểu cảm của các nhân vật cũng tốt hơn rất nhiều, cảnh nền cũng chi tiết hơn và các đoạn phim chuyển ảnh thành mang đến cảm giác thưởng thức phim điện ảnh hơn. Thậm chí, có rất nhiều cải thiện khiến tôi cảm thấy khá thích, chẳng hạn gió thổi cây cối xào xạc, nước chảy hay thú cấp tập băng qua tuyết lạnh giá và rất nhiều tiểu tiết khác. Chúng tuy không có tác dụng gì đến với trải nghiệm trò chơi, nhưng tạo nên bầu không khí sống động trong trải nghiệm cho người chơi.
Không chỉ hình ảnh ấn tượng, mà phần âm thanh vẫn tiếp tục được đầu tư hết sức ấn tượng. Mỗi địa danh mà bạn tìm đến trong trò chơi đều có bài nhạc chủ đề rất phù hợp với không khí và tâm trạng ở nơi đó. Tôi từng khá thích những giai điệu rất đep trong phần đầu của trò chơi và Syberia II lại tiếp tục gây được ấn tượng mạnh với tôi. Ngay cả phần lồng tiếng cũng được làm tốt hơn trước đây với chất lượng ổn định hơn rất nhiều.
Tóm lại, Syberia II là một game phiêu lưu giải đố gần như hoàn hảo mọi khía cạnh. Trò chơi thật sự cải thiện rất nhiều những vấn đề bị chỉ trích trong phần đầu của trò chơi, tuy nhiên khá đáng tiếc khi phải chấp nhận những đánh đổi nhất định. Dù vậy, đây vẫn thật sự là một tựa game phiêu lưu giải đố chất lượng, đặc biệt với những ai là fan ruột của thể loại này.
Syberia II được phát hành trên PC và gần như tất cả các nền tảng thông dụng từ thời PlayStation 2 đến Xbox 360, cũng như hai nền tảng iOS và Android. Trò chơi vừa phát hành trên Nintendo Switch hồi tháng 11/2017.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!